Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Dịch sách Việt: Vẫn là câu chuyện dài

Tạp Chí Giáo Dục

Thiếu một quỹ dịch thuật khiến những cuộc tìm lối cho văn học Việt ra thế giới cho đến nay vẫn còn là con đường “tự thân vận động”.

Trong khuôn khổ chuỗi workshop dịch thuật văn học Hàn Quốc năm 2024 (Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường đại học Văn Lang phối hợp cùng Hội Nhà văn TPHCM tổ chức), buổi giao lưu chủ đề “Văn học trẻ đương đại Việt – Hàn và văn học hai nước trong bối cảnh toàn cầu” vừa diễn ra tại TPHCM.

Sự kiện được Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc tài trợ, với sự tham gia của 2 đại diện từ xứ kim chi: nhà văn Choi Eun Young và giáo sư Kim Jae Yong (Đại học Wonkwang, Tổng biên tập Tạp chí Văn học toàn cầu Hàn Quốc); cùng các nhà văn Trần Văn Tuấn, Huỳnh Trọng Khang và dịch giả Hiền Nguyễn – Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch TPHCM.

Sự kiện Gặp gỡ văn chương Việt - Hàn lần thứ hai do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức  - Nguồn ảnh: Hội Nhà văn TPHCM

Sự kiện Gặp gỡ văn chương Việt – Hàn lần thứ hai do Hội Nhà văn TPHCM tổ chức. Nguồn ảnh: Hội Nhà văn TPHCM

Bên cạnh những chia sẻ về tác giả, tác phẩm của văn học trẻ đương đại 2 nước, buổi giao lưu cũng có những trao đổi về việc giới thiệu văn học nước nhà ra thế giới. Đây cũng là vấn đề luôn được quan tâm, bàn luận trong nhiều cuộc giao lưu, tọa đàm văn chương những năm qua. Kinh nghiệm từ việc lan tỏa, quảng bá văn học Hàn Quốc nói riêng cũng như câu chuyện về chiến lược xuất khẩu sách ra thế giới từ nhiều nước đã được các nhà văn/nhà làm sách các nước chia sẻ. Nhiều khó khăn, thử thách đều được nhận diện rõ nhưng chưa có giải pháp hiệu quả. Những người cầm bút, các dịch giả tâm huyết cũng như nhà làm sách và hội nhà văn đều nỗ lực thúc đẩy các hoạt động giao lưu, quảng bá tác phẩm trong nước. Thế nhưng, thiếu một quỹ dịch thuật cũng như sự quan tâm đầu tư từ phía Nhà nước khiến những cuộc tìm lối cho văn học Việt ra thế giới cho đến nay vẫn còn là con đường “tự thân vận động”.

Nhà văn Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM – cho biết: “Việc tổ chức gặp gỡ, giao lưu với các nhà văn quốc tế là hoạt động cần thiết, nhằm góp phần quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới và ngược lại. Đây còn là nhu cầu cấp thiết, bởi sứ mệnh văn chương là khám phá và nuôi dưỡng cái đẹp của tâm hồn. Quảng bá văn chương chính là quảng bá cái đẹp cốt lõi của con người, của dân tộc, quốc gia”. Thông qua các hoạt động giao lưu, kết nối văn học giữa 2 nước, Hội Nhà văn TPHCM đã xuất bản được 2 tập thơ song ngữ Việt – Hàn: Cây tâm hồn, gồm các nhà thơ từ TPHCM và TP Daegu.

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi – Ủy viên Hội đồng Văn học dịch TPHCM, Giám đốc Chibooks – trong nỗ lực cá nhân đã bán được bản quyền chuyển ngữ và phát hành các tác phẩm thuộc Tủ sách Văn hóa Việt sang Trung Quốc. Mới đây, tập thơ song ngữ Việt – Anh của phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thanh Bình – Chim xanh tiếng hót xanh trời (Blue birds singing out to blue sky) – được Nhà xuất bản Ukiyoto (Canada) phát hành toàn cầu. Tác giả nguyên là Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy. Trước đó, ông từng có các tập thơ song ngữ: Khúc giao hòa, Cung đàn thơ, Lên núi cao thổi sáo, Cầu vồng nhỏ, Ba áng mây và núi…

Tác phẩm được giới thiệu ra nước ngoài là niềm vui của người cầm bút, nhưng rất ít nhà văn có thể tự mình kết nối, quảng bá tác phẩm ra nước ngoài. Các đơn vị làm sách/xuất bản đã và đang ngày càng chủ động hơn trong việc giới thiệu, xuất khẩu sách Việt ra thế giới. Song đây vẫn sẽ còn là câu chuyện dài và tiếp tục là “con đường khó đi” nếu không nhận được sự quan tâm và đầu tư chiến lược bài bản, xứng tầm từ phía Nhà nước.

Theo Song Giang/PNO

 

Bình luận (0)