Sự kiện giáo dụcTin tức

Dịch Covid-19, các trường nghề không tăng học phí

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là đề nghị của Bộ LĐ-TB-XH đối với các trường nghề nhằm chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh, người dân chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19.
Sinh viên nộp hồ sơ tại một trường CĐ /// MỸ QUYÊN
Sinh viên nộp hồ sơ tại một trường CĐ. MỸ QUYÊN
Giữ ổn định mức học phí như năm học 2020-2021
Bộ LĐ-TB-XH vừa có công văn gửi các Bộ, ban ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc hướng dẫn mức thu học phí tại các trường nghề .
Công văn này nêu: "Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021, đồng thời tiếp tục thực hiện miễn học phí cho đối tượng theo quy định của khoản 2 điều 62 theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và thực hiện công khai học phí theo quy định".
Việc giữ ổn định mức học phí này là nhằm chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh, học sinh và người dân chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19 liên tục trong 2 năm qua.
Dịch Covid-19, các trường nghề không tăng học phí  - ảnh 1
Người học nghề phải đống một mức học phí tương đối thấp. MỸ QUYÊN
Được biết, việc thu học phí của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay đang thực hiện theo Nghị định 86 của Chính phủ. Cụ thể, mức trần học phí đào tạo CĐ, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2020-2021 là từ 690.000-1.000.000 đồng/tháng/người đối với bậc trung cấp và 780.000-1.140.000 đồng/tháng/người đối với bậc CĐ. Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ CĐ, trung cấp tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư là 1.435.000- 3.535.000 đồng/tháng/người (trung cấp) và 1.640.000-4.040.000 (CĐ).
Đối với các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục thì được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí bảo đảm bù đắp chi phí.
Văn bản trên đề cập đến những người học được miễn học phí là học sinh tốt nghiệp THCS học trình độ trung cấp; người học trung cấp, CĐ đối với các các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo quy định; con em người có công, người khuyết tật…
Sẵn sàng chia sẻ khó khăn trong dịch Covid-19
Lãnh đạo các trường CĐ, trung cấp cho biết việc không tăng học phí trong điều kiện dịch Covid-19 hiện nay là hoàn toàn hợp lý dù sẽ mang lại nhiều khó khăn đối với các trường ngoài công lập.
Tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, nhìn nhận: "Điều này là rất nên. Ngay cả khi Bộ LĐ-TB-XH không có văn bản đề nghị thì chúng tôi cũng tự nhận định tình hình để thực hiện. Chúng tôi không những không tăng mà năm qua còn giảm 10% học phí cho sinh viên và năm nay sẽ tiếp tục giảm 10%. Mặc dù để làm điều này, trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn do mấy năm qua số lượng người học giảm vì dịch Covid-19, nhiều hoạt động tại trường cũng phải dừng lại trong mấy tháng qua…".
Mức thu học phí tại Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn hiện nay là 7 triệu đồng/học kỳ ở các ngành ngoại ngữ, kinh tế và 9,2 triệu đồng/học kỳ ở khối y dược.
Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao, cũng chia sẻ: "Trung bình học sinh phải đóng mức học phí khoảng 1 triệu đồng/tháng. Do dịch Covid nên 2 năm nay trường không tăng học phí, khi nào hết dịch trường sẽ tính toán tiếp. Việc Bộ đề nghị không tăng học phí, tôi thấy rất hợp lý vì sẽ giúp địa phương ổn định tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn, trong đó có việc điều hành giá trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhằm ổn định và chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh người dân do ảnh hưởng của dịch".
"Bên cạnh đó, năm nay Trường Trung cấp Việt Giao sẽ hỗ trợ phụ huynh, học sinh bằng cách cho họ được lựa chọn các giải pháp tài chính linh hoạt, chẳng hạn chia nhỏ học phí từng tháng, từng thời điểm theo cam kết từ gia đình. Trường cũng cố gắng liên kết ngân hàng để hỗ trợ cho học sinh vay học phí", thạc sĩ Phương cho biết thêm.
Tại Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, Hiệu trưởng Ngô Thị Quỳnh Xuân thông tin từ năm 2020, trường đã có chính sách giảm 500.000 đồng học phí cho sinh viên nếu đóng đúng đợt (mỗi đợt cách nhau 6 tháng). "Nếu em nào có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì có thể làm đơn xin hoãn, trường sẽ giải quyết. Mới đây, trường đã có buổi gặp gỡ trực tuyến với sinh viên để động viên các em cố gắng. Trường luôn sẵn sàng hỗ trợ các em, đồng thời mong muốn các em cùng chung tay với nhà trường để cùng nhau nhau vượt qua khó khăn mùa dịch", thạc sĩ Quỳnh Xuân nói.
Mong học sinh, sinh viên trường ngoài công lập được hỗ trợ thêm
Tiến sĩ Lê Lâm đề xuất Bộ LĐ-TB-XH nên có chính sách hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên theo học các trường nghề ngoài công lập. Lý do là các em cũng đi học để phục vụ nhân lực cho đất nước nhưng lại phải đóng mức học phí cao hơn so với sinh viên trường công lập, trong khi trường công lập được nhà nước cấp kinh phí đào tạo còn trường ngoài công lập thì không. "Chính vì thế, trong lúc khó khăn này, nếu các em được hỗ trợ theo hình thức học bổng, mỗi em chỉ cần được nhận mức học bổng bằng 1/3 kinh phí nhà nước cấp cho sinh viên trường công lập đã là quá tốt", tiến sĩ Lâm nhận định.
Theo Mỹ Quyên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)