Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Đi tìm kho báu: trò chơi hay trò gì?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

"Càng chơi càng thấy tức!". Nhiều khán giả gửi thư đến Tuổi Trẻ bày tỏ nỗi bức xúc khi xem và tham gia trò chơi trực tuyến Ði tìm kho báu trên truyền hình. Trên các diễn đàn và blog cá nhân cũng có nhiều ý kiến tương tự.

Trò chơi Đi tìm kho báu phát sóng ngày 3-1-2009 trên kênh SCTV – Ảnh: chụp qua tivi

 

Ði tìm kho báu là một trò chơi trực tuyến tương tác, phát sóng trực tiếp trên VTV9, Huế, Nghệ An từ 16g-17g, trên SCTV từ 18g-19g từ ngày 6-11-2008, do Công ty Créa TV mua bản quyền từ CHLB Nga. Trò chơi này đã "xuất khẩu" sang 16 nước, VN là nước châu Á đầu tiên mua bản quyền.

Muốn tham gia, người chơi phải đăng ký tham dự bằng cách nhắn tin KBG vào tổng đài 8740. Số tiền phải trả cho mỗi tin nhắn là 15.000 đồng. Sau khi đủ số lượng tin nhắn nhất định, máy tính mới chọn ngẫu nhiên số điện thoại được kết nối chương trình. Ðây là chương trình kiểu đố vui đoán chữ, người chơi được chọn phải trả lời câu hỏi mà MC của chương trình đưa ra, nếu đúng sẽ nhận giải thưởng trị giá từ 1 triệu đồng trở lên. Trong vòng một giờ, trò chơi đưa ra 2-3 câu hỏi. Các câu hỏi Ði tìm kho báu đều rất dễ, MC lại đưa ra những gợi ý rất gần với đáp án, số tiền thưởng lại càng tăng theo thời gian… là những yếu tố kích thích mọi người tham gia cuộc chơi. Tuy nhiên, không ít người chơi "vỡ mộng" bởi chi phí đăng ký tham gia chương trình quá cao nhưng cơ hội được máy tính lựa chọn quá thấp.

Mặt khác, sau khi xem chương trình nhiều người còn nhận xét vui rằng hai MC của chương trình rất xứng đáng nhận giải "vô địch" MC về khoản nói nhanh và nhiều nhất theo phong cách "sơn đông mãi võ". Chỉ trong một giờ họ liên tục nói, liên tục thúc giục mọi người đăng ký tham gia bình chọn "Hãy nhắn tin càng nhiều càng tốt", "Hãy nhắn tin để sở hữu kho báu có thật"…

Một điều khá lạ của chương trình là dù câu hỏi được đưa ra rất dễ trả lời, vẫn có khá nhiều câu trả lời sai một cách hết sức ngớ ngẩn khiến nhiều khán giả khi xem phải "nóng mặt". Cụ thể gần đây nhất, trong chương trình phát sóng ngày 3-1 trên kênh SCTV, câu hỏi trò chơi đưa ra: đây là loại cá gì? Ô chữ thứ ba trong bốn ô chữ cần tìm đã được mở là chữ "n". MC gợi ý đây là con vật xuất hiện trong Tấm Cám – một câu chuyện cổ tích nổi tiếng của VN, vậy mà lần đầu người chơi trả lời là "cá cảnh". MC lại gợi ý tiếp con vật này xuất hiện trong câu hát rất quen thuộc "… lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người", vậy mà có người trả lời là "cá đồng". MC lại gợi ý đây là tên gọi khác của ca sĩ Hồng Nhung, người chơi lại trả lời là "cá hồng"… Chỉ đến phút cuối cùng mới có người trả lời đúng câu hỏi.

Cứ thế, những câu trả lời ngớ ngẩn cùng với sự không rõ ràng về tên tuổi, địa chỉ người chơi khiến nhiều người đặt dấu chấm hỏi về sự minh bạch của trò chơi này.

HOÀNG LÊ (theo TTO)

 

Trò chơi Đi tìm kho báu phát sóng ngày 2-1 trên kênh VTV9 từ 16g-17g – Ảnh: chụp qua tivi

Từ hàng ghế khán giả

Ai là người chơi?

Tôi cảm thấy trò chơi Đi tìm kho báu không có gì bổ ích mà ngược lại chỉ khiến người xem mất tiền. Những câu hỏi và những lời gợi ý của MC chẳng khác nào là đáp án. Vậy mà những người được kết nối toàn cố ý trả lời sai (nhằm kéo thời gian?).

Ví dụ như câu hỏi ngày 10-12-2008, trò chơi ô chữ đố rằng đây là kẹo gì. Có ba ký tự chưa mở. Sau đó, ký tự được mở ở giữa là chữ “ừ”. MC gợi ý đây là loại kẹo làm từ cốt một loại trái cây và là đặc sản của tỉnh Bến Tre. Có đến ba bốn người (không phải trẻ con) được kết nối lại trả lời là “kẹo sữa”, “kẹo mứt”?!

Tôi cũng chưa thấy trò chơi nào mà mơ hồ thông tin về người chơi như trong Đi tìm kho báu. Lúc kết nối, MC chỉ hỏi vỏn vẹn mấy chữ “Bạn tên gì và đáp án của bạn là gì?”. Và người trúng thưởng cũng không có địa chỉ rõ ràng mà chỉ toàn là Nguyễn Văn A, ở TP.HCM trúng 1.000.000 đồng…

NGUYỄN THANH PHONG (Q.10, TP.HCM)

Bài học… 15.000đ

Tôi xem chương trình game show trên VTV9 Đi tìm kho báu và lần đầu tiên tôi nhắn tin tham gia mấy game show kiểu này, nhưng lần tham gia này đã để lại cho tôi một bài học trị giá… 15.000đ (và hơn cả thế).

…Câu đố là một từ có ba chữ, tên một loại cây gần với cây mận, có hoa nở vào mùa xuân, màu hồng… (và nhiều gợi ý khác). Với phần thưởng trị giá 2.500.000đ (tăng theo thời gian chương trình) và câu đố quá dễ nên tôi đã nhắn tin. Lý do khiến tôi nhắn tin cũng là do sơ hở của MC khi gợi ý (MC suýt nói ra đáp án, nhưng giờ nghĩ lại chẳng biết đó là vô tình hay hữu ý). Đáng lưu ý là những người được gọi để trả lời thì ít khi xưng tên, không hiển thị số điện thoại và có những câu trả lời rất ư… ngô nghê (cây sào, cây cào, cây leo…).

Càng về sau chương trình càng tăng số tiền thưởng (500.000đ cho mỗi lần) và thậm chí còn mở gợi ý 1-2 trong ba chữ nhưng vẫn không có người đoán trúng. Cho đến những giây cuối cùng mới có một người đoán ra kết quả mà… con nít cũng biết. Người trúng thưởng nhưng không biết tên, địa chỉ, số liên lạc hay bất kỳ thông tin cá nhân nào!

Tôi phát hiện những điểm vô lý này khi… vừa nhắn tin xong. Nhưng vì muốn xác thực những nhận định trên nên quyết tâm xem hết chương trình và hình như tôi không sai!

Blogger KIM TUYẾN


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)