* Đã có 6 ca tử vong do mắc bệnh
Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 6 ca tử vong do mắc bệnh tay chân miệng (TCM). Đặc biệt, chỉ trong tháng 4 có tới 3 ca. Trong khi đó, cả năm 2009, thành phố chỉ có 5 ca TCM tử vong và năm 2010 là 1 ca. Cũng thời gian này phát hiện nhiều chùm ca bệnh ở trường mầm non. Điều đó đã gây không ít lo ngại cho các bậc phụ huynh có con nhỏ cũng như giáo viên các trường mầm non.
Sau khi trẻ chơi, giáo viên phải rửa tay cho trẻ để phòng chống bệnh TCM |
Vậy, bằng cách nào để các trường mầm non có thể nói “không” với dịch bệnh TCM. Để trả lời câu hỏi này, Báo Giáo Dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Lê Trường Giang và Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Nguyễn Đắc Thọ…
PV: Xin bác sĩ cho biết tình hình dịch bệnh TCM trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay?
Bác sĩ Lê Trường Giang: Tính đến thời điểm này, toàn thành phố có gần 1.000 trường hợp mắc bệnh TCM nhập viện điều trị, cao hơn 80 trường hợp so với cùng kỳ năm 2010. Đặc biệt, số trường hợp mắc tăng liên tục từ tuần thứ 10 (tức khoảng 8-3) đến nay. Riêng tháng 4, bệnh tăng cao gấp 5 lần so với các tháng đầu năm, có lúc lên tới 150 ca/tuần. Dự báo bệnh TCM sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Số trường hợp mắc bệnh TCM đã xuất hiện tại 225/321 phường, xã ở khắp 24/24 quận, huyện. Bệnh xảy ra ở lứa tuổi rất nhỏ, trên 70% số trẻ mắc bệnh là từ 0-3 tuổi. Trong số các trẻ mắc bệnh, có 30% trẻ đang đi học tại các trường mầm non công lập và ngoài công lập. Mới 4 tháng đầu năm đã có 6 trường hợp tử vong, trong đó chỉ riêng tháng 4 là 3 trường hợp ở Q.1, Q.2 và Q.Bình Tân. Và 3/6 ca tử vong đang đi học tại các trường mầm non.
Trước tình hình này, ngành y tế đã làm gì thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lê Trường Giang: Trước tình hình dịch bệnh TCM gia tăng, Sở Y tế đã triển khai tháng cao điểm phòng chống dịch bệnh TCM với mục đích: đẩy lùi ngay dịch, hạ thấp đỉnh dịch vào tháng 9 và tháng 10, hạ thấp số trường hợp tử vong. Đối với khu vực trường học, nhất là các trường mầm non, tháng cao điểm sẽ diễn ra từ nay đến khi các cháu nghỉ hè.
Vậy bác sĩ có thể nói rõ về bệnh TCM được không?
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ: TCM là bệnh truyền nhiễm do nhiều loại vi rút đường ruột gây ra, bệnh chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh có thể có những biến chứng nặng, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu do virút entero virút 71 gây ra. Đa số trẻ khi mắc bệnh TCM đều có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng như nổi bóng nước ở miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Tuy nhiên cũng có những trường hợp mắc bệnh ở thể ẩn, không có biểu hiện bên ngoài nhưng vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.
Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân hoặc dịch tiết hầu họng của trẻ bệnh. Lây gián tiếp từ chính bàn tay do việc cầm, nắm, chạm vào đồ vật, đồ chơi, sàn nhà nhiễm virút từ chất tiết, chất thải của bệnh nhân.
Hiện tại, bệnh TCM vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng ngừa.
Các ca tay chân miệng biến chứng nặng tại BV Nhi Đồng 1 ngày 7-5 |
Nếu chưa có thuốc điều trị cũng như vắc xin phòng ngừa thì có nghĩa chúng ta phải “sống chung” với dịch bệnh TCM đúng không thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ: Chúng ta vẫn có thể phòng tránh được bệnh TCM. Và cách phòng bệnh tốt nhất là chủ động các biện pháp vệ sinh cá nhân và khử khuẩn vật dụng, đồ chơi, nhà cửa.
Vệ sinh cá nhân: Trẻ em và người chăm sóc trẻ phải thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc khi bàn tay bị bẩn. Không để trẻ khỏe mạnh tiếp xúc, chơi cùng trẻ bệnh.
Vệ sinh đồ chơi, vật dụng và nhà cửa hàng ngày bằng nước và xà phòng hoặc các chất lau nhà thông dụng. Đặc biệt lưu ý lau chùi làm vệ sinh nơi trẻ thường sinh hoạt, vui chơi.
Khử khuẩn đồ chơi, nhà cửa bằng bột Cloramin B có nồng độ clor gốc 25% (cấp tại các trạm y tế xã, phường cho những hộ gia đình có nhu cầu, hộ gia đình có trẻ dưới 3 tuổi, trường mầm non) hoặc nước javel có nồng độ clor gốc từ 3-5%.
Bác sĩ có thể nói rõ hơn về cách khử khuẩn được không?
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ: Trong trường hợp không có ca bệnh, mỗi tuần khử khuẩn một lần. Pha dung dịch khử khuẩn bằng cách pha 1 muỗng cà phê Cloramin B hoặc 20ml nước javel trong 1 lít nước. Trước tiên phải lau hoặc rửa sạch bụi, các chất bẩn trên sàn nhà, các bề mặt vật dụng trẻ thường tiếp xúc bằng nước và xà phòng. Sau đó mới lau bằng dung dịch khử khuẩn đã pha. Để trong vòng 10-20 phút, rồi lau lại bằng nước sạch và lau khô. Đối với đồ chơi của trẻ thì ngâm trong dung dịch khử khuẩn đã pha từ 10-20 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch và phơi khô.
Trường hợp có ca bệnh, việc khử khuẩn được thực hiện mỗi ngày. Nồng độ clor tăng gấp 5 lần so với bình thường. Khử khuẩn nơi có chất tiết hầu họng nhiễm bẩn các bề mặt đồ đạc, vật dụng, sàn nhà, nơi người bệnh sinh hoạt, ngủ – nghỉ…
Khi phát hiện trong lớp có ca bệnh, giáo viên phải làm gì thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lê Trường Giang: Khi phát hiện trong lớp có ca bệnh, giáo viên phải nhanh chóng cách ly trẻ bệnh. Với những trẻ còn lại phải cho tất cả ra ngoài trời nắng, bởi ánh nắng mặt trời sẽ khử khuẩn giúp trẻ. Sau đó cho trẻ đi rửa tay. Trong thời gian đó, giáo viên vệ sinh – khử khuẩn sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi trong lớp học.
Nhà trường phải theo dõi, quản lý trẻ khi nghỉ học. Giáo viên phải hỏi phụ huynh tại sao trẻ nghỉ, trong trường hợp nghỉ vì mắc bệnh thì phải biết đó là bệnh gì. Nếu mắc các bệnh truyền nhiễm như TCM thì phải báo ngay với y tế địa phương.
Xin bác sĩ cho biết, thông điệp mà ngành y tế muốn gửi tới người dân trong việc phòng chống dịch bệnh TCM?
Bác sĩ Lê Trường Giang: Có 3 thông điệp mà ngành y tế muốn gửi tới người dân, đặc biệt là các cô giáo mầm non và những phụ huynh có con dưới 5 tuổi, đó là: thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ, người giữ trẻ, vật dụng và đồ chơi của trẻ; lau chùi sạch khu vực sinh hoạt của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn; phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng như sốt cao, co giật, đi đứng loạng choạng, thở mệt để đưa trẻ đến ngay Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 hoặc Bệnh viện Nhiệt đới.
Liên Sở Y tế và Sở GD-ĐT đã bàn bạc và sẽ phải đề xuất với UBND TP cũng như đưa ra HĐND để có một khoản chi cho công tác vệ sinh phòng bệnh trong trường học. Bởi chi phí để làm vệ sinh phòng bệnh rẻ hơn rất nhiều so với chi phí khám chữa bệnh. Nếu HĐND không đồng ý cho ngành GD-ĐT thu từ phụ huynh học sinh thì ngân sách thành phố phải chi cho khoản này.
Xin cám ơn bác sĩ Lê Trường Giang và bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ!
Hòa Triều (thực hiện)
Bình luận (0)