Chỉ trong một thời gian ngắn ở TP.HCM xảy ra hai vụ sốc phản vệ liên quan đến dị ứng các loại thức ăn, đồ uống… Điều này dấy lên lo ngại cho những người dị ứng phải vào bệnh viện điều trị.
Một bệnh nhân bị sốc phản vệ nghi do dị ứng khi ăn phải cá ngừ vừa được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cứu khỏi nguy kịch – Ảnh: CTV
BS CK1 Huỳnh Quang Đại – khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy – cho biết đơn vị vừa tiếp nhận một nữ công nhân (25 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị sốc phản vệ nguy kịch, tổn thương phổi nặng sau bữa cơm chiều với món cá ngừ đại dương.
Dị ứng do ăn cá
Theo lời bệnh nhân kể lại, do đi làm ca chiều đến khuya nên chị mang theo cơm, đồ ăn có món cá ngừ đến công ty ăn tối. Chỉ 5 phút sau khi ăn cơm với cá, cơ thể chị bị nổi mẩn ngứa, phát ban toàn thân, khó thở, tụt huyết áp. Sau đó chị được đưa đến phòng y tế cơ quan sơ cứu rồi chuyển đến một bệnh viện gần đó điều trị.
Dù được bệnh viện này cấp cứu theo phác đồ nhưng do bị tổn thương phổi rất nặng, hô hấp cấp nên bệnh viện buộc phải chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. "Bệnh nhân có tiền căn dị ứng, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị dị ứng do ăn cá ngừ, rơi vào tình trạng sốc phản vệ, một phản ứng dị ứng rất nặng" – BS CK1 Huỳnh Quang Đại nói.
Với trường hợp khẩn cấp này, các bác sĩ ngay lập tức đặt máy ECMO (máy hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn ngoài cơ thể) để cứu bệnh nhân. Sau bốn ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân hiện tiến triển tốt, tự thở ôxy và có thể nói chuyện được.
Cuối tháng 4-2018, chị L.N.T. (30 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) tử vong chỉ sau 2 ngày vào bệnh viện điều trị ngứa do dị ứng thức ăn. Theo người nhà nạn nhân, sau khi ăn cơm với cá biển, uống trà sữa, chị T. bị dị ứng ngứa nổi mề đay. Ngứa không dứt, chị T. được chồng chở vào Bệnh viện An Sinh thăm khám, tại đây được bệnh viện cho lấy mẫu máu xét nghiệm, truyền dịch và có chích một mũi thuốc.
Đến khoảng 20h cùng ngày, tức chỉ sau hai giờ chích thuốc, chị T. được đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng ngưng tim. Khi người nhà hỏi chỉ bị ngứa sao lại phải cấp cứu thì y tá bệnh viện cho biết chị T. bị sốc phản vệ do thức ăn. Kể từ đó dù được "báo động đỏ" chuyển qua Bệnh viện Nhân Dân 115 cấp cứu nhưng chị T. vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, sau đó tử vong với kết luận do bị sốc phản vệ có ngưng hô hấp tuần hoàn, suy đa cơ quan, phù phổi cấp tổn thương, bội nhiễm phổi.
Truy tìm "sát thủ"
BS Trần Thiên Tài – phòng khám dị ứng, miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) – cho biết hiện nay đơn vị đang sử dụng gần 40 loại dị nguyên (các yếu tố có khả năng gây dị ứng) gồm các họ nấm mốc, phấn hoa, cỏ và các loại thức ăn như tôm, cua, cá, thịt bò, các loại ngũ cốc… để chẩn đoán nguyên nhân gây dị ứng cho bệnh nhân.
Không chỉ dị ứng với đồ ăn, các loại mạt, theo BS Tài, người bệnh có thể dị ứng với cả những loại hóa chất, phụ gia trong thực phẩm. Chưa kể, bất cứ một loại thực phẩm nào nếu không được bảo quản tốt sẽ bị biến đổi, chuyển hóa thành các chất khác có thể gây dị ứng cho người bệnh.
Điển hình các loại cá biển để lâu, nếu không được bảo quản tốt thịt cá bị biến đổi và tiết ra nhiều chất được gọi là histamine. Hoặc thức ăn chưa được chế biến kỹ khi ăn vào cơ thể có thể gây dị ứng. Điều này lý giải tại sao khi xét nghiệm một người hoàn toàn không dị ứng với tất cả các loại thức ăn, nhưng khi dùng một món ăn nào đó lại bị dị ứng nặng là do chất lượng thực phẩm.
Theo BS Trần Thiên Tài, đến nay không phải dị ứng nào cũng có thể tìm ra nguyên nhân. Do đó, điều đầu tiên để tránh bị dị ứng là phải xác định các thức ăn gây dị ứng bằng cách nhận biết hoặc xét nghiệm dị ứng học. Để tránh phần nào dị ứng, theo BS Tài, người dân nên dùng các thực phẩm có nguồn gốc, bảo quản tốt, chế biến kỹ.
Các bệnh nhân bị các bệnh lý dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen phế quản dị ứng, mề đay, viêm da cơ địa, dị ứng thuốc… nên làm xét nghiệm tìm nguyên nhân dị ứng. Bởi khi tìm được nguyên nhân sẽ giúp bệnh nhân giảm được hơn 50% tình trạng bệnh hiện có. "Với bệnh nhân có cơ địa dị ứng nặng, không tìm được nguyên nhân gây dị ứng sẽ rất nguy hiểm vì mỗi lần dị ứng có thể bị sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng" – BS Trần Thiên Tài nói.
Tránh ăn các loại thức ăn hay dị ứng BS CK1 Huỳnh Quang Đại khuyên người từng có cơ địa dị ứng trước đó hoặc từng dị ứng với một loại thức ăn nào nên tránh loại thức ăn đó vì dị ứng nặng có thể gây sốc phản vệ, thậm chí tử vong. Còn sau khi ăn, cơ thể nổi ngứa, phát ban nên vào ngay bệnh viện để được theo dõi, điều trị. Để biết cơ thể dị ứng loại thức ăn nào hay do tác nhân nào có thể kiểm tra dưới da nhằm tìm nguyên nhân gây dị ứng để phòng tránh. |
Sốc phản vệ là gì? Thông tư 51 của Bộ Y tế nêu phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng. Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch, co thắt phế quản có thể gây tử vong chỉ trong vòng vài phút. Để xử trí nhanh sốc phản vệ, theo Bộ Y tế, hiện nay Adrenalin là thuốc thiết yếu, quan trọng hàng đầu, sẵn có để cấp cứu người bệnh bị sốc phản vệ. Khi xảy ra sự cố được chẩn đoán phản vệ từ độ II trở lên (có 4 độ), người bệnh hoặc người khác không phải là nhân viên y tế được phép sử dụng thuốc này tiêm vào bắp của bệnh nhân để cấp cứu trong trường hợp khẩn cấp. |
Bình luận (0)