Sau khi ăn một loại thức ăn mà gặp phản ứng khó chịu như phát ban, mẩn ngứa, sưng hay khó thở,… có thể bạn đã bị dị ứng thực phẩm.
Triệu chứng:
Những triệu chứng của dị ứng thực phẩm thường phát tác trong vòng 1 giờ sau khi ăn loại thức ăn gây dị ứng, bao gồm:
· Phát ban, ngứa
· Sưng nề ở môi, lưỡi, cổ họng và một số bộ phận khác trên cơ thể
· Thở khò khè, tắc mũi, khó thở
· Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn
· Choáng váng, mê sảng, ngất
Trong những trường hợp dị ứng nặng, các triệu chứng này sẽ lên đến một mức tột đỉnh, có thể trải qua những triệu chứng đe dọa đến tính mạng như:
· Co thắt khí quản, cổ họng bị sưng, dẫn đến khó thở.
· Bị sốc và huyết áp giảm mạnh
· Mạch nhanh
· Choáng váng, mê sảng, bất tỉnh
Yếu tố nguy cơ
Một vài yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng thực phẩm:
· Bẩm tố di truyền: Sẽ có nguy cơ cao bị dị ứng thực phẩm nếu có người thân bị các loại dị ứng khác như sốt mùa hè, hen, phát ban…
· Độ tuổi: Dị ứng thực phẩm phổ biến nhất là ở trẻ nhỏ, đặc biệt là khi trẻ biết đi và dưới 7 tuổi.
· Bệnh hen: Người mắc bệnh hen có thể rất nhạy cảm với những chất bảo quản chứa sulfit. Sulfit có trong rượu, hoa quả tươi, khô, đồ hải sản, quả anh đào dùng trong trang trí ly coctail và một số loại đồ uống không cồn.
Điều trị
Thường dùng 4 loại thuốc để điều trị dị ứng thực phẩm: epinephrin, kháng histamin, chống co thắt phế quản, corticoid hít hay toàn thân.
Với những trường hợp nhẹ, không nguy hiểm đến tính mạng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng histamin để ngăn hệ thống miễn dịch sản sinh histamin.
Dùng các loại kem để làm dịu những phản ứng dị ứng ở da.
Phòng bệnh:
Cách tốt nhất để phòng những phản ứng dị ứng là biết và tránh những thức ăn có thể gây nên những triệu chứng đó.
Nếu bạn biết mình bị dị ứng thực phẩm, hãy làm theo các bước sau:
· Nên biết mình đang dùng những thực phẩm gì. Nhớ đọc kĩ nhãn mác của thực phẩm.
· Tránh những thực phẩm có thể gây dị ứng như lạc, quả óc chó, hải sản (ốc, tôm, cua, sò…), sữa, trứng, cà chua, táo, cà rốt, dâu tây, các loại quả mọng, nấm…
· Xin tư vấn của bác sĩ để được kê đơn thuốc phòng khi khẩn cấp.
· Nếu bị hen, khi đi mua thực phẩm phải kiểm tra nhãn mác kỹ và tránh những thực phẩm có chứa sodium bisulfit, potassium bisulfit, sodium sulfit, sulfur dioxide và potassium metabisulfit.
Nếu con bạn bị dị ứng thực phẩm, hãy áp dụng các biện pháp phòng ngừa dưới đây để đảm bảo an toàn cho con bạn:
· Báo cho người chăm sóc, người trông trẻ, thầy cô giáo, nhân viên y tế của nhà trường và những người lớn khác thường xuyên tiếp xúc với con bạn về những thực phẩm có thể khiến con bạn bị dị ứng. Dạy con bạn biết cách yêu cầu giúp đỡ khi có phản ứng với thức ăn.
· Giải thích và hướng dẫn những người thường xuyên bên con bạn cách nhận biết triệu chứng của dị ứng thực phẩm.
· Khi có các triệu chứng dị ứng thực phẩm, phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Thạc sĩ – Bác sĩ Vũ Tuyết Mai
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)