Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dịch đau mắt đỏ tràn vào trường học

Tạp Chí Giáo Dục

Một học sinh tại Trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Q.4 bị bệnh đau mắt đỏ

Trong khi đại dịch cúm A/H1N1 đang bùng phát mạnh ở nhiều trường học, thì hiện nay tại TP.HCM, thêm dịch bệnh mới cũng đang lan tỏa mạnh trong các trường học – đó là bệnh đau mắt đỏ.
Nhà trường hoang mang
Tại Trường TH Nguyễn Văn Trỗi (quận 4, TP.HCM) thầy và trò vẫn dạy và học bình thường, nhưng ẩn chứa bên trong nó sự lo lắng, hồi hộp. Toàn trường hiện có 1.458 học sinh thì đã có gần 200 em bị bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc) mắc phải. Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khoảng hai tuần trở lại đây, một số học sinh có cảm giác cộm hoặc nóng trong mắt, chảy nước mắt. Sau đó mí mắt bị sưng và đỏ. Nhà trường đã mời y tế quận đến khám và điều trị cho các em nhưng tình hình không mấy khả quan”.
Cùng chung hoàn cảnh đó là Trường Mầm non Anh Đào (Q.Gò Vấp), cô Đàm Thị Bích Thúy cho hay: “Nếu đầu tuần trước chỉ có vài học sinh của trường bị đỏ thì đến nay, số lượng trẻ bị đau mắt đỏ đã tăng lên thấy rõ. Cá biệt, có lớp gần nửa số học sinh mắt đỏ hoe và sưng to phải nghỉ học”. Theo ghi nhận, tình hình bệnh đau mắt đỏ cũng xảy ra tương tự tại các trường mầm non và tiểu học tại quận Bình Thạnh, Tân Bình, quận 6, 7, 8… Theo lời một số thầy cô, không ít học sinh sau khi bị đau mắt đỏ đã lây cho các bạn ngồi cạnh, thậm chí lây cả cho giáo viên, khiến nhiều thầy cô khi lên lớp phải mang kính đen. Cô Kiều Hạnh, Trường MN phường 26, quận Bình Thạnh cho biết, với những trường hợp học sinh mắt bị sưng, nhà trường tăng cường cho các cháu uống vitamin C và chườm nước đá lạnh theo khuyến cáo của bác sĩ. Tuy nhiên, theo các thầy cô thì hiện nay các trường rất hoang mang vì không có một văn bản chỉ đạo phòng chống dịch của cấp trên. Dù dịch bệnh này xảy ra và đã bùng phát thành dịch bệnh trong một thời gian khá dài tại trường.
Phòng chống bằng cách nào?
Tiến sĩ Trần Thị Phương Thu, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM khuyến cáo: Để phòng ngừa dịch lây lan, những trường học hoặc gia đình có người mắc bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc phòng bệnh. Như người bệnh phải dùng khăn, chăn màn gối và vật dụng cá nhân riêng, đồng thời nên đeo kính khi tiếp xúc với đám đông.
Tại các trường có tổ chức lớp bán trú và nội trú, điều cấm kỵ nhất là học sinh mắc bệnh không nên cho ngủ chung với học sinh khác. Nếu có học sinh mắc bệnh, khi mắt đã sưng đỏ thì cân nhắc cho học sinh nghỉ học từ 1-2 ngày. Việc dập bệnh ngay từ đầu, sẽ hiệu quả và ít gây biến chứng và hạn chế lây lan sang mắt thứ hai hoặc lây cho người khác. “Ngay khi thấy mắt có biểu hiện bệnh, người bệnh có thể điều trị tại nhà bằng dung dịch muối sinh lý hoặc nhỏ kháng sinh Natri-Clorua. Nếu sau hai ngày không giảm thì nên đến bệnh viện khám”, bác sĩ Thu cho biết.
Bác sĩ Thắng, Trưởng khoa Giác mạc, BV Mắt TP.HCM giải thích, đau mắt đỏ là bệnh phổ biến, sẽ tự khỏi trong vòng 12 – 15 ngày, bệnh không lây khi nhìn nhau. Hiện, bệnh viện chưa tiếp nhận trường hợp nào biến chứng như viêm giác mạc, loét giác mạc, giảm thị lực, mù mắt… Tuy nhiên, có một số bệnh nhân đến điều trị “khai” tự ý mua thuốc để nhỏ. Việc sử dụng thuốc nhỏ mắt buộc phải theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng, mức độ nặng nhẹ của bệnh. Nếu bệnh do virus gây ra mà dùng thuốc chứa hoạt chất corticoid thì có khi làm tăng nhiễm khuẩn, nếu dùng lâu dài sẽ tăng nhãn áp, mỏng giác mạc, thủng giác mạc… Chú ý, đây là dạng virus gây bệnh lây từ người này sang người khác khi cầm chung vật dụng có dính ghèn, nước mắt người bệnh. Bệnh không có mùa cụ thể, nhưng thường xuyên xuất hiện “ăn theo” viêm đường hô hấp vì đây là thời điểm virus hoạt động mạnh ở vùng mũi, họng nên dễ “giao lưu” với vùng mắt, phổ biến là Adeno virus.
Thực tế hiện nay, nhiều phụ huynh chưa am hiểu nên khi thấy con mắc bệnh là buộc con phải đeo kính đen để không lây bệnh cho người khác, hoặc tự mua thuốc, đắp các loại lá cây… chữa bệnh. Điều này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, có thể dẫn đến mờ hoặc mù hay hoại tử mắt.
Chỉ trong ngày 12-10, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã tiếp nhận hơn 600 ca đau mắt đỏ. Số ca bệnh này tăng trong hai tuần gần đây, với khoảng trên 3.700 bệnh nhân – bác sĩ Diệp Hữu Thắng, Trưởng khoa Giác mạc cho biết.
 
Quang Huy

Bình luận (0)