Sau một thời gian dài yên ắng, dịch bệnh Covid-19 dường như đã bị quên lãng. Tuy nhiên, từ giữa tháng 4 đến nay, số ca mắc tăng vọt. Thậm chí có ngày lên tới trên 1.000 ca. Theo các chuyên gia y tế, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới…
Ngành y tế kêu gọi người dân đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Số ca mắc tăng chóng mặt
Tích lũy từ đầu dịch đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 11.550.000 ca, trong đó có 43.186 ca tử vong. Đến nay đã gần 4 tháng, nước ta không ghi nhận ca tử vong do Covid-19.
Theo ông Nguyễn Lương Tâm – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế – trong tháng 3-2023, cả nước ghi nhận 384 ca (giảm 8,6% so với tháng 2). Tuy nhiên từ đầu tháng 4 đến nay, số ca mắc Covid-19 có xu hướng gia tăng. Cụ thể, trong 7 ngày từ ngày 6-4 đến ngày 12-4, cả nước ghi nhận 849 ca mắc mới, trung bình có 120 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 4,2 lần so với 7 ngày trước đó. Trong đó, nhóm tuổi từ 50 trở lên ghi nhận 262 ca (chiếm 30,9% số ca mắc mới).
Từ ngày 13-4 đến nay, số ca mắc Covid-19 trong ngày đã không còn nằm ở mức trung bình 120 ca/ngày mà tăng lên gấp 5-10 lần. Cụ thể như ngày 14-4 tăng lên 780 ca, ngày 17-4 vọt lên 1.031 ca, ngày 19-4, tăng gấp đôi ngày 17-4 với 2.159 ca; ngày 20-4 là 2.461 ca.
Trước đó, từ ngày 1 đến 5-4, ngày thấp chỉ có 10 ca, cao nhất là 51 ca. Còn trong tháng 3, ngày nhiều nhất là 30 ca (ngày 30-3), riêng ngày 6-3, cả nước không ghi nhận ca mắc Covid-19 nào.
Số ca mắc Covid-19 hiện nay chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Bắc, nhiều nhất là Hà Nội. Nguyên nhân được cho là do thời tiết nồm ẩm kéo dài, đây là thời điểm lý tưởng để các bệnh về đường hố hấp gia tăng. Covid-19 cũng là dạng cúm mùa nên dễ bùng phát trong giai đoạn thời tiết giao mùa như hiện nay…
Còn tại TP.HCM, trong tháng 3, số ca mắc mới ghi nhận dưới 3 ca/ngày; tuần đầu tháng 4, ghi nhận trung bình 1 ca/ngày. Tuy nhiên, từ ngày 12-4 đến nay, có ngày ghi nhận 7 ca mắc mới…
Nhận định về tình hình dịch bệnh năm 2023, ông Tâm cho biết, Covid-19 hiện vẫn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát với các biến thể mới.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế – khẳng định, hiện ca mắc Covid-19 tăng nhưng không có tử vong, tỷ lệ chuyển nặng tăng hơn so với tháng trước. Vì vậy, chúng ta vẫn cần cảnh giác để có biện pháp đáp ứng kịp thời với Covid-19. Các tỉnh, TP cần xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp phòng chống dịch cho phù hợp.
Xử trí kịp thời các trường hợp chuyển nặng
Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo đảm thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh Covid-19 nhằm phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Bộ Y tế đã có công văn về việc tăng cường công tác thu dung, điều trị ca bệnh Covid-19 gửi giám đốc sở y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Thủ trưởng y tế các bộ, ngành.
Theo đó, yêu cầu rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 của tỉnh, của đơn vị theo nguyên tắc 4 tại chỗ; phân công số giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 cụ thể tới từng đơn vị; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 khi dịch bệnh có thể xảy ra diễn biến phức tạp. Chủ động nâng cao năng lực điều trị, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Các cơ sở điều trị tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi), khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…
“Đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ Covid-19 nằm tại các bệnh viện, khi kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ Covid-19 khuyến cáo thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán mắc Covid-19, tránh bỏ sót ca bệnh để dịch bệnh lan rộng”, công văn yêu cầu.
Tại TP.HCM, nhằm chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hạn chế nguy cơ dịch chồng dịch, Sở Y tế TP đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tăng cường hoạt động giám sát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch Covid-19, chùm ca mắc bệnh Covid-19, chùm ca viêm hô hấp; Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân và đẩy mạnh công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đặc biệt đối với các nhóm có nguy cơ cao.
Về thu dung điều trị, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc điều trị, phương tiện, đảm bảo thường trực 24/24 để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh và cấp cứu của người dân. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn TP sẵn sàng bố trí khu vực cách ly, thu dung và điều trị người bệnh Covid-19 tại khoa/đơn vị Covid-19. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là bệnh viện tuyến cuối điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch; các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của TP sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị các trường hợp người bệnh có bệnh lý đi kèm hoặc bệnh lý nền nặng có nhiễm Covid-19 theo chuyên khoa do bệnh viện tuyến dưới chuyển đến; Bệnh viện dã chiến số 13 sẵn sàng kích hoạt trong vòng 24 giờ khi tình hình dịch bệnh có diễn tiến xấu.
“Người dân TP hãy bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; bảo đảm duy trì miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 bằng cách cho người thân trong gia đình và trẻ em (từ 5 tuổi trở lên), đặc biệt nhóm có yếu tố nguy cơ cao đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nếu chưa tiêm, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung đúng theo quy định”, đại diện Sở Y tế TP khuyến cáo.
Kim Anh
Bình luận (0)