Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dịch bệnh bùng phát trong trường học: Do phụ huynh thiếu hợp tác!?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Học sinh Trường TH Lương Định Của sẽ miễn dịch với bệnh sởi, rubella và quai bị

Thật là kỳ lạ khi năm nay phần lớn các ổ dịch như rubella, sởi, quai bị, sốt phát ban lại tập trung vào khu vực trường học. Trong khi đó những năm trước các ổ dịch thường rơi vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà trọ nơi tập trung đông công nhân với vệ sinh kém. Phải chăng các trường học đã lơ là với công tác phòng dịch?
Vệ sinh phòng bệnh luôn được đặt lên hàng đầu
Một trong những trọng tâm của ngành giáo dục năm học 2008-2009, nhất là bậc học mầm non là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Theo đó các trường phải thực hiện nghiêm túc quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường các biện pháp giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ… Mới đây, ngày 24-2, trước sự xuất hiện của dịch sởi và nhiều dịch bệnh mùa nắng như tay chân miệng, rubella, thủy đậu, quai bị, tiêu chảy cấp, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Huỳnh Công Minh đã có công văn 260 gửi các phòng GD-ĐT quận, huyện, các trường THPT và các đơn vị trực thuộc. Sở yêu cầu các đơn vị trường học tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế địa phương trong việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Các trường phổ thông, dạy nghề tăng cường vệ sinh môi trường lớp học, tạo sự thông thoáng. Riêng khối nhà trẻ, mẫu giáo thực hiện vệ sinh trường lớp thường xuyên theo quy định, tổng vệ sinh diệt mầm bệnh, lau phòng học, đồ chơi bằng dung dịch khử khuẩn hàng tuần từ 1-3 đến 31-3. Bên cạnh đó, nhà trường tích cực hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…
Trong thời gian cuối tháng 2 và đầu tháng 3 vừa qua, nhiều phòng GD-ĐT quận, huyện như Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú, Q.12… đã phối hợp với trung tâm y tế dự phòng địa phương tổ chức tập huấn công tác vệ sinh phòng bệnh cho ban giám hiệu, cán bộ y tế của các trường. Ngày 28-2, Bệnh viện Nhi đồng I phối hợp cùng Phòng GD Mầm non – Sở GD-ĐT tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Nhận biết, chăm sóc, phòng ngừa bệnh sởi, rubella” cho hàng trăm giáo viên, bảo mẫu của các trường mầm non…
Tại Trường Tiểu học Lương Định Của – Q.3, ngày 25-2, Trung tâm Y tế dự phòng Q.3 đã phát hiện 13 học sinh (lớp 2/4 có 6 ca, lớp 4/5 có 7 ca) bị sốt phát ban và rubella. Ngay sau đó, nhà trường đã cho 100 học sinh của 2 lớp 2/4 và 4/5 nghỉ học một tuần. Từ đó đến nay, ngày nào nhà trường cũng tiến hành vệ sinh khử trùng.
Phụ huynh báo bệnh trễ nên dịch lây lan
Mặc dù ngành giáo dục và các trường rất tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh, nhưng dịch bệnh vẫn liên tiếp xảy ra ở khu vực trường học từ mầm non, tiểu học đến THCS trên địa bàn nhiều quận, huyện. Vậy đâu là nguyên nhân?
Như Giáo Dục TP.HCM đã phản ánh trong bài Thêm trường mầm non bị dịch quai bị… tấn công (số 638 – ngày 9-3), ngày 5-3, Trung tâm Y tế dự phòng Q.12 đã phát hiện 20 học sinh của Trường Mầm non Họa Mi I, Q.12 bị sốt và quai bị. Về vấn đề này, bà Hoàng Oanh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngày 20-2, một học sinh ở điểm lẻ của trường xin nghỉ học. Ngày 26-2 (thứ 5), bé đi học lại. Lúc đó cô giáo đã hỏi phụ huynh là tại sao bé nghỉ học, phụ huynh cho biết bé bị bệnh quai bị. Ngay ngày hôm sau (27-2), trong lớp của bé này và các lớp bên cạnh có 5-6 bé đồng loạt nghỉ học vì sốt. Đến thứ hai (1-3), ở điểm lẻ này có thêm mười mấy bé nghỉ học. Thấy vậy, Ban giám hiệu nhà trường đã tức tốc báo ngay với Phòng GD-ĐT Q.12. Và ngày thứ ba (2-3) lại tiếp tục báo khẩn lên UBND và Trung tâm Y tế dự phòng quận… Sở dĩ có sự lây lan nhanh đến như vậy, một phần là do phụ huynh báo trễ”. Được biết, phần lớn phụ huynh có con học ở điểm lẻ này đều là dân nhập cư, dân lao động nên cũng ít quan tâm đến các chủ trương phòng chống dịch bệnh của trường.
“Hiện nay công tác phòng chống dịch bệnh đang được nhà trường đặt lên ưu tiên hàng đầu. Sáng sớm khi nhận cháu, phát hiện cháu sốt là kêu phụ huynh đưa cháu về nhà luôn chứ không cho vào lớp. Nếu phát hiện cháu nóng, sốt trong giờ học thì đưa vào phòng cách ly và gọi điện báo cho phụ huynh tới đón. Những bé này chỉ được đi học trở lại khi có giấy của bác sĩ. Trường Mầm non Họa Mi I có 3 điểm, dịch bệnh xảy ra ở điểm lẻ 2. Để bệnh không lây cho 2 điểm còn lại, nhà trường đã ngăn không cho giáo viên của điểm 2 sang điểm chính và điểm 1. Ngược lại giáo viên của 2 điểm này cũng không được sang điểm 2”, bà Hoàng Oanh cho biết thêm.
Do vậy, ông Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã khuyến cáo các trường khi phát hiện học sinh nghỉ học, nhà trường phải liên lạc với phụ huynh để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có cách ngăn ngừa dịch bệnh…
Bài & ảnh: Kim Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)