Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dịch Covid-19, sinh viên có thi trực tuyến?

Tạp Chí Giáo Dục

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, hầu hết các trường ĐH hiện đã chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, các trường đang có nhiều phương án khác nhau về thi kết thúc học kỳ, trong đó có hình thức kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến.
 .Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM trong lớp học giãn cách do dịch Covid-19  /// HÀ ÁNH

Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM trong lớp học giãn cách do dịch Covid-19. HÀ ÁNH

Trường nào sẽ thi trực tuyến ?
Một số trường ĐH đã cho sinh viên (SV) thực hiện bài thi kết thúc học phần theo hình thức trực tuyến ngay từ năm 2020.
PGS-TS Võ Trung Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), cho biết trường đã tổ chức thi trực tuyến cho toàn bộ 5.000 SV năm ngoái với tất cả học phần lý thuyết. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng cơ sở hạ tầng của người học không giống nhau nên trường cho phép SV đăng ký lựa chọn hình thức thi trực tuyến hoặc trực tiếp. Kết quả năm ngoái có tới 80% SV tham gia bài thi trực tuyến ở đợt đầu tiên, số còn lại dự thi trực tiếp khi hết dịch.
Chia sẻ về kế hoạch năm nay, PGS-TS Võ Trung Hùng cho biết hiện SV đang chuẩn bị kết thúc học kỳ. Nếu 2 – 3 tuần nữa trường vẫn chưa học tập trung trở lại, trường sẽ tiếp tục triển khai việc thi kết thúc học phần theo hình thức trực tuyến.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM hiện cũng đang lên các phương án khác nhau chuẩn bị cho việc thi kết thúc học kỳ trong thời gian tới. GS-TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho biết trường đang chờ các khoa chuyên môn đề xuất những phương án thi trong trường hợp nếu dịch bệnh kéo dài không thể thi trực tiếp tại trường. “Trong đó, việc tổ chức thi kết thúc học phần qua mạng nếu diễn ra cần đảm bảo các điều kiện hạ tầng và chất lượng kỳ thi”, GS Kiên cho hay.
Chia sẻ thêm về các hình thức thi thay thế trong điều kiện dịch bệnh, GS Kiên nói: “Tùy vào đặc thù từng môn học, hiện một số khoa của trường có đề xuất hình thức thi kết thúc học phần trực tuyến nhưng thông qua các dạng bài tập lớn hoặc đồ án. Khi đó, giảng viên có thể đánh giá trực tiếp kết quả của người học thông qua phần trình bày, trả lời câu hỏi từ hệ thống học trực tuyến”.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho biết sắp tới trường này chỉ tổ chức thi vấn đáp trực tuyến cho một vài môn như: báo cáo khóa luận tốt nghiệp, báo cáo chuyên đề… Các môn còn lại trường sẽ đợi khi dịch ổn định chuyển sang thi tập trung tại trường.
Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cũng chia sẻ hiện trường mới triển khai dạy học trực tuyến và chưa có chủ trương sẽ tổ chức thi theo hình thức này.
PGS-TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết hiện trường chưa có chủ trương thi trực tuyến từ xa. Theo ông Hải, hình thức này vẫn có thể làm được với điều kiện số lượng người học ít và nội dung kiểm tra, đánh giá phải đổi mới. “Nếu kiểm tra kiến thức theo hình thức trắc nghiệm từ xa, khó đảm bảo khách quan và không loại trừ khả năng có người bên cạnh chỉ bài cho SV”, ông Hải nói.
Thi trực tuyến trong phòng máy tại trường ?
Tính khách quan và chất lượng kỳ thi là vấn đề mà nhiều trường ĐH còn lo ngại khi quyết định lựa chọn thi trực tuyến hay tập trung tại trường.
Về việc này, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho biết: “Hiện trường đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống đề thi, phần mềm trực tuyến… Tuy nhiên, trường vẫn chưa quyết định triển khai đồng loạt do lo ngại việc khó kiểm soát được tính khách quan của kỳ thi”. Do vậy, theo ông Nhân, hình thức trực tuyến chỉ nên thực hiện ở một số môn học đặc thù. Các môn còn lại, để có kết quả tốt, công bằng và khách quan thì thi trực tuyến cũng phải tập trung tại trường. Khi đó, có địa điểm thi và người giám sát.
Đồng quan điểm này, GS-TS Nguyễn Trung Kiên cho biết trước đây Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM từng tổ chức cho SV thi trực tuyến nhưng trên hệ thống phòng máy của trường. Do vậy, nếu trong điều kiện bất khả kháng không thể thi trực tiếp, các trường có thể tính đến phương án cho SV thi trong phòng giãn cách tốt và làm bài trên hệ thống máy tính của trường. “Thi trực tuyến nhưng nếu SV ở nhà, dù gì cũng rất khó kiểm soát việc có hay không người hỗ trợ làm bài”, GS Kiên bày tỏ.
PGS-TS Trần Hoàng Hải cũng cho biết trường có chủ trương triển khai cho SV thi trực tuyến nhưng trên hệ thống phòng máy tại trường. Hình thức thi này hiện đã triển khai với SV chương trình chất lượng cao. Thời gian tới, trường sẽ xây dựng thêm các phòng máy và ngân hàng đề thi đủ lớn để có thể triển khai với SV toàn trường. “Nếu đến tháng 7 trường vẫn chưa thể tổ chức đợt thi tập trung, có thể tính phương án bố trí SV thi trong phòng máy giãn cách”, ông Hải thông tin thêm.
Theo PGS-TS Võ Trung Hùng, để tổ chức cho SV thi trực tuyến đạt hiệu quả, cần có đầy đủ các yếu tố: giảng viên có kinh nghiệm ra đề thi, ngân hàng câu hỏi đủ lớn, cơ sở hạ tầng nhà trường và người học đủ đáp ứng, quan trọng nhất là quy định giám sát chặt chẽ.
Theo ông Hùng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Đà Nẵng đã tổ chức phòng thi trực tuyến tối đa 40 SV/lượt thi thông qua hệ thống elearning hoặc Microsoft Team. Để giám sát quá trình làm bài, giảng viên yêu cầu SV bật webcam trong suốt giờ thi. Trước khi vào thi, giảng viên sẽ chụp ảnh màn hình SV trong hệ thống để nộp kèm bài thi vào dữ liệu quản lý thi của trường. “Kết quả phân tích phổ điểm kỳ thi trực tuyến năm ngoái so với kết quả thi trực tiếp các năm trước của trường cho thấy kết quả tương đương”, ông Hùng cho hay.
Theo Hà Ánh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)