Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Dịch bệnh mùa nắng nóng

Tạp Chí Giáo Dục

Thời tiết TPHCM đang bước vào những ngày nắng nóng gay gắt, kéo theo nguy cơ lây lan dịch bệnh đặc trưng theo mùa. Làm thế nào để có thể phòng tránh dịch bệnh mùa nắng nóng đang là vấn đề đặt ra cho mỗi người dân cũng như các cơ quan hữu trách.
Thủy đậu, tiêu chảy gia tăng
Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận quận 7, lo ngại kể: “Chủ nhật ngày 29-3, thời tiết TPHCM khá nóng. Ngày nghỉ, không phải tăng ca nên tôi đưa gia đình ăn bún tại một quán bình dân gần đại lộ Nguyễn Văn Linh. Sau khi ăn khoảng 1 giờ, chồng tôi cùng 2 con gái nhỏ bị đau bụng tiêu chảy liên tục. Riêng tôi chỉ đau nhẹ. May mắn có một bác sĩ ở gần nhà cho chúng tôi uống thuốc đặc trị nên cả nhà không phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Chắc tôi sẽ nấu ăn tại nhà, không dám ra ngoài ăn nữa, có khi rước bệnh vào thân”.

Hàng rong không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được bày bán trước cổng trường.

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM sáng 30-3 cho biết, số lượng người đến khám, điều trị ngoại trú bệnh thủy đậu, tiêu chảy… gia tăng đều đặn từ đầu năm 2015 đến nay. Cụ thể, tháng 1-2015 có 356 trường hợp bệnh nhân đăng ký khám thủy đậu, tháng 2 có 452 trường hợp và tháng 3 đã có 525 trường hợp mắc bệnh. Với dịch tiêu chảy, tháng 1-2015 có 717 trường hợp, tháng 3 nhảy vọt lên hơn 814 trường hợp.
Mùa nắng nóng, người dân thường có thói quen “nạp” liên tục các loại đồ ăn, thức uống, cho dù không được bảo quản, chế biến hợp vệ sinh nên nguy cơ thực phẩm nhiễm khuẩn, lên men gây bệnh… rất cao, nhất là một số loại bệnh điển hình mùa nắng như đã nêu trên. Đối với các cháu nhỏ thường rửa tay qua loa trước khi ăn, cũng rất dễ lây nhiễm các loại dịch bệnh mùa nắng nóng. Thời gian gần đây, các bệnh viện nhi đồng 1 và 2 TPHCM liên tục tiếp nhận các ca bệnh liên quan đến tiêu chảy, hô hấp… Theo các bác sĩ chuyên khoa, các loại dịch bệnh mùa nóng thường không đáng sợ, nhưng nếu bệnh nhân chủ quan, không điều trị kịp thời, bệnh sẽ chuyển hướng xấu, trầm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Nhiều học sinh vẫn ăn uống hàng rong không được bảo quản, chế biến hợp vệ sinh, có nguy cơ nhiễm khuẩn gây bệnh. Ảnh: THU HƯỜNG

Ngoài dịch tiêu chảy, thủy đậu, quai bị thường hoành hành vào mùa nóng, thì bệnh dại cũng là mối lo đối với người dân. Thống kê của Viện Pasteur TPHCM cho thấy, từ đầu năm 2015 đến nay, toàn khu vực phía Nam có 38.595 người đi tiêm chủng bệnh dại. Riêng TPHCM, trong 2 tháng đầu năm có 9.676 người đi tiêm chủng, giảm khoảng 5,5% so với cùng kỳ 2014. Theo TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, mặc dù tới thời điểm này chưa phát hiện ca tử vong nào liên quan đến bệnh dại, nhưng người dân nên hết sức cảnh giác để phòng chống dịch bệnh.
Ý thức phòng tránh
Bác sĩ Ngụy Cẩm Huy, chuyên viên Phòng Tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết: Các loại dịch bệnh mùa nóng như tiêu chảy, thủy đậu, quai bị… thường xuất hiện nhiều vào mùa nắng nóng. Do vậy, người dân phải chủ động chăm sóc sức khỏe, ăn chín uống sôi, vệ sinh cá nhân sạch sẽ (rửa tay sạch trước khi ăn), đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc với môi trường dễ lây bệnh…
Về cách thức phòng tránh, xử lý đối với trường hợp bị chó, mèo dại cắn, TS Phan Trọng Lân lưu ý: “Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, trong đó chó là nguồn truyền bệnh dại chủ yếu. Bệnh này hiện chưa có thuốc đặc trị. Khi lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy nhiên, bệnh dại trên người có thể phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại.
Trong trường hợp bị chó, mèo hoặc động vật nghi dại cắn, người dân nên rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch. Sau đó sát khuẩn bằng cồn 450-700 hoặc cồn iốt để giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Bên cạnh đó, người dân nên đến ngay các điểm tiêm phòng dại để được các bác sĩ chuyên khoa khám và có biện pháp xử lý cụ thể cho từng trường hợp.

THI HỒNG

(SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)