Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Dịch Covid-19 lan mạnh: Không thi mà xét tốt nghiệp, trường ĐH tuyển sinh ra sao ?

Tạp Chí Giáo Dục

Trước những mong muốn của thí sinh, phụ huynh tổ chức xét tốt nghiệp thay vì thi, trường ĐH có ý kiến ra sao?
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đại học bằng học bạ năm 2021 /// Đào Ngọc Thạch
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đại học bằng học bạ năm 2021. ĐÀO NGỌC THẠCH
Xét tốt nghiệp không trái luật
Giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT là một trong những giải pháp tiếp tục được đặt ra trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Dù không phải là biện pháp mong muốn nhưng giải pháp tình thế này vẫn có thể thực hiện trong thực tế quy định pháp luật.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là cơ sở quan trọng để nhiều trường ĐH xét tuyển. Tuy nhiên, thực tế một số địa phương như TP.HCM, dịch bệnh chưa được kiểm soát tốt, các F0 vẫn len lỏi trong cộng đồng và chờ dịp bùng phát, việc tổ chức kỳ thi vào tuần sau cần có tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Trong số các giải pháp được nêu ra, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, việc giao cho các địa phương xét tốt nghiệp thì quá đơn giản và việc này nên áp dụng đồng loạt với tất cả các địa phương trong cả nước chứ không chỉ TP.HCM.
Trong khi đó, thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế – Luật, cho rằng theo luật Giáo dục, học sinh học hết chương trình THPT, đủ điều kiện theo quy định thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc UBND cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp. Kỳ thi này trước đây là THPT quốc gia và nay là tốt nghiệp THPT.
Nhưng theo thạc sĩ Lưu Đức Quang, quy định trên buộc học sinh phải tham dự một kỳ thi mới được công nhận tốt nghiệp THPT nhưng không quy định “cứng” kỳ thi phải do Bộ GD-ĐT tổ chức. Do vậy, việc giao về các các địa phương tổ chức xét công nhận tốt nghiệp là không trái luật.
Dịch Covid-19 lan mạnh: Không thi mà xét tốt nghiệp, trường ĐH tuyển sinh ra sao ? - ảnh 1
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. NGỌC DƯƠNG
Trường ĐH sẽ có phương án tuyển sinh phù hợp
Dù thừa nhận kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT là cơ sở quan trọng để xét tuyển nhưng trong bối cảnh hiện tại, đại diện các trường ĐH đều cho rằng vấn đề an toàn của thí sinh cần được đặt trên hết.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho hay nếu giao quyền cho các địa phương thực hiện xét và công nhận tốt nghiệp thì thực hiện đồng loạt trên cả nước để tạo công bằng cho thí sinh.
Về kế hoạch tuyển sinh, theo tiến sĩ Hạ, dù các địa phương thực hiện xét tốt nghiệp cũng không ảnh hưởng đến các trường ĐH. Khi đó, các trường sẽ có cách tuyển phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Thay vì xét điểm thi, các trường có thể chuyển sang phương án xét học bạ kết hợp các tiêu chí khác. “Thay đổi phương thức xét không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh vì một thí sinh khi đã có nguyện vọng xét tuyển vào ngành, trường nào đó thì dù phương thức nào cũng đăng ký xét tuyển”, tiến sĩ Hạ phân tích thêm.
PGS-TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng nếu thi hay xét tuyển tốt nghiệp THPT thì trường cũng sẽ có phương án tuyển sinh phù hợp với thực tế. Theo ông Hải, hiện nay theo đề án tuyển sinh đã công bố, trường dành 35% tổng chỉ tiêu cho ưu tiên xét tuyển dựa vào học bạ kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh IELTS. 65% chỉ tiêu còn lại trường dành để xét kết quả thi chung. Nếu một số địa phương như TP.HCM lùi lại thi đợt 2, trường sẽ dành chỉ tiêu cho thí sinh TP này như thí sinh Đà Nẵng trong kỳ thi năm ngoái. Trường hợp phải xét tốt nghiệp, trường sẽ có phương án phù hợp cụ thể.
Cán bộ tuyển sinh và truyền thông một trường ĐH tại TP.HCM cũng cho rằng nếu phải chuyển sang xét tốt nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 kéo dài, các trường sẽ điều chỉnh phương án tuyển sinh phù hợp hơn. Hiện các trường ĐH đang sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, đặc biệt có những trường ĐH lớn chỉ dành 10 – 15% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp. Do vậy, việc tổ chức kỳ thi hay xét tốt nghiệp không ảnh hưởng đến các trường ĐH như 4 – 5 năm trước.
Theo Hà Ánh/TNO

 

Bình luận (0)