Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Địa chất – Dầu khí: Ít nơi đào tạo, nhiều nhu cầu

Tạp Chí Giáo Dục

Việt Nam có ít trường đào tạo về địa chất – dầu khí, nhưng nhu cầu nhân lực trong ngành này ngày càng tăng.

SV khoa Địa chất – Dầu khí Trường ĐH Bách khoa TPHCM thực tập ở giàn khoan.
PGS. TS. Nguyễn Việt Kỳ, Trưởng khoa Địa chất – Dầu khí Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), cho biết: Ngành Địa chất -Dầu khí là một ngành rộng gồm hai lĩnh vực riêng có liên quan mật thiết với nhau, đó là địa chất và dầu khí. Trong ngành Địa chất có các chuyên ngành như: địa chất học, địa chất thủy văn, địa chất công trình – địa kỹ thuật, nguyên liệu khoáng, địa sinh thái và công nghệ môi trường…
SV tốt nghiệp ngành Địa chất có thể làm việc ở các Bộ, ngành khác nhau như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở tương ứng, tổng công ty, công ty liên đoàn và đoàn địa chất – dầu khí…
Ngành Dầu khí gồm một số chuyên ngành như: khoan – khai thác dầu khí, khoan – thăm dò khảo sát, thiết bị dầu khí và công trình, lọc hoá dầu… SV tốt nghiệp ngành Dầu khí có thể trở thành nhà nghiên cứu khoa học về lĩnh vực dầu khí, kỹ sư và kỹ thuật viên thực hành, nhà tư vấn, nhà quản lý về dầu khí…
Nổi bật nhất trong lĩnh vực dầu khí là công nghệ lọc hoá dầu. Đây là một chuyên ngành của hoá hữu cơ, tập trung vào việc biến dầu mỏ thành những sản phẩm phục vụ cho con người.
Làm việc trong ngành Địa chất – Dầu khí thường xuyên gắn liền với những chuyến đi khảo sát dài ngày, hoặc ở giàn khoan… Theo TS. Kỳ, ở nước ta, ngành dầu khí đang mở rộng khai thác dầu tại những mỏ nhỏ và vươn ra nước ngoài nên nhu cầu nhân lực trong tương lai sẽ rất lớn.
Với ngành địa chất, hoạt động xây dựng ngày càng phát triển nên cơ hội làm việc ngày càng nhiều, có thể tham gia công tác khảo sát và xử lý nền móng. Ngành khoáng sản những năm gần đây phát triển mạnh ở khu vực phía Nam và chúng ta đang thăm dò cả ở Lào, Campuchia nên nhu cầu nhân lực cũng khá lớn.
Hiện nay, ngành Địa chất – Dầu khí có một số trường chia thành 2 ngành riêng, nhưng cũng có một số trường ghép chung. SV muốn làm việc trong lĩnh vực địa chất – dầu khí cũng có thể học các ngành khác như: hóa học, công nghệ hóa học.
Điểm chuẩn của ngành Địa chất – Dầu khí năm 2010 ở một số trường như sau: Trường ĐH KHTN (ĐHQG Hà Nội): Địa chất: 17 điểm, Hóa học: 18 điểm. ĐH Bách khoa Hà Nội: Công nghệ hóa học: 17 điểm. Trường ĐH Mỏ – Địa chất: Dầu khí: 17 điểm; Địa chất, trắc địa: 15 điểm, ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM): Kỹ thuật địa chất dầu khí: 18 điểm, Trường ĐH KHTN (ĐHQG TPHCM): Địa chất: khối A: 14 điểm, khối B: 17 điểm. Trường ĐH Quy Nhơn: chuyên ngành Hóa học hóa dầu: 13 điểm…
Ngoài ra, có thể học ngành Địa chất – Dầu khí, hoặc riêng ngành Dầu khí ở một số trường khác như: Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, hệ CĐ trường ĐH Công nghiệp TP HCM, Phân hiệu Trường ĐH Mỏ-Địa chất tại Quảng Ninh và Bà Rịa – Vũng Tàu…

Theo Tiền Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)