Ngành Địa chất luôn chiếm một vị trí quan trọng trong các hoạt động sản xuất như khai thác khoáng sản, dầu khí… Tuy nhiên, hiện nay nhiều thí sinh vẫn khá
(Ảnh minh họa) |
Nhằm cung cấp cho các bạn thí sinh đầy đủ thông tin về ngành Địa chất cũng như các cơ hội khi học ngành này, Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ (T.S) Đỗ Minh Đức, Phó chủ nhiệm khoa Địa chất trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội.
Thưa T.S, hiện nay nhiều thí sinh vẫn còn hiểu rất mơ hồ về ngành Địa chất. Vậy T.S có thể cho các bạn thí sinh biết những nét cơ bản nhất về ngành học này?
Nói một cách tổng quát thì địa chất là một môn khoa học cơ bản nghiên cứu bề mặt của trái đất nhằm phục vụ phát triển bền vững cơ sở hạ tầng, khai thác hợp lý các tài nguyên thiên nhiên và phòng chống giảm thiểu các tai biến do thiên nhiên gây ra.
Về cơ hội việc làm thì người học sẽ có hai lựa chọn: một là nghiên cứu khoa học, hai là áp dụng các kiến thức vào thực tiễn đời sống.
Đối với nghiên cứu thì chủ yếu là làm việc trong các trường ĐH và một số có thể làm ở các cơ quan quản lý của nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến địa chất.
Đối với ứng dụng vào thực tiễn đời sống thì có thể làm ở các Sở Khoa học Công nghệ, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải hoặc ở các công ty chuyên về lĩnh vực giao thông, vận tải, thuỷ lợi…
Địa chất là một ngành học cũng có không ít chuyên ngành hẹp. Vậy T.S có thể cho biết một số chuyên ngành hẹp của ngành học này, xu hướng của các chuyên ngành đó hiện nay ra sao?
Nói chung, ngành địa chất thì không có quá nhiều chuyên ngành hẹp. Hiện nay ở các trường ĐH Việt Nam thì chủ yếu đào tạo một trong các chuyên ngành như Địa chất, Địa kỹ thuât-Địa môi trường; Quản lý tài nguyên thiên nhiên. Riêng đối với trường ĐH Khoa học Tự Nhiên thì mở cùng lúc 3 chuyên ngành này.
Theo tôi thì việc mở ra các chuyên ngành hẹp là thiết yếu vì trước hết nó đáp ứng các nhu cầu hết sức cấp bách của xã hội đặc biệt là trong các thời điểm hiện nay.
Ví dụ, ngành Địa chất thì có thể phục vụ cho các việc khai thác khoáng sản, khai thác các kim loại quý hiếm, khai thác các vật liệu xây dựng và đặc biệt ở Việt Nam hiện nay là khai thác dầu khí.
Học ngành địa chất thì sinh viên cũng có thể nghiên cứu để phục vụ cho các quy hoạch và phát triển kinh tế lãnh thổ. Bởi vì, có những hoạt động như sóng thần, động đất thì chỉ có những người học địa chất mới có thể làm tốt nhất.
Với xu hướng phát triển của Xã hội thì việc xây dựng cơ sở hạ tầng là thiết yếu. Bên cạnh đó, hiện nay vấn đề ô nhiễm môi trường đang được dự luật xã hội đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy mà hình thành nên chuyên ngành Địa kỹ thuật-Địa Môi trường.
Những người theo học chuyên ngành này có thể nghiên cứu để làm giảm thiểu sự ô nhiễm như ô nhiễm về rác (chôn lấp rác thải) hoặc xử lý các chất thải độc hại. Đặc biệt trong thời gian tới với sự hình thành các cơ sở hoá lọc dầu, các khu công nghiệp hay các nhà máy điện hạt nhân thì vấn đề xử lý chất thải độc hại càng được đặt lên hàng đầu.
Ngoài ra khi học ngành Địa kỹ thuật-Địa môi trường cũng có thể phục vụ trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải, thuỷ lợi, phục vụ cho quy hoạch phòng chống các thiên tai như động đất, lũ quét…
Một trong những chuyên ngành tương đối mới đối với ngành Địa chất là Quản lý Tài Nguyên thiên nhiên. Theo tôi việc hình thành chuyên ngành này cũng khá là quan trọng vì trong bối cảnh hiện nay thì chúng ta khai thác chủ yếu là tự nhiên dưới góc độ tận thu (nghĩa là khai thác như thế nào để tạo ra nhiều của cải vật chất) chứ chúng ta rất ít quan tâm đến việc khai thác như thế nào để không ảnh hưởng đến quyền lợi môi trường, quyền lợi của thế hệ sau.
Do tầm quan trọng của các chuyên ngành địa chất là như vậy nên có thể nói nhu cầu nhân lực của ngành học này trong thời gian tới sẽ chứa đựng đầy tiềm năng.
Theo T.S thì khi thí sinh theo học ngành này thì cần hội tụ những tố chất nào? Lực học của các môn tự nhiên sẽ phải như thế nào?
Trước hết phải khẳng định là sinh viên theo học ngành Địa chất thì không cần phải có yếu tố nào đặc biệt cả. Tất cả các em nào có năng lực thi đỗ ĐH khối A vào ngành này với điểm trung bình từ 6 trở lên là đều có thể học tốt được.
Tuy nhiên cũng phải nói lại một điều là việc học ở ĐH có yêu cầu rất khác so với học phổ thông nên đòi hỏi phải có sự tư duy tự chủ. Nghĩa là khi học bất kỳ ngành nào thì cũng phải coi việc học là việc của chính mình với sự hỗ trợ và hướng dẫn của giảng viên.
Ngành học này cũng đòi hỏi việc rèn luyện kiến cả thức kỹ năng bao gồm: kỹ năng ngoại ngữ; kỹ năng nhất định về tin học; kỹ năng làm việc theo nhóm.
Với kinh nghiệm của T.S và thực tế ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên thì điểm khó khăn nhất ở đầu ra của ngành địa chất là gì?
Theo tôi, hiện nay thì theo tình hình chung là do khủng hoảng kinh tế nên đều ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành nghề.
Tuy nhiên đối với các thí sinh năm nay mới bắt đầu theo học ngành này thì hoàn toàn có một hi vọng rất khả quan đó là khi các em ra trường thì nền kinh tế sẽ phục hồi và khi đó người ta sẽ chú trọng đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm thiểu và phòng chống thiên tai…
Một trong những yếu kém của sinh viên ngành Địa chất nói riêng và những ngành nghề khác nói chung đó là kỹ năng về tay nghề còn hạn chế. Tuy nhiên sinh viên của một số trường đào tạo ngành này hiện nay cũng có những ưu điểm nhất định.
Chẳng hạn như sinh viên khoa Địa chất của trường ĐH Khoa học Tự nhiên thì có trình độ ngoại ngữ và sự tư duy logic là tương đối tốt và đã được rất nhiều nhà tuyển dụng hài lòng.
Việc kỹ năng tay nghề còn hạn chế là điều dễ hiểu vì trang thiết bị của chúng ta còn khá là khiêm tốn. Hiện nay Đại học Quốc gia Hà Nội đã được nhà nước đầu tư tài chính để nâng cấp các trang thiết bị và tôi cũng hi vọng Khoa địa chất của trường ĐH Khoa học Tự nhiên sẽ hạn chế được yếu kém này.
Nhân tiện TS nói về khoa Địa chất của trường ĐH khoa học Tự nhiên, vậy T.S có thể cho biết một vài nét mới về tuyển sinh năm nay của khoa?
Năm nay khoa Địa chất của trường ĐH Khoa học Tự nhiên dự kiến tuyển sinh 160 sinh viên. Trong đó có một nét đặc biệt ở năm nay là khoa Địa chất sẽ tiến hành tuyển sinh ngành Địa chất theo chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế. Sinh viên tuyển đầu vào một năm đầu sẽ học Tiếng Anh và 3 năm sau theo thời lượng tăng dần sẽ đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chương trình giảng dạy sẽ theo ĐH Leed thuộc Vương Quốc Anh. Sinh viên theo học chương trình này sẽ được cấp bằng tốt nghiệp đặc biệt.
Nguyên tắc xét tuyển sẽ lấy điểm của những thí sinh đã đăng ký vào khoa và thuộc diện trúng tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Dự kiến chỉ tiêu đối với lớp này là 60.
Đối tượng tuyển sinh của chương trình này (trên phạm vi cả nước): Những thí sinh đăng ký dự thi đại học vào đúng ngành và trúng tuyển; Tuyển thẳng những thí sinh là thành viên đội tuyển đi thi Olympic Quốc tế các môn: Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học; Tuyển thẳng những thí sinh đạt từ giải ba trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giởi Quốc gia các môn: Toán học, Tin học, Vật lý, Hóa học và có tổng điểm thi tuyển sinh đại học khối A năm 2009 đạt từ điểm sàn trở lên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Xét tuyển những thí sinh dự thi tuyển sinh đại học năm 2009 đã trúng tuyển vào các ngành Địa kỹ thuật-Địa môi trường, Quản lý tài nguyên thiên nhiên của Đại học Quốc gia Hà Nội, nếu có nguyện vọng theo học và đạt điểm chuẩn quy định của chương trình.
Xin cảm ơn T.S!
Nguyễn Sơn (Dân trí)
Bình luận (0)