Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dịch bệnh tay chân miệng “rình rập” các trường mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

Quá tải nên nhiều phụ huynh đưa bệnh nhi ra nằm ngoài hành lang (ảnh chụp tại Khoa Nhiễm – BV Nhi đồng I)

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết: “8 tháng đầu năm 2009, toàn thành phố có 2.080 ca tay chân miệng (TCM) phải nhập viện, trong đó có 5 ca tử vong. Riêng tháng 8 có 363 ca, trong đó có 1 ca tử vong. Dịch bệnh có khả năng sẽ tăng, nhất là khi các trường mầm non đã hoạt động trở lại”…

Dịch bùng phát và nguy hiểm

Đó là thực trạng đang diễn ra tại Khoa Nhiễm – Bệnh viện (BV) Nhi đồng I. Ngày 12-9, số bệnh nhi đang điều trị tại khoa là trên 160 em. Trong đó có tới 70% là bệnh TCM, chủ yếu là ca bệnh nặng – 51 ca. Các bác sĩ ở đây cho biết, trung bình mỗi ngày có 10 ca TCM phải nhập viện.

Số bệnh nhi mới nhập viện mỗi ngày một tăng, trong khi số bệnh nhi cũ thì chưa thể xuất viện đã dẫn đến tình trạng quá tải nghiêm trọng. Có phòng chỉ có 7 giường nhưng phải chứa tới trên 60 bệnh nhi. Do vậy, nếu thấy bệnh tình của con bớt nguy hiểm là thân nhân bệnh nhi đưa bé ra ngoài hành lang nằm dưỡng bệnh…

Tại hành lang, mẹ của bệnh nhi Phước (Đức Hòa, Long An) nói: “Cách nay một tuần, tôi phát hiện bé bị nổi nốt ở chân, tay và miệng. Bé hay giật mình, không ăn, không bú, khóc nhiều và sốt cao. Thấy vậy sợ quá nên đưa tới bác sĩ tư khám, bác sĩ nói bé bị TCM và yêu cầu đưa đi viện. Ngày hôm sau, gia đình đã đưa bé tới BV Nhi đồng I. Khám xong, bác sĩ cho nhập viện ngay vì có dấu hiệu biến chứng. Lúc mới nhập viện, bé nằm ở phòng 108, một giường tới 6 bé nằm. Vài ngày sau, bé được chuyển qua phòng 109, mặc dù phòng nhiều giường hơn nhưng cũng 3 – 4 bé/giường. Tình cảnh giường thì ít mà bệnh nhân lại nhiều nên tôi quyết định ra hành lang nằm cho bé dễ chịu hơn, dễ ngủ được. Đến nay thấy bé đã chịu ăn, chịu chơi, không còn quấy khóc nữa nên cũng mừng”. Chị này cũng cho biết, từ trước tới giờ không biết bệnh TCM là gì, nay con bị bệnh nghe bác sĩ nói mới biết.

Mẹ của bệnh nhi Tiên – 1 tuổi (Long Xuyên, An Giang) kể: “Ngày 8-9, bé bị nóng, nổi nốt trong miệng, tay, chân; trong lúc ngủ thường xuyên giật mình nên gia đình đưa tới BV tỉnh. Sau đó BV tỉnh chuyển lên đây ngày 10-9. Vào phòng thấy chỉ có 7 giường mà có tới sáu mấy, bảy chục đứa nên cho bé ở trong phòng 1 ngày là đưa ra hành lang nằm luôn. Đến giờ khám, uống thuốc thì đưa bé vào”.

Sự quá tải này cũng đang diễn ra tại Khoa Nhiễm – BV Nhi đồng II, dọc hành lang của khoa kín mít giường bệnh…

So với mọi năm thì năm nay dịch bệnh TCM có chiều hướng nguy hiểm hơn. Theo bác sĩ Thọ – Trung tâm Y tế dự phòng thành phố thì: “Số ca mắc giảm, dù không đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái nhưng số ca tử vong lại nhiều hơn. Nguyên nhân là do sự xuất hiện trở lại của virus EV 71. Loại virus này rất nguy hiểm đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Theo đó, các trường mầm non phải cảnh giác cao độ đối với bệnh TCM”…

Tăng cường kiểm soát tại trường mầm non

Bác sĩ Lê Trường Giang – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết: “Từ đầu tháng 9 đến nay, Sở Y tế đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh TCM và sốt xuất huyết trên địa bàn. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng 24 quận, huyện kiểm soát chặt việc phòng chống dịch tại khu vực trường mầm non và những hộ gia đình có trẻ em nhỏ”.

Theo ngành y tế thì việc vệ sinh phòng học, đồ chơi, nhà ăn, nhà vệ sinh và đặc biệt là vệ sinh thân thể cho học sinh là cách phòng bệnh tốt nhất ở các trường mầm non. “Việc giữ gìn vệ sinh, nhất là lau chùi bằng dung dịch cloramin B theo định kỳ (1 tuần/lần) không chỉ giúp các trường phòng bệnh TCM mà cả bệnh cúm A/H1N1 và nhiều bệnh lây truyền qua đường hô hấp khác”, bác sĩ Thọ – Trung tâm Y tế dự phòng thành phố nhấn mạnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, cho biết: “Mọi năm tháng 7, 8 bệnh TCM đã giảm nhưng năm nay số ca không những không giảm mà còn tăng, nguy hiểm hơn là có rất nhiều ca nặng phải thở máy… Nguyên nhân là do hiện nay đa số các ông bố, bà mẹ khi thấy con sốt ho là nghĩ ngay đến bệnh cúm A/H1N1. Tuy nhiên, bệnh cúm A/H1N1 không nguy hiểm bằng bệnh sốt xuất huyết và TCM. Bởi nếu để trễ, bệnh sốt xuất huyết dễ bị sốc, còn bệnh TCM thì gây ra những biến chứng về tim mạch và thần kinh. Điều quan trọng nhất mà phụ huynh cần lưu ý là nếu con em mình bị mắc bệnh trong mùa này phải nghĩ đến nhiều chuyện khác chứ không thể nghĩ đến duy nhất bệnh cúm A/H1N1 mà lơ là, chủ quan những loại bệnh khác”.

Bài & ảnh: Kim Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)