Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Dịch HIV/AIDS sẽ bùng phát trở lại nếu chủ quan

Tạp Chí Giáo Dục

Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia dồn tổng lực cho công cuộc phòng chống HIV/AIDS để tiến tới thanh toán đại dịch vào năm 2030.

Ảnh: Duy Tính

Ngày 1.12, Bộ Y tế và UBND TP.HCM tổ chức mít tinh cấp quốc gia hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 và hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống AIDS (1.12) hằng năm.

Chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 của Việt Nam là: Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90 – 90 – 90 vào năm 2020.
Tại buổi mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thế giới đã có hơn 36,9 triệu người nhiễm HIV hiện còn sống và 35,4 triệu người tử vong do AIDS. Mỗi năm thế giới có khoảng 2 triệu người nhiễm HIV mới.
Tại Việt Nam hiện có hơn 208.392 người nhiễm HIV còn sống, 3.000 – 4.000 người tử vong/năm. Mỗi năm cả nước có 8.000 người nhiễm mới. Hiện tai, có khoảng 50.000 người nhiễm HIV chưa được phát hiện đang sống trong cộng đồng.
Theo Bộ trưởng Y tế, năm 2018 là năm thứ 10 liên tiếp dịch HIV/AIDS tại Việt Nam được khống chế, giảm cả 3 tiêu chí: số người nhiễm mới, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số tử vong do AIDS.
Tuy vậy, sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục ngày càng chiếm chủ yếu dẫn đến việc kiểm soát dịch bệnh ngày càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, lây nhiễm HIV trong nhóm nghiệm ma túy đang có xu hướng gia tăng trở lại; lây truyền HIV trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong nhóm tuổi trẻ.
Ngoài ra, sự thiếu hụt nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống HIV/AIDS cũng là một thách thức; độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS còn hạn chế; tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV vẫn còn phổ biến. Điều này cảnh báo dịch HIV/AIDS bùng phát trở lại nếu chủ quan hay thờ ơ, không quan tâm hay tiếp tục đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.
Theo Bộ trưởng Y tế, hưởng ứng mục tiêu 90 – 90 – 90 mà Liên Hiệp Quốc phát động (90% người nhiễm HIV/AIDS biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền cho người khác), ngay từ năm 2014 Chính phủ Việt Nam đã là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cam kết hưởng ứng mục tiêu này.
Liên Hiệp Quốc cũng khuyến cáo các quốc gia cần dồn tổng lực để đạt các mục tiêu này vào năm 2020, đó là cơ sở và là điều kiện cần thiết để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Chỉ còn 2 năm nữa để phấn đấu mục tiêu 90 – 90 – 90 và nếu muốn kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, Bộ trưởng Y tế kêu gọi lãnh đạo các cấp, ngành, tổ chức, người dân… cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để nhiều người dân tiếp cận dịch vụ dự phòng không bị lây nhiễm HIV, người có nguy cơ tiếp cận dịch vụ xét nghiệm, người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị thuốc ARV sớm và tuân thủ điều trị hiệu quả; để người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế để được điều trị lâu dài, bền vững.
Bộ trưởng Y tế cũng kêu gọi sự quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác phòng chống HIV/AIDS và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để công cuộc phòng chống HIV/AIDS của Việt Nam đạt hiệu quả như mong muốn.

Đã có thuốc ngừa nhiễm HIV

Bộ Y tế, Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và tổ chức phi lợi nhuận y tế toàn cầu PATH cũng đã phối hợp khởi động chương trình PrEP quốc gia nhằm giảm ca nhiễm mới HIV bằng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm. Như vậy, Việt Nam trở thành nước thứ hai ở châu Á, sau Thái Lan, triển khai chương trình ở cấp quốc gia. Trước đó, từ tháng 6.2017, chương trình đã thí điểm dịch vụ PrEP ở TP.HCM và Hà Nội đã giúp gần 2.000 người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao được sử dụng thuốc.

Giai đoạn 2018 – 2020 hướng đến mục tiêu cung cấp dịch vụ PrEP cho ít nhất 7.300 người tại 11 tỉnh thành. PrEP cho phép những người chưa bị nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao dự phòng bằng cách uống mỗi ngày một viên thuốc để ngăn ngừa sự xâm nhập của vi rút gây ra nhiễm HIV. Sử dụng PrEP đúng cách có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HIV đến 92%. Có thể ngừng PrEP 28 ngày sau lần phơi nhiễm HIV cuối cùng.

Phó giáo sư Phan Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS,  cho biết để chăm sóc tốt cho những người tham gia PrEP, Cục sẽ cung cấp đầy đủ kiến thức về dự phòng các bệnh lây truyền qua đường tình dục bao gồm cả HIV, đồng thời  cũng sẽ đàm phán với các nhà cung ứng thuốc PrEP để giảm chi phí điều trị giúp cho những người có nhu cầu có thể dễ dàng tiếp cận PrEP.

Theo Duy Tính/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)