Dịch giả khiếm thị Trần Hữu Kham |
1. Năm 1968, Trần Hữu Kham vừa theo học ở Trung tâm Nông nghiệp Quốc gia (ĐH Nông lâm ngày nay) vừa tham gia phong trào sinh viên học sinh. Ba lần bị địch bắt, ngày 24-4-1974 khi đang học năm thứ 3 ông bị đày ra Côn Đảo và bị tra tấn dã man. Ra tù, sức khỏe ông yếu hẳn đi. Trong giấy giám định y khoa cho biết ông bị viêm đa khớp nặng, suy nhược thần kinh, xuất huyết đáy mắt và nguy cơ dẫn đến mù. Mặc dù mắt ông ngày càng mờ dần nhưng ông vẫn quyết tâm học để lấy tấm bằng kỹ sư nông nghiệp và tiếp tục học cử nhân Anh văn tại chức. Làm luận văn tốt nghiệp năm 1984 nhưng mắt đau nặng, nhiều lần phải ngưng học để chữa trị, vì thế mãi đến năm 1987 mới nhận bằng tốt nghiệp. Năm 1994, vào một ngày khi ông ngủ dậy, ông không còn thấy những gì xung quanh mình. Những tưởng nỗi đau đớn ấy ông không thể vượt qua, thế nhưng ông đã vượt qua bế tắc, làm một điều kỳ diệu như những câu chuyện cổ tích. Có người bảo Trần Hữu Kham trở thành một người vô tích sự, ăn ké vào gia đình nhưng không phải vì sân si với những kết luận vội vàng ấy, ông đã chứng minh cho tất cả mọi người thấy con đường ông sẽ đi không phải là ngõ cụt. Để bắt đầu cuộc sống mới, năm 1990 ông xin dạy bộ môn tiếng Anh tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Dạy học là niềm say mê của ông nhưng rồi từ cuối mùa hè năm 1993, con đường quen thuộc mỗi ngày đến trường đã vắng bóng ông. Bệnh viêm đa khớp, di chứng của chiến tranh khiến ông không thể đến lớp. Với học trò và đồng nghiệp, ông là một người tài năng, nghị lực phi thường. Với xã hội, ông là người giàu lòng nhân ái. “Tôi biết trước số phận và đón nhận nó như một điều bình thường xảy ra trong cuộc sống. Điều khiến tôi buồn là tôi không được tiếp tục đứng trên bục giảng”.
2. Là một kỹ sư nông nghiệp, tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại chức nhưng vì bệnh tật ông không thể hành nghề kỹ sư hoặc đi dạy như mong muốn, ông lại chọn việc dịch sách. Cuốn sách đầu tiên ông dịch là Truyện cổ nước Anh (NXB Măng Non-1985). Công việc dịch sách đối với ông trong thời gian này chỉ để giải trí nhưng từ đó đến nay, cái nghề mà ông cho là tay trái đã trở thành công việc chính của ông. Ông kể lại: “Thời gian này, tự tìm tòi và dịch nhiều bản thảo để gửi đến nhiều NXB nhưng đi đến đâu ông cũng nhận những cái lắc đầu. Dịch một bản thảo hoàn chỉnh đối với một dịch giả sáng mắt đã khó, đối với tôi công việc này càng khó gấp ngàn lần. Cuốn sách đầu tiên được xuất bản như tiếp thêm cho tôi nghị lực”. Vốn giỏi hai ngoại ngữ Anh và Pháp, dễ dàng tiếp cận với nhiều đầu sách nổi tiếng trên thế giới nhưng ông lại chọn truyện cổ tích thế giới làm nơi bắt đầu. Trần Hữu Kham hóm hỉnh: “Tôi là con nít… già mê truyện cổ tích, hơn nữa với một người khiếm thị đây là loại truyện dễ dịch”. Mỗi ngày có khách đến chơi nhà, bạn bè đến trò chuyện ông đều “bắt cóc” để giúp ông dịch. Mọi người giúp ông đọc nguyên bản truyện và thu âm lại, khách ra về ông lại ngồi mở máy nghe và dịch. Tuy nhiên, khó khăn nhất với ông lúc dịch là gặp từ mới, và để cho liền mạch ông cầu cứu bất kỳ ai có thể để nhờ tra từ điển giúp.
Dịch giả Trần Hữu Kham sinh năm 1952, ở làng Hoàng Công, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Những tác phẩm đã xuất bản: Hoàng tử Chim Bồ câu trắng; Cung mèo-truyện cổ Latvia; Vua Nấm-truyện cổ Estonia; Truyện cổ Ái Nhĩ Lan; Tuyển tập truyện cổ và ngụ ngôn Vương Quốc Anh; Truyện cổ Nhật Bản, Nhật ký Nancy… do các NXB lớn và uy tín trong nước như NXB Trẻ; NXB Kim Đồng… xuất bản. Và gần đây nhất là cuốn Con gái của biển cả; Cây thuyền buồm; Bé không tên của mẹ (tháng 5-2009) được đông đảo bạn đọc đón nhận. |
Cũng trong thời gian ông cho ra lò Truyện cổ Ái Nhĩ Lan (năm 2003), ông được một người bạn thân tặng cho dàn máy vi tính. “Đã mù lại còn mù tin học, tôi không lấy làm vui khi bạn tặng máy, không tự tin để đến lớp xóa mù tin học, tôi lại được ông bạn cử con trai đến nhà dạy vi tính”. Căn nhà ông ngày càng có đông bạn bè, học trò cũ và người mê truyện cổ tích hơn. Học trò cũ của ông đến để “dạy” thầy chương trình tự điển tiếng Anh cho người khiếm thị trên máy tính. Nhờ đó, các công đoạn dịch không còn phức tạp, nặng nề như trước. Khó khăn lớn nhất ông không thể giải quyết được đó là không có chương trình tự điển tiếng Pháp cho người khiếm thị nên không thể dịch truyện có bản gốc tiếng Pháp. Từ năm 2003, việc dịch thuật của ông đơn giản hơn nhờ vào máy scan. Chỉ cần đưa bản gốc vào máy và sử dụng chương trình tự đọc, người dịch chỉ ngồi nghe và gõ lại bằng văn bản.
3. Dịch giả khiếm thị Trần Hữu Kham đã ra mắt gần 20 đầu sách độc đáo và hấp dẫn nhưng ấn tượng hơn hẳn với cuốn Nhật ký Nancy. Đây là một câu chuyện có thật của một cô bé tuổi 14 bị nhiễm HIV. Bi kịch của câu chuyện càng trở nên hấp dẫn, không nhàm chán bởi cách chuyển ngữ tài tình của Trần Hữu Kham. Nói về sự thành công ở cuốn sách này, dịch giả Trần Hữu Kham cho biết: “Đây là câu chuyện đầy xúc động, cũng như bao độc giả khác, tôi đã nhiều lần khóc khi đọc đi đọc lại bản dịch. Bên cạnh đó, tôi tìm hiểu rất kỹ về văn hóa của nước bạn đồng thời chắt lọc từ ngữ gần gũi, trẻ trung và nhẹ nhàng nhất để chuyển tải nội dung một cách trung thực. Có khi, chỉ có hai trang giấy đã ngốn của tôi hết 24 giờ”. Nếu một ai đã từng đọc Nhật ký Nancy, chắc hẳn sẽ ấn tượng bởi những câu chữ không lặp lại đơn điệu và ngôn phong cũng rất teen. Để có được vốn ngôn ngữ teen, Trần Hữu Kham lần dò đến các con hẻm gần nhà, quán nước ở cổng trường để lắng nghe chúng tán chuyện và “bỏ túi” cho công việc của mình.
Tuy An
Bình luận (0)