Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) vừa tổ chức tiết học “2 trong 1” phối hợp giữa bộ môn lịch sử và địa lý được thiết kế dưới dạng hai đội thi với chủ đề “Nhật Bản – Sự trỗi dậy thần kỳ”. Tiết học đã gây ấn tượng mạnh với học sinh khối 11 vì trên bục giảng có… hai giáo viên hướng dẫn.
Học sinh mặc trang phục truyền thống của Nhật Bản ở phần nói về văn hóa nước này |
Nếu thầy Nguyễn Viết Đăng Du (giáo viên môn lịch sử) đóng vai trò là ban tổ chức thì thầy Nguyễn Tấn Ngũ Lê (giáo viên môn địa lý) đóng vai trò là Ban giám khảo để “cân-đong-đo-đếm” những kiến thức mà học sinh hai lớp 11A4 và 11N thể hiện.
Trước khi bước vào tiết học, học sinh hai lớp được đi “du lịch qua màn ảnh nhỏ” bằng đoạn phim giới thiệu về xứ sở Phù Tang. Dù cách xa về địa lý nhưng qua từng thước phim đẹp các em lại một lần nữa được củng cố thêm bài học về các nước châu Á trong chương trình. Chính trong không gian lớp học, cả thầy và trò mới chắt chiu những kiến thức cơ bản nhất về mặt địa lý và lịch sử của một quốc gia mà đôi khi SGK vẫn không thể chuyển tải hết.
Tiết học tích cực hơn bằng sự chủ động của các em học sinh được thể hiện rõ qua phần trả lời câu hỏi của từng nhóm. Sau khi download câu hỏi trên mạng, các nhóm tập trung làm việc trên giấy để đưa ra đáp án chính xác và nhanh nhất rồi thông qua fecebook để truy cập lên mạng. Tuy là phần gian nan nhất nhưng nhiều em thật sự thích thú vì được thể hiện mình thông qua việc ứng dụng CNTT vào cả bài học xã hội. Sự tương tác mở rộng thêm khi các giáo viên tham dự cũng có thể giao lưu với học sinh thông qua facebook, kể cả điện thoại di động.
Tiết học đến hồi gay cấn khi học sinh hai lớp tham gia chương trình Đố em với những câu hỏi cụ thể về quốc gia Nhật Bản. Nếu phần thi trước chú trọng về kiến thức hiểu biết thì ở phần thi này ưu tiên cho kỹ năng nhớ bài và sự kiện. Cuộc đối đầu này làm cho thầy và trò nhớ đến bước ôn bài cũ bằng hình thức kiểm tra miệng trước khi vào học bài mới nhưng sinh động và quyết liệt hơn nhiều. Có lẽ chính vì thế mà số lượng người động não cũng đông hơn thay vì chỉ có những ai được gọi tên lên bục giảng như trước đây…
Dạy liên môn tích hợp Đây là chủ đề dạy học do Trường THPT Lê Quý Đôn tổ chức thực hiện từ ngày 8 đến 12-11. Qua 10 tiết dạy mang tính thể nghiệm và thực hành, giáo viên các bộ môn toán, vật lý, ngữ văn, lịch sử, địa lý, sinh học, GDCD, tiếng Anh đã vận dụng một số phương pháp giảng dạy theo hướng đổi mới; trong đó học sinh đóng vai trò tích cực như: Ứng dụng hàm số mũ giải quyết bài toán thực tế (toán), Dòng điện trong các môi trường (vật lý), Phản ứng ôxy hóa khử trong sự sống (hóa học), Tuần hoàn máu (sinh học), Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường (địa lý – GDCD), Nhật Bản (lịch sử – địa lý), Tôi – Bảo vệ tôi (GDCD). Thầy Hà Hữu Thạch (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết thông qua tiết dạy tích hợp liên môn của các bộ môn phối hợp, các tổ chuyên môn cố gắng tìm kiếm những cách dạy sáng tạo và hiệu quả nhằm xây dựng nền tảng dạy học bằng sự đổi mới phương pháp giảng dạy. Từ đó giúp học sinh biết ứng dụng các thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ tích cực cho việc học tập và thực hành. N.Q |
Không chỉ hấp dẫn ở từng phần, tiết học thật sự sinh động khi học sinh được tiếp cận với những tư liệu quý về xứ sở hoa anh đào thông qua các đoạn video clip do giáo viên bộ môn chuẩn bị trước. Cảm xúc lắng lại khi các em được chứng kiến sự kiện hai quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống Nhật Bản ở thế chiến thứ 2 gây ra cái chết cho 8 vạn người dân nước này. Một lần nữa các em hiểu hơn về hậu quả và di chứng mà chiến tranh đã để lại cho con người. Đó cũng là sự kính phục về một quốc gia biết gượng dậy sau khổ đau để đem lại sự phát triển thần kỳ về kinh tế, trong đó phát triển mạnh về khoa học kỹ thuật ngành dân dụng. Tiết học thật sự thú vị hơn khi các em được giao lưu với một giáo viên dạy tiếng Nhật tại trường như một nhân chứng sống về con người Nhật Bản vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống…
Đúng như đánh giá của thầy Nguyễn Viết Đăng Du: “Tiết học cung cấp cho các em những kiến thức về địa lý và lịch sử một cách sinh động và hào hứng nhất thông qua sự làm việc tích cực của người học. Từ hiểu biết những vẻ đẹp và tiềm năng của các nước bạn, chúng ta có thêm cơ hội tự nhìn lại chính mình để có nhiều hoài bão và đóng góp hơn trong việc xây dựng một đất nước giàu mạnh và phồn vinh”.
Bài, ảnh: Ngọc Quang
Bình luận (0)