Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thân nhân và bệnh nhân chờ khám bệnh tại BV Nhi đồng 2

“Bên cạnh những thành quả đã đạt được, trong năm qua ngành y tế đã gặp nhiều bất cập, tồn tại. Đặc biệt là vấn đề quá tải bệnh viện, dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, thậm chí nhiều loại bệnh dịch cũ quay trở lại”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm đã phát biểu như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2008 tại TP.HCM vừa qua…

2 – 3 bệnh nhân nằm một giường
Trong những năm gần đây, tình trạng quá tải bệnh viện (BV) ngày càng nghiêm trọng và không chỉ diễn ra ở các BV tuyến TW mà ngay cả tuyến tỉnh, thành cũng quá tải. Công suất sử dụng giường bệnh dao động từ 125% đến 140%. Trong đó có những BV tăng tới gần 300%. Chẳng hạn như khoa Xạ 1, khoa Xạ 2 BV K (Hà Nội) là 644% và 624%; khoa Nội tim mạch BV Chợ Rẫy (TP.HCM) là 226%; khoa Y học hạt nhân và điều trị ung bướu BV Bạch Mai (Hà Nội) là 263%; khoa Sơ sinh, khoa Tim mạch BV Nhi TW là 362% và 260%; khoa Sơ sinh BV Phụ sản TW là 288%…
“Hiện tượng quá tải ở các BV là hệ quả của sự mất cân đối giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và khả năng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) của hệ thống y tế”, TS. Lý Ngọc Kính – Cục trưởng Cục Quản lý KCB Bộ Y tế lý giải.
Theo báo cáo của các BV, số lượng người bệnh đến khám và điều trị ngoại trú luôn luôn tăng hàng năm từ 5,8 lên 13,4%, số lượt điều trị nội trú tăng từ 7,2 lên 12,3%. Bên cạnh đó, mô hình bệnh tật ở nước ta đang chuyển dần từ mô hình chủ yếu là các bệnh truyền nhiễm sang mô hình các bệnh không lây nhiễm. Điển hình như các bệnh về tim mạch, rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ… chiếm tới 62,5%. Đây là những bệnh đòi hỏi một quá trình điều trị lâu khiến các bệnh nhân phải nằm viện trong một thời gian dài…
Trong khi nhu cầu KCB của người dân tăng thì ngân sách chi cho y tế vẫn còn thấp. Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân chỉ đạt 17,36%, thậm chí khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 12,25%, Tây nguyên là 12,25%…
Và một nguyên nhân cũng hết sức quan trọng đó là năng lực y tế tuyến cơ sở còn hạn chế. “Rất nhiều BV tuyến huyện đã xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn. Sự chênh lệch về thu nhập ở các tuyến dẫn đến xu hướng dịch chuyển cán bộ từ tuyến dưới lên tuyến trên. Do vậy, BV tuyến dưới thiếu cán bộ y tế có tay nghề cao, chuyên môn giỏi. Mặt khác, điều kiện kinh tế của người dân khá giả nên người bệnh có xu hướng lựa chọn cơ sở KCB kỹ thuật cao. Từ những lý do trên đã dẫn đến tình trạng quá tải ở BV tuyến trên”, TS. Kính nhấn mạnh.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Theo Cục Y tế dự phòng & Môi trường, năm 2008 tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số dịch bệnh nguy hiểm tiếp tục xảy ra… Cúm A (H5N1), từ đầu năm đến nay ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh (ở Tuyên Quang, Hà Nam, Phú Thọ, Hải Dương, Ninh Bình) và tất cả đã tử vong. Mặc dù so với năm 2007 số người mắc đã giảm 37,5% nhưng theo dự đoán của các chuyên gia y tế thì năm 2009 dịch bệnh vẫn tiếp tục xảy ra vì tình hình cúm gia cầm vẫn chưa kiểm soát được.
Tiêu chảy cấp, năm qua ghi nhận 2 đợt với tổng số 851 người mắc, xảy ra tại 22 tỉnh, thành. Tại nhiều địa phương xảy ra dịch, phần lớn các hộ dân không có nhà vệ sinh. Đặc biệt, không ít người dân còn có thói quen dùng phân xanh để bón ruộng, đây là mối nguy cơ cao phát tán mầm bệnh ra môi trường. Nguy cơ dịch bệnh xảy ra vào năm 2009 là khó tránh khỏi…
Bệnh tay chân miệng mặc dù mới xuất hiện ở nước ta nhưng càng ngày số trẻ em mắc bệnh càng tăng, phạm vi xảy ra dịch đã lan ra hầu hết các tỉnh thành. Năm 2008, cả nước có 12.740 trường hợp, trong đó có 24 ca tử vong. Khác với mọi năm dịch xảy ra theo mùa thì từ năm ngoái đến nay bệnh xảy ra rải rác quanh năm với 2 đỉnh dịch là tháng 3 và tháng 10.
So với năm 2007, năm nay số ca sốt xuất huyết phải nhập viện giảm 11,7%. Tuy vậy cả nước vẫn có tới 81.888 trường hợp mắc bệnh, trong đó nhiều nhất là TP.HCM với 13.823 ca, Cà Mau 8.202 ca, Bình Dương 4.026 ca… Năm 2008 có 89 ca tử vong, tăng 3 ca so với năm ngoái. Số ca tử vong chủ yếu xảy ra ở các tỉnh phía Nam như TP.HCM – 10 ca, Cà Mau – 8 ca, Bình Dương – 12 ca, Bạc Liêu – 9 ca… Đáng báo động là có sự dịch chuyển mạnh về các tuýp huyết thanh, tuýp D1 chiếm 75,2% (trong khi năm 2007 là 56,7%), D2 chiếm 9,5 (2007 – 9,5%), D3 chiếm 14,7% (2007 – 12,7%), D4 chiếm 0,8% (2007 – 5,7%). Điều này làm tăng nhóm nguy cơ mắc bệnh vì những người đã từng mắc tuýp khác, chưa mắc tuýp D1 cũng có thể tiếp tục mắc bệnh. Từ thực tế trên, các chuyên gia y tế dự đoán năm 2009 sốt xuất huyết có thể gây thành dịch ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung nếu không có các biện pháp khống chế quyết liệt ngay từ bây giờ…
Ngoài những dịch bệnh nói trên, năm 2009 nước ta có thể có thêm một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới xuất hiện ở các nước trên thế giới như Ebola, sốt thung lũng Rilf…
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã chỉ đạo, các địa phương phải tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để hạn chế thấp nhất số ca tử vong và không để xảy ra dịch lớn…
Bài & ảnh: Hòa Triều

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)