Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dịch Covid-19: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến dạy và học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định: “Ngành giáo dục (GD) là một trong những ngành chịu tác động, ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất của dịch Covid-19. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo chất lượng dạy và học, cũng như việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết 29 của Đảng…”.


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Học sinh thiệt thòi vì không được tới trường

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn và tàn phá tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó GD-ĐT là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung GD phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu HS, SV không được tới trường trong một thời gian rất dài. Trên 70 ngàn SV không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.

“Việc học tập trực tuyến, học truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đã gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. HS căng thẳng, mệt mỏi, thầy cô cực nhọc và áp lực, phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. Những chuyện bi hài, những việc đau lòng đã diễn ra khó có thể kể siết…”, ông Sơn tâm tư.

Cụ thể, đối với GD phổ thông, hơn 1,8 triệu HS không có bất cứ thiết bị nào để học tập trực tuyến. Các bài dạy trên truyền hình chưa phủ hết tiến trình bài học chương trình các môn học. Bên cạnh đó, tổ chuyên môn và các cơ sở GD còn gặp nhiều bỡ ngỡ, khó khăn về thời gian và con người trong xây dựng kế hoạch GD đối với các môn học mới có nội dung tích hợp, liên môn, có hiện tượng cắt ngang chương trình môn học để dạy song song; nhiều bài giảng trực tuyến chưa sinh động, hấp dẫn; hạn chế tương tác giữa HS và GV trong quá trình dạy học trực tuyến, đặc biệt là khi HS học qua truyền hình…

Đối với GD ĐH, hệ thống đào tạo trực tuyến chưa phát triển đầy đủ, nhiều trường còn hạn chế. Việc bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các chương trình đào tạo yêu cầu nhiều thời gian thực hành, thực tập để trang bị các kỹ năng nghề nghiệp.

Riêng mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. “Việc trẻ không được đến trường, trong khi nhiều phụ huynh không có kỹ năng, kiến thức chăm sóc trẻ, thời gian trẻ ở nhà dài dẫn đến áp lực, căng thẳng, dễ gây ra mất an toàn cho trẻ; nhiều phụ huynh phải sắp xếp công việc để chăm sóc con ở gia đình, ảnh hưởng lớn tới thu nhập và phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, việc hướng dẫn trực tuyến cho cha mẹ trẻ hạn chế về nội dung, phương pháp, trang thiết bị và các chất liệu thực tiễn, trực quan sinh động, chưa đảm bảo tương tác tích cực với trẻ mầm non. Những hạn chế nêu trên dẫn đến trẻ mầm non giai đoạn hiện nay có nguy cơ chậm phát triển”, ông Sơn nói.

Củng cố kiến thức khi học sinh trở lại trường

“Dịch bệnh đang dần được kiểm soát, kinh tế và các hoạt động xã hội sẽ dần phục hồi, nhưng ngành GD lại bắt đầu một chặng đường mới với những khó khăn, thách thức vẫn còn nguyên, và thậm chí còn lớn hơn nữa đang chờ phía trước. Hậu quả do dịch bệnh gây ra để lại lâu dài và sự khắc phục nó không phải một sớm một chiều. Ngành GD đã triển khai đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh, bước đầu có những con số và chỉ số về tác động tiêu cực, có điều đã nhìn thấy, nhưng cũng có những điều còn ảnh hưởng lâu dài chưa đo đếm được. Đặc biệt là những lỗ hổng về kiến thức, những tác động tâm lý, tinh thần, tình cảm của HS…”, ông Sơn lo lắng.

Cũng theo ông Sơn, với tình hình dịch bệnh vô cùng phức tạp nên đối với chương trình GD phổ thông năm nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản số 4040 về việc xác định chương trình cốt lõi theo hướng tinh giảm để phục vụ cho việc dạy trực tuyến và dạy trên truyền hình. Theo đó, chương trình có tính chất cốt lõi chứ không phải là rút gọn như trước đây. Trước đó, các năm 2019, 2020, bộ đã hai lần tinh giảm để phù hợp với chương trình học trong tình hình dịch bệnh.

Tuyển hơn 27.000 giáo viên

Về giải pháp giải quyết vấn đề thiếu GV ở các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây là vấn đề lớn. Theo thống kê, cả nước hiện đang thiếu trên 94.000 GV, trong đó hơn 1/3 là GV mầm non.

Nguyên nhân dẫn đến thiếu GV mầm non nhiều là do việc phổ cập cho mẫu giáo 5 tuổi. Do đó, Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã phối hợp rất chặt chẽ để tìm phương án giải quyết. Cụ thể, năm 2019, hai bộ đã trình và được phê duyệt tuyển thêm hơn 20.000 GV trong 14 tỉnh, khu vực có nhu cầu cao. Trong tháng 11-2021, hai bộ cũng đã làm việc và trình các cấp có thẩm quyền cho phép tuyển thêm hơn 27.000 GV để giải quyết một phần tình trạng thiếu GV cho các bậc học, đặc biệt là cho GD mầm non.

Về giải pháp khắc phục vấn đề thiếu GV ngoại ngữ, tin học ở các tỉnh khu vực miền núi, các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, bộ trưởng cho biết, thực tế nhiều tỉnh chưa có chính sách ưu đãi thu hút. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu giảng dạy hai môn tin học, ngoại ngữ cho các tỉnh này đang là vấn đề rất khó khăn. Ngành GD đang tăng chỉ tiêu đào tạo cho các trường ĐH ở các khu vực và cung cấp nhiều cho nguồn nhân lực của các tỉnh khu vực miền núi. Về phía các địa phương thì tăng cường nhiều hơn nữa việc đào tạo tại chỗ…

Ngoài ra, theo bộ trưởng có một giải pháp phải tính đến là xây dựng các bài giảng E-Learning để HS vùng miền núi học qua internet; GV chỉ cần chuẩn bị hướng dẫn, định hướng, kiểm tra, giám sát.

Và để đánh giá được chất lượng học trực tuyến, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngành GD thường xuyên theo dõi xem các đơn vị dạy đến đâu, dạy như thế nào, tương tác ra sao… Đồng thời hỗ trợ máy tính và thiết bị học tập cho các cơ sở GD. Thời gian vừa qua, toàn ngành đã huy động hỗ trợ được trên 140 ngàn thiết bị và trong tháng 11 này trên 50 ngàn máy tính sẽ được phân phối.

“Tuy nhiên, việc học trực tuyến có những thách thức và có ảnh hưởng đến chất lượng. Theo đó, khi HS quay lại trường, nhà trường không đánh giá ngay kiến thức mà việc đầu tiên là giúp các em làm quen với môi trường trường học, học cách tự phòng chống dịch cho bản thân, lấy lại tinh thần, tâm lý thư thái. Sau đó, GV có trách nhiệm đánh giá xem HS trong lớp trình độ đến đâu để phân ra các nhóm – bởi những em có thiết bị tốt, bố mẹ kèm tốt sẽ chắc kiến thức hơn các em thiết bị phập phù, bố mẹ bận rộn quá…”, ông Sơn thông tin.

Nhóm PV

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)