Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Đi tour cùng giám tuyển

Tạp Chí Giáo Dục

Những tour nghệ thuật (art tour) với sự tham gia hướng dẫn của giám tuyển hoặc nghệ sĩ đã được tổ chức tại một số không gian nghệ thuật ở Việt Nam trong khoảng vài năm trở lại đây.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn giới thiệu với du khách Mỹ về dự án Phố bích họa Phùng Hưng trong một tour nghệ thuật /// Ảnh: NSCC
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn giới thiệu với du khách Mỹ về dự án Phố bích họa Phùng Hưng trong một tour nghệ thuật. ẢNH: NSCC
“Hướng dẫn viên” nghệ thuật
Trong một buổi chiều diễn ra triển lãm đánh dấu 50 năm hành trình hội họa vừa được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) của mình, họa sĩ Lê Huy Tiếp đã trực tiếp dẫn công chúng đi xem lần lượt từng tác phẩm và kể những câu chuyện xung quanh, hoàn cảnh sáng tác mỗi tác phẩm… Ông đóng vai trò như một “tourguide” (hướng dẫn viên) cho tour nghệ thuật dẫn người xem vào thế giới những tác phẩm của chính mình. Vài ngày trước, những người tổ chức triển lãm Mơ về phong cảnh (diễn ra tại Mơ Art Space, Hà Nội) đưa ra thông báo, trong đó mời những người yêu nghệ thuật tham dự tour triển lãm cùng giám tuyển Đỗ Tường Linh để có thể hiểu hơn về nghệ thuật đương đại Việt Nam, cũng như những tác phẩm trong triển lãm. Tour triển lãm được tổ chức hoàn toàn miễn phí, chỉ cần công chúng gửi đăng ký cho ban tổ chức.
Những tour nghệ thuật như vậy ở những gallery hay bảo tàng ở nước ngoài đã thông dụng, còn ở VN mới có trong khoảng vài năm trở lại đây. Hoạt động này giúp công chúng có thêm kiến thức, thông tin hay được tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật, tác phẩm của tác giả
Bà Võ Quỳnh Hoa, Giám đốc nghệ thuật Cuci Art Studio
“Những tour nghệ thuật như vậy ở những gallery hay bảo tàng ở nước ngoài đã thông dụng, còn ở Việt Nam mới có trong khoảng vài năm trở lại đây. Hoạt động này giúp công chúng có thêm kiến thức, thông tin hay được tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật, tác phẩm của tác giả”, bà Võ Quỳnh Hoa, Giám đốc nghệ thuật Cuci Art Studio, nói. Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn đánh giá: “Art tour có hiệu quả trong việc cung cấp thông tin một cách trực tiếp, chân thực và sống động cho người tham quan”. Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, từng tác phẩm là của cá nhân nghệ sĩ, nhưng một dự án hoặc một triển lãm là tác phẩm của giám tuyển. Tour được giám tuyển hoặc nghệ sĩ hướng dẫn sẽ “không đơn thuần mang đến những câu chuyện, ý tưởng mà cả những câu chuyện bên lề, quá trình thực hiện tác phẩm, dự án…”.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cũng là giám tuyển của dự án Phố bích họa Phùng Hưng. Ông kể trước dịch Covid-19, tháng nào ông cũng được mời dẫn 3 – 4 tour. “Đó là tour do những công ty du lịch Pháp và Việt Nam khai thác thị trường du khách Tây Âu và Mỹ tổ chức. Du khách được đưa đến tận xưởng làm việc của nghệ sĩ hoặc tìm hiểu về lịch sử Hà Nội thông qua những tác phẩm của nghệ sĩ”, nghệ sĩ Thế Sơn cho hay. Phố bích họa Phùng Hưng thường là địa điểm mà nghệ sĩ Thế Sơn đưa du khách tới tham quan. Tại đây, ông giới thiệu về tác phẩm của các nghệ sĩ tham gia, quá trình sáng tạo của dự án, hay đưa du khách đến ngôi nhà cổ xuất hiện trong tác phẩm…
Đi tour cùng giám tuyển
Khách tham gia art tour tại triển lãm của Cuci Art Studio. ẢNH: NSCC
Thu hút khách ngoại, ít khách trong nước
Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, trong khi du khách nước ngoài tới Việt Nam khá hào hứng, thì phần đông công chúng trong nước vẫn còn thấy xa lạ với những art tour như thế. Nghệ sĩ cho hay ông nhận được lời đề nghị dẫn tour thường xuyên chủ yếu đến từ những công ty du lịch có thị trường khách nước ngoài, từ Hội Những người bạn di sản Việt Nam (Friends of Vietnam heritage) mà phần nhiều là những đại sứ, chuyên gia nước ngoài, người ngoại quốc sống ở Hà Nội… muốn tìm hiểu, trân trọng văn hóa bản địa; từ những người làm sáng tạo hay những người trong ngành, trong nghề. “Tôi gần như chưa nhận được lời đề nghị dẫn tour như thế cho nhóm du khách người Việt”, ông nói và cho biết thêm tại Phố bích họa Phùng Hưng, ngay cả những thông tin chú thích về tác phẩm, tác giả được đặt ở đó cũng không nhiều người quan tâm.
Tương tự, Cuci Art Studio từng tổ chức art tour miễn phí tại triển lãm cho công chúng nhưng vẫn thưa thớt khách tham gia. “Chưa có nhiều người quan tâm đến hoặc cũng có thể chúng tôi chưa tiếp cận đúng đối tượng”, bà Võ Quỳnh Hoa nói. Theo bà Hoa, hầu hết những art tour tại triển lãm hay không gian nghệ thuật nếu được tổ chức đều miễn phí, nhưng công chúng tiếp nhận còn khá rụt rè.
Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xa lạ này bắt rễ từ việc giáo dục nghệ thuật. Theo ông, đến giờ mới chỉ có những trường tư hoặc trường quốc tế chú ý đến việc đưa học sinh đến những bảo tàng mỹ thuật làm nghiên cứu, khảo sát, trong khi đa số hệ thống giáo dục công vẫn chưa quan tâm đến việc này, mà nếu có cũng chỉ cho có lệ. “Trong khi, việc đi bảo tàng là kỹ năng phổ biến, bình thường của nền giáo dục nhiều nước ngay cả những nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore hay Malaysia…”, ông Sơn nói.
Theo Ngọc An/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)