Tại Malaysia, tình trạng các cô gái Việt Nam chạy đến Đại sứ quán Việt Nam tại nước này kêu cứu xảy ra thường xuyên.
Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cũng như sự cả tin và ít hiểu biết của các cô gái ở các vùng quê, những kẻ trục lợi đã và đang tìm mọi cách dụ dỗ họ bằng những lời hứa đường mật như đưa sang lấy chồng hoặc tìm việc làm tại Malaysia. Vậy các cô gái nhẹ dạ đó có tìm thấy thiên đường ở ngoài biên giới nước mình hay không?
Địa ngục trần gian dập vùi giấc mơ đổi đời
Hai chị em Thúy Hường, Thúy Hạnh, người Tây Ninh, được một người quen có con gái sống bên Malaysia hứa hẹn giúp đưa sang đó làm dịch vụ với mức lương khoảng 15 triệu đồng tiền Việt mỗi tháng. Họ được khẳng định rằng nếu không muốn làm sẽ được đưa trở về nước.
Các cô gái Việt chờ đợi để ra mắt tại một Trung tâm Tư vấn Hôn nhân.
|
Nghe mùi mẫn, hai chị em chấp thuận ngay và sửa soạn bay sang Malaysia với hy vọng nhanh chóng kiếm được tiền trang trải phí vé máy bay và phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, ngay sau khi sang tới Malaysia, hai cô gái đã bị chính người giúp tìm việc làm giam lỏng trong một căn nhà rồi quẳng cho ít đồ ăn để tự nấu nướng.
Từ đây bắt đầu cuộc sống địa ngục của hai cô gái tội nghiệp. Họ buộc phải đi "tiếp khách" thâu đêm mỗi tối nhưng toàn bộ số tiền bị tú bà thu sạch và nói là để trừ nợ. Đau đớn, nhục nhã và tuyệt vọng, Hường và Hạnh chỉ biết kêu khóc. Sang tới ngày thứ tư, hai chị em may mắn được một sinh viên người Việt Nam phát hiện và thông báo với cảnh sát. Hường và Hạnh được giải cứu và đưa về Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tạm lánh.
Còn Đỗ Thị Đông, quê ở An Giang, lại dấn thân vào cuộc sống khốn khổ nơi xứ người bắt đầu từ một lời hứa gả cho một ông chồng giàu có người Mãlai.
Đông có hoàn cảnh gia đình khá khó khăn, cha cô chạy xe ôm, mẹ làm nội trợ, nhà lại đông anh em, vì thế cô chấp nhận ngay khi được người môi giới hứa gả cho một ông chồng giàu sau khi trả trước cho gia đình cô 500 đôla Mỹ.
Trước khi cưới, Đông vẫn chẳng hề biết mặt mũi, hình dáng của hôn phu của mình ra sao, tiếng Mãlai lại càng không biết lấy nửa chữ. Theo lời Đông kể, cô được một bà người Việt tên gọi Ly Ly lấy chồng người Malaysia về "tuyển," sau đó được một người Malaysia gốc Hoa tên Kim Leong về xem mặt rồi chọn cô cùng bốn cô gái khác đưa đi.
Sau khi sang Malaysia, Đông được gả cho Kim Sin Jung như Leong đã hứa, nhưng cuộc sống trong gia đình này chẳng khác nào địa ngục đối với cô. Tại đây, ngày ngày cô phải “hầu hạ” cả cha, anh và em chồng. Sau một tuần lễ, thấy cảnh đời oái oăm, bà mẹ chồng nổi đóa đuổi cô ra khỏi nhà. Bơ vơ nơi đất khách quê người, cô đành phải quay về nhà tên Leong, nơi ba người bạn cô cũng đang chờ để được kết hôn.
Họ được đưa đi xem mặt chú rể, tuy nhiên đó toàn là những người vừa già vừa dị tật. Các cô phản ứng, không đồng ý liền bị tên Leong đánh đập và bắt phải đi “hầu khách” tại các quán bar. Khi biết bị bọn môi giới định bán sang Singapore làm gái mại dâm, các cô gái cố tìm mọi cách trốn khỏi “hang cọp” để thoát thân.
Hành trình đi tìm lại con gái
Trong khi xô xát xảy ra giữa tên Leong và mấy cô gái, Đông vồ được một chiếc điện thoại của ai đó văng ra, liền gọi điện ngay về cho bố thông báo tình cảnh của mình. Nghe xong điện thoại của con, ông Thụ, cha của Đông như muốn sụp xuống. Cả gia đình nhốn nháo lo lắng.
Ông Thụ tìm mọi cách liên lạc với người môi giới đưa con mình đi và được hồi âm bằng những lời đe dọa và tuyên bố phải nộp phạt 2.000 đôla Mỹ để chuộc con về. Ông nuốt đắng vào lòng mặc cả xuống 1.000 đôla, Tú bà Ly Ly quả quyết "một xu cũng không bớt." Uất hận và thương con, ông Thụ quyết định làm theo cách của mình.
Sau khi vay mượn được 20 triệu đồng, ông nhờ một người bà con thạo tiếng Anh bay cùng sang Malaysia. Tới nơi, hai ông đến trình báo cơ quan cảnh sát địa phương và được giúp đỡ tận tình. Họ đã tìm ra địa chỉ mà ông Thụ cung cấp và bắt giữ những kẻ môi giới bất lương.
Trong khi đó, Đông, con gái ông, lợi dụng sơ hở lúc tên Leong ra ngoài sớm, cô đã bỏ trốn và may mắn gặp được một người đàn ông tốt bụng có con dâu là người Việt Nam đưa về nhà và giúp liên lạc với cha.
Hai cha con gặp lại nhau vừa mừng vừa tủi. Lúc này ông Thụ mới thấy thấm thía sự hồ đồ của mình. Ông nói, chỉ vì hám mấy đồng tiền mà ông đã làm tan nát cuộc đời của con gái mình.
Bài học không bao giờ cũ
Lợi dụng việc nhập cảnh dễ dàng, đi lại thuận tiện, nên bọn bất lương đã đưa nhiều cô gái trẻ nhẹ dạ và ham kiếm tiền sang Malaysia với những lời hứa ngon ngọt tìm việc làm hoặc kết hôn với người bản địa, song mục đích cuối cùng của chúng chỉ là đẩy họ vào chỗ buộc phải bán thân.
Từ bài học của mình, ba cố gái trẻ Hương, Hạnh, Đông mong các cô gái khác đừng đi vào vết xe đổ của họ, đem cả cuộc đời ra đánh đổi lấy nhục nhã, ê chề.
Hương, Hạnh, Đông mới chỉ là một vài trong rất nhiều trường hợp là nạn nhân của sự cám dỗ đổi đời nơi xứ người. Malaysia không phải là thiên đường cho các cô dâu Việt, càng chẳng phải là nơi dễ dàng kiếm vài chục triệu đồng một tháng như lời những kẻ bất lương dụ dỗ.
Các cô gái gặp nạn hầu hết đều tìm đến Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia để được giúp đỡ. Tại đây họ được tạm lánh chờ làm thủ tục và mua vé máy bay về nước. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể được về nước ngay. Với những người đã kết hôn với người địa phương nhưng bỏ trốn do bị chồng ngược đãi hay bạo hành, thì việc họ có về nước được hay không phải tùy thuộc vào sự chấp thuận của người chồng mà họ đã kết hôn theo đúng với luật pháp của nước sở tại.
Theo lời ông Trịnh Vinh Quang, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, những ai muốn kết hôn hay muốn sang lao động tại Malaysia hãy tìm đến những cơ sở hợp pháp, có uy tín nhiệm và trách nhiệm. Không bao giờ nên sang Malaysia tìm việc hay kết hôn theo con đường môi giới cá nhân, bởi điều đó có thể đẩy các cô gái trẻ tới những nguy hiểm khôn lường.
Theo Thanh Thủy-Xuân Triển
Kuala Lumpur/Vietnam+
Bình luận (0)