Thầy Phạm Thành Trung và 3 thành viên trong nhóm nghiên cứu
|
Đánh giá học lực từ trước tới nay vẫn thường dựa vào 2 tiêu chí: Khả năng thiên bẩm và ý chí nghị lực. Nếu không có “thông minh vốn sẵn tính trời” thì cũng phải “lấy cần cù bù khả năng”. Tuy nhiên nhóm học sinh (HS) Trường THCS Ba Đình (Q.5, TP.HCM) lại đi theo hướng khác để tìm ra nguyên nhân của sự vượt trội cũng như những bước lùi trong biểu đồ học tập của lứa tuổi THCS. Đó là chỉ số BMI.
Thầy Phạm Thành Trung – giáo viên hướng dẫn nhóm HS nghiên cứu – cho biết BMI (Body mass index) là chỉ số được tính từ chiều cao và cân nặng của một cơ thể. Đây là chỉ số đáng tin cậy về mức độ mập – ốm của con người. Chỉ số này tính theo công thức được cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ chấp nhận và sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Học lực thể hiện qua BMI
Chỉ số BMI chính là kết quả thương của khối lượng khi chia cho bình phương của chiều cao cơ thể người. Thầy Trung lấy ví dụ, HS Nguyễn Thị Thanh Tâm, lớp 9/1 cao 1,57, nặng 47 kg, BMI = 19,1. Từ độ tuổi 10 đến 14 nếu BMI nhỏ hơn 10 điều đó có nghĩa bạn đã bị suy dinh dưỡng. Còn nếu BMI > 23 (11 tuổi), BMI > 26 (14 tuổi) là bạn đã bị béo phì. Như vậy, bạn Thanh Tâm có BMI xếp loại bình thường. Chỉ số BMI được chia ra các mức từ thấp tới cao: Suy dinh dưỡng, có nguy cơ suy dinh dưỡng, bình thường, có nguy cơ béo phì và béo phì. Thế nhưng đi tìm chỉ số BMI cho 355 HS thuộc 10 khối lớp nằm trong độ tuổi 10 đến 15 không phải là một trò chơi vô bổ của 3 HS lớp 9/1. Qua kết quả này, nhóm nghiên cứu (Lê Hoàng Thái Thanh, Nguyễn Thanh Minh và Đỗ Anh Khoa) bắt đầu lao vào một công trình so sánh để tìm ra mối quan hệ giữa BMI với năng lực học tập của 5 nhóm trên. Sau khi tổng hợp và đối chiếu, kết quả thu được thật bất ngờ, nhóm có chỉ số BMI bình thường có tỷ lệ đạt học lực khá giỏi rất cao. Trong lúc đó nhóm BMI thừa cân thì tỷ lệ này lại thấp hơn nhiều và tỷ lệ học lực yếu kém lại vượt trội. Điều đó đã cho thấy những HS có BMI thuộc nhóm béo phì – thừa cân kết quả học tập khó sánh kịp với nhóm bình thường. Ít ai nghĩ tới nghịch lý này nhưng sự thật vẫn là sự thật.
Lý giải điều này, bác sĩ Trần Ngọc Bích (Bệnh viện Q.5) cho biết: “Béo phì sẽ dẫn đến hiện tượng mỡ cản trở đường đưa chất dinh dưỡng lên não làm cho suy nghĩ của con người chậm chạp, thiếu lanh lợi. Còn suy dinh dưỡng lại gây ra hiện tượng chóng mặt, khó tập trung”. Bác sĩ Lê Thị Mỹ Thơ (Bệnh viện Hùng Vương) cũng đưa ra nhận định: “Sức khỏe có ảnh hưởng nhất định đến năng lực học tập của HS. Nếu bạn thông minh nhưng sức khỏe yếu hay đau ốm thì không thể học tập tốt được”. Các bác sĩ còn cảnh báo số HS có nguy cơ béo phì và béo phì đang chiếm tỷ lệ cao trong trường học mà nguyên nhân là do chế độ ăn uống không hợp lý. Nhiều em vẫn có thói quen dùng các loại thức ăn nhanh, đồ chiên rán quá nhiều dầu mỡ như KFC, hamburger, bánh snack… Trong lúc đó lại thường ngồi một chỗ, ít vận động và lười thể dục thể thao. Thời gian chủ yếu dành cho việc học, xem ti vi, chơi máy tính… Như vậy làm sao tránh được nguy cơ trở thành… “võ sĩ Sumo”.
Điều chỉnh lối sống HS
Nhóm nghiên cứu cũng đã tìm ra kết luận mang tính chân lý: Lứa tuổi vị thành niên rất cần nguồn dinh dưỡng để tăng cường cho sự phát triển của cơ thể. Tuy nhiên do những quan niệm sai lầm về chế độ dinh dưỡng đã dẫn đến chỉ số BMI nằm ngoài tầm kiểm soát và mức cho phép. Như một quy luật hiển nhiên, cơ thể phát triển bất thường sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chuyện học tập của HS. Điều đáng báo động hơn, đối tượng mắc phải căn bệnh béo phì ngày càng trẻ hóa, tuổi càng ngày càng ít đi. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu thấu đáo được điều này. Chính vì thế thông qua những chỉ số cụ thể, nhóm nghiên cứu đã giúp các bạn HS sớm nhìn thấy nguy cơ và tác hại của cơ thể mập phì lũ để từ đó điều chỉnh lại lối sống, chế độ ăn uống theo hướng tích cực hóa. Khi đã có hiểu biết dù ít hay nhiều chắc chắn các bạn sẽ tránh xa các nguy cơ về béo phì và cả suy dinh dưỡng. Sức khỏe được cải thiện chỉ số BMI trở về mức bình thường với con số đẹp thì con người sẽ có một trí tuệ minh mẫn trong một cơ thể khỏe mạnh, cường tráng. Đến lúc đó khả năng học tập tất yếu sẽ theo chiều hướng đi lên.
Em Đỗ Anh Khoa cho biết đòi hỏi này không chỉ “người trong cuộc” phải thực hiện tốt mà nhà trường và gia đình cũng cần có giải pháp thích hợp để giảm tỷ lệ xấu về béo phì trong trường học. Các bài tập thể dục thể thao phù hợp sẽ giúp các bạn có thêm cơ hội cho vận động. Cha mẹ và gia đình cần có trách nhiệm điều chỉnh lại chế độ ăn uống cho phù hợp, tăng cường rau xanh, cá tươi và hoa quả. Trách nhiệm này phải được giao đến tận từng phụ huynh và thầy cô trong trường.
Ba thành viên trong nhóm “bật mí”: Khi thực hiện cuộc khảo sát, do thời gian quá gấp rút và công việc lại nhiều nên chúng em phải làm việc cật lực. Tuy cùng lứa tuổi nhưng khi đứng đối diện với những bạn béo phì để cân đo, chúng em luôn gặp trở ngại vì những vòng đo quá khổ.
Đây có lẽ chính là những kỷ niệm vui khi các “bác sĩ không chuyên” đi xuống cơ sở khám sức khỏe. Lần đầu tiên trở thành đốc-tờ nên các em vô cùng lấy làm tiếc khi không có dụng cụ y khoa trong tay như máy đo huyết áp, đo nhịp tim, xét nghiệm mỡ máu để đánh giá chính xác sức khỏe từng người. “Nhưng thôi, nếu có dịp khác chúng em sẽ làm tốt hơn, còn không mai mốt làm bác sĩ thực thụ thì ít ra chúng em cũng đã có được chút xíu kinh nghiệm và cả những kỷ niệm đẹp nhất của tuổi học trò khi tập làm nhà nghiên cứu khoa học” – em Nguyễn Thanh Minh chia sẻ.
Bài, ảnh: Phan Ngọc Quang
“Sức khỏe có ảnh hưởng nhất định đến năng lực học tập của HS. Nếu bạn thông minh nhưng sức khỏe yếu hay đau ốm thì không thể học tập tốt được”, bác sĩ Lê Thị Mỹ Thơ (Bệnh viện Hùng Vương) đưa ra nhận định. |
Bình luận (0)