Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Dị ứng do sứa biển

Tạp Chí Giáo Dục

Trung tâm dị ứng – miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám, điều trị do dị ứng với độc tố của sứa biển.

Sứa biển chứa độc tố có thể gây thương tổn nặng cho da – Ảnh: Shutterstock

Vào khám trong tình trạng hai chân đầy vết mưng mủ, hoại tử da, bệnh nhân nữ 19 tuổi (ở Hà Nội) thuật lại với bác sĩ: khi bơi dưới biển, ngay gần bờ nhưng vẫn có mấy con sứa quẩn vào chân. Cô thấy hay hay nên còn lấy chân gạt vào sứa. Sau khi lên bờ khoảng 30 phút thì đã thấy ngứa, nổi ban đỏ ở hai cẳng chân. Khoảng một ngày sau đó, hai cẳng chân sưng tấy, bề mặt da từng nốt mưng mủ và kèm theo là sốt. “Tình trạng sốt do độc tố của sứa, do nhiễm trùng da gây nên”, thạc sĩ – bác sĩ Bùi Văn Khánh, công tác tại Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng cho biết. Với trường hợp này, bệnh nhân được chỉ định dùng kháng sinh, kháng viêm và giảm ngứa.

Một bệnh nhân khác là nam giới, 30 tuổi, vào viện trong tình trạng hai tay ngứa ngáy với mẩn đỏ. “Trong lúc bơi, tôi có chạm phải sứa, chỉ thoáng qua thôi. Vậy mà lên bờ sau đó chỉ khoảng 20 phút đã bị sẩn ngứa dọc hai tay”, bệnh nhân thuật lại… Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng từng vừa tiếp nhận bé trai 2 tuổi nhập viện trong tình trạng dương vật bị ngứa, sưng to sau khi được bố mẹ cho tắm biển. Sau khi nhập viện, cháu được chẩn đoán viêm dương vật do độc tố của sứa.

Theo bác sĩ Khánh, độc tố trong sứa dễ gây phản ứng dị ứng trên da khi tiếp xúc: mẩn ngứa, nổi mụn nước, bỏng rát. Nặng hơn có thể nhiễm trùng, sốt, hoại tử da. Nhiều người không biết còn chơi, đùa, vờn sứa vì chúng có vẻ ngoài rất “hiền lành”, tuy nhiên như vậy càng làm cho mức độ tiếp xúc với độc tố do sứa tiết ra, mức độ dị ứng nặng nề hơn. Với trẻ nhỏ càng cần mặc quần áo gọn, nhẹ khi bơi biển, đặc biệt vùng hay có sứa để giảm nguy cơ dị ứng do sứa.

Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP lưu ý: sứa biển chứa nhiều độc tố trong các xúc tu, khi chạm phải, con người sẽ bị dị ứng. Khi bị sứa cắn, mức độ nguy hiểm tăng lên do độc tố từ sứa xâm nhập cơ thể. Nếu nhẹ chỉ gây phản ứng ngoài da, tại chỗ nổi rát, mẩn đỏ và ngứa nhiều. “Tuy nhiên, độc tố này có thể gây phản ứng nặng (sốc phản vệ): đau đầu, tức ngực, tím tái, vã mồ hôi, khó thở, đau bụng và tiêu chảy, mạch nhanh, huyết áp tụt… cần đưa ngay vào bệnh viện. Đây là phản ứng nguy hiểm có thể gây tử vong. Cần được hồi sức và chống sốc”, ông Hùng khuyến cáo.

“Khi làm thực phẩm, cần ngâm kỹ sứa tươi (3 lần) trong nước muối và phèn. Khi thịt sứa tươi chuyển sang màu đỏ nhạt hoặc vàng nhạt thì mới chế biến làm thức ăn. Không nên dùng sứa làm thức ăn cho trẻ em”, ông Hùng cho biết.

Liên Châu (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)