Trong cao điểm mùa thi, nhiều bạn trẻ tìm đến cà phê hoặc các loại nước uống tăng lực chứa caffein như một cứu cánh để duy trì sự tỉnh táo, tập trung trong những đêm dài ôn bài.

Không nên quá lạm dụng
Trong những ngày cao điểm của kỳ thi, nhiều quán cà phê ở TP.HCM mở cửa xuyên đêm, đón lượng lớn học sinh – sinh viên ghé qua với một mục tiêu chung: tìm sự tỉnh táo. “Uống cà phê cho đỡ buồn ngủ”, “phải học đến sáng mai nên cần một ly mạnh đô” – đó là những lời nói quen thuộc được lặp lại không chỉ ở mùa thi năm nay mà từ nhiều năm qua, dần trở thành một “nghi thức” của học trò cuối cấp. Trong bối cảnh đó, nhiều bạn trẻ tìm đến cà phê hoặc các loại nước uống tăng lực chứa caffein như một cứu cánh để duy trì sự tỉnh táo, tập trung trong những đêm dài ôn bài.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc lạm dụng caffeine – hoạt chất có nhiều trong cà phê và nước tăng lực – có thể gây ra hàng loạt hệ lụy sức khỏe, đặc biệt là với người trẻ đang ở độ tuổi phát triển.
Theo PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: “Rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ, có thói quen uống cà phê hoặc nước uống tăng lực chứa caffein do sở thích hoặc nhằm tăng sự tỉnh táo, tập trung cho việc học. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ đem lại nhiều hệ lụy đến sức khỏe”.
Không khó để bắt gặp những học sinh lớp 12, sinh viên năm cuối ngồi chăm chú trong các quán cà phê, gương mặt lộ vẻ căng thẳng, tay lật sách, miệng nhấp từng ngụm đắng. Tại một quán cà phê khu vực quận 3, TP.HCM, bạn Mai Linh (học sinh lớp 12) chia sẻ: “Em thường pha hai ly cà phê đá vào buổi tối, rồi ôn tới 2-3 giờ sáng. Có hôm thi sắp tới, ngủ không được mà không uống thì học không nổi”.
Ghi nhận từ thực tế tại nhiều trường THPT ở TP.HCM, các giáo viên và cán bộ tư vấn tâm lý cho biết có không ít học sinh tìm đến cà phê như một công cụ để thức khuya học bài, đặc biệt là trong giai đoạn nước rút ôn thi tốt nghiệp. Nhiều em rơi vào trạng thái mất ngủ kéo dài, căng thẳng hoặc mệt mỏi vào buổi sáng, làm giảm khả năng tiếp thu khi đến lớp.
Không chỉ học sinh, nhiều sinh viên cũng phụ thuộc rõ rệt với cà phê. Ngọc Minh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chia sẻ: “Sinh viên năm cuối như tụi em phải ôn đồ án, báo cáo, gặp giáo viên… Hết deadline này đến deadline khác, không cà phê là như mất đi động lực vậy. Có khi pha luôn cà phê với nước tăng lực để hiệu quả mạnh hơn”.
Theo khuyến cáo từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), mỗi người trưởng thành không nên dùng quá 400mg caffein mỗi ngày. Trung bình, một ly cà phê chứa từ 80 đến 200mg caffein, tương đương 3-5 ly/ngày là đủ.
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ không ý thức được ngưỡng an toàn này. “Có hôm em uống tới 6-7 ly cà phê để cố thức học. Sáng hôm sau nhịp tim đập nhanh, tưởng tim đứt rời” – Khánh Duy (học sinh lớp 12, Bình Thạnh) chia sẻ.
Nhiều hệ lụy
PGS.TS.BS Niên cảnh báo, việc dùng caffein vượt mức có thể gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe: Tăng nhịp tim, hồi hộp, lo âu; Đau dạ dày, buồn nôn, đầy bụng; Mất ngủ, rối loạn nhịp sinh học; Co giật, ngộ độc caffein, thậm chí tử vong nếu đạt ngưỡng 1.200 mg/ngày. Đã có những báo cáo y khoa trên thế giới ghi nhận trường hợp tử vong do lạm dụng caffein, đặc biệt khi kết hợp nhiều loại nước tăng lực và cà phê đặc.
Ngoài caffein, cà phê còn thường được pha với đường, sữa đặc hoặc siro để dễ uống hơn. Việc nạp nhiều đường lâu ngày dẫn tới béo phì, tiểu đường, mỡ máu cao. Nguy hiểm hơn, những thức uống này thường được tiêu thụ vào ban đêm – thời điểm cơ thể dễ tích trữ năng lượng dư thừa, làm rối loạn chuyển hóa.
Các chuyên gia khuyên rằng:
+ Học sinh, sinh viên nên lập kế hoạch ôn tập hợp lý, chia nhỏ thời gian học thay vì dồn dập về đêm; + Ưu tiên ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày, tránh dùng thiết bị điện tử quá khuya; + Có thể thay thế cà phê bằng các loại nước tự nhiên như trà hoa cúc, nước ấm, hít thở sâu để thư giãn thần kinh; + Nếu cần thức khuya, chỉ nên dùng cà phê vào đầu buổi tối, hạn chế dùng sau 21 giờ. |
Khánh Linh (học sinh lớp 12, quận 5) thừa nhận: “Cà phê đen thì đắng quá, em phải bỏ thêm 2 muỗng sữa đặc. Mỗi tối ít nhất một ly như vậy. Lúc đầu thì thấy tỉnh, sau đó em bị đau bao tử mà không biết lý do”.
PGS.TS.BS Niên cũng lưu ý, mỗi người có độ nhạy cảm với caffein khác nhau. Những người nhạy cảm cao hoặc có tiền sử cao huyết áp, mất ngủ, rối loạn lo âu nên hạn chế đến mức tối thiểu. “Có bạn chỉ cần một ly nhỏ cũng gây khó ngủ cả đêm, trong khi người khác có thể uống 2-3 ly vẫn không thấy gì. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là an toàn lâu dài”.
Một hệ quả âm thầm nhưng dai dẳng của việc dùng cà phê thay giấc ngủ là tình trạng mệt mỏi mạn tính. Khi cơ thể không được phục hồi đầy đủ, trí nhớ giảm, khả năng học tập sa sút, kéo theo hiệu quả ôn thi thấp hơn.
Cà phê chỉ góp phần tỉnh táo nhất thời, không thể thay thế giấc ngủ để phục hồi năng lượng cho cơ thể. Ngủ đủ và ăn uống hợp lý mới là chiến lược bền vững cho sức khỏe mùa thi.
Thu Trang (sinh viên năm nhất) chia sẻ: “Năm ngoái em từng lạm dụng cà phê để ôn thi đại học, hậu quả là mất ngủ kéo dài suốt kỳ tuyển sinh. Năm nay, em chia lịch học từ chiều tới tối, và luôn đi ngủ trước 11 giờ. Hiệu quả bất ngờ hơn em tưởng”.
Việc sử dụng cà phê và các loại thức uống chứa caffein trong mùa thi là lựa chọn phổ biến ở học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, khi thói quen này chuyển thành lạm dụng mà không đi kèm kiến thức về liều lượng an toàn và tác động đến sức khỏe, những hệ quả tiêu cực sẽ dần bộc lộ. Các chuyên gia khuyến cáo, tỉnh táo không nên đến từ caffein mà cần xuất phát từ nền tảng thể lực ổn định, giấc ngủ đủ và tinh thần được chăm sóc đúng cách. Trong hành trình học tập dài hạn, đặc biệt là ở giai đoạn quyết định như kỳ thi cuối cấp, việc cân bằng giữa học tập và bảo vệ sức khỏe cần được đặt lên hàng đầu.
Thủy Phạm
Bình luận (0)