Y tá đang chăm sóc cho bệnh nhi bị sốt xuất huyết (ảnh chụp sáng 7-4 tại Bệnh viện Nhi đồng 1)
|
Sốt xuất huyết thường xuất hiện vào mùa mưa, nhưng nay lại xuất hiện và tăng đột biến trong mùa nắng nóng. Tình trạng trẻ bị sốt xuất huyết nhập viện ồ ạt đã minh chứng cho điều đó.
Sốt xuất huyết xuất hiện ở nhiều nơi
Sốt xuất huyết không chỉ có ở TP.HCM, mà còn đang xảy ra ở khắp các tỉnh. Em Bùi Xuân Bắc, 12 tuổi, học sinh Trường THCS Tân Vĩnh Hiệp A (Tân Uyên, Bình Dương) nằm trên chiếc băng ca, trong khi chờ giấy nhập viện của BS tại phòng nhận bệnh của Khoa Sốt xuất huyết ở Bệnh viện Nhi đồng 2. Bắc được mẹ tức tốc đưa vào TP.HCM khám bệnh với các dấu hiệu sốt cao trên 38 độ, nôn ói và ngủ li bì. Ở khu khám dịch vụ của bệnh viện, người đông như nêm, tiếng trẻ con khóc, người đứng, người ngồi lố nhố chen chúc. Nhiều trẻ em cũng có dấu hiệu như Bắc nằm ngủ thiêm thiếp ở hành lang khu dịch vụ trong khi chờ kết quả xét nghiệm máu vào đầu giờ chiều. Cách đó không xa, bé Đặng Thị Kiều Anh, 6 tuổi, học sinh Trường Mầm non Hòa Thắng (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, Phú Yên) được cha mẹ đưa từ Phú Yên vào. Mẹ bé cho hay bé bị sốt cao đã 4 ngày, đau đầu nhiều, ăn uống không được và thường nôn ói. Vợ chồng chị bỏ công bỏ việc đưa con vào đây điều trị.
Hơn một tuần nay, Khoa Sốt xuất huyết của Bệnh viện Nhi đồng 1 luôn trong tình trạng quá tải vì trẻ sốt xuất huyết nhập viện tăng. Em Nguyễn Quang Huy, học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (huyện Đắk Song, Đắk Nông) nhập viện hôm 6-4 với tình trạng sốt 39,5 độ, toàn thân nổi những nốt chấm đỏ li ti và lúc nào cũng ngủ li bì. Huy phải nằm ngoài hành lang vì phòng 317, nơi em được chỉ định vào chật cứng bệnh nhi. Một ngày sau, em mới có chỗ nằm trong phòng. Chấp nhận cho con nằm chung với 2-3 bệnh nhi khác, cảm giác ban đầu không mấy dễ chịu, đó là tâm trạng của phụ huynh bé Nguyễn Minh Mẫn Linh, 15 tháng tuổi, đến từ Tiền Giang. “Vợ chồng tôi chở con bằng xe máy từ Bệnh viện Tiền Giang lên đây, vì chữa trị ở dưới đó không thuyên giảm. Ở đó cũng đầy bệnh nhi và cả người lớn bị sốt xuất huyết. Mình phải lo cứu con mình trước”, cha của bé Linh cho biết thêm.
Không như hai bệnh nhi trên, bé Thi Lam, 3 tuổi đến từ xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang được đưa vào phòng cấp cứu ngay vì tình trạng bệnh đã chuyển nặng. “Lên tới đây là con bé đã bèo nhèo lắm, lúc nào nó cũng ngủ, người sốt cao 39,5 độ, nôn ói liên tục, mắt thì lờ đờ, mỗi ngày chỉ uống vài ba muỗng sữa”, ông Lê Văn Ớ, ông nội của bé Lam thuật lại với vẻ xót xa.
Dấu hiệu nhận biết và biện pháp khắc phục
BS. Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM nói rằng sốt xuất huyết thường chỉ xuất hiện vào mùa mưa, từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm. Tuy nhiên, thời điểm này đang là mùa nắng nóng nhưng dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng là điều đáng lo. BS. Dũng lưu ý rằng so với cùng kỳ năm ngoái thì từ đầu năm 2014 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết tăng đến 28%.
Theo BS. Dũng, có thể do tác động của biến đổi khí hậu, những cơn mưa trái mùa, những hố ngập nước ở các công trình đang thi công dang dở, những khu vực có nước tù đọng do triều cường hoặc do sự ngăn lấp dòng chảy ở một số địa bàn ven kênh rạch… đã tạo môi trường thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản. Từ đó, muỗi vằn có thể đẻ trứng vào các bể chứa nước mưa, vũng ngập nước tù đọng… và sinh sản, gia tăng số lượng rất nhanh, tạo ra những ổ dịch sốt xuất huyết giữa mùa nắng, mùa khô.
Theo ThS.BS Nguyễn Hoàng Mai Anh, hầu hết trẻ bị sốt xuất huyết đều có thể theo dõi tại nhà. Phụ huynh khi phát hiện những dấu hiệu có liên quan đến sốt xuất huyết, thì có thể chăm sóc và theo dõi trẻ tại nhà bằng cách cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo toa của BS và cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu. Tuy nhiên, phụ huynh cần theo dõi các dấu hiệu một cách sát sao, kịp thời phát hiện những dấu hiệu trở nặng để đưa trẻ đi khám lại ngay vì trẻ có thể trở nặng với những biến chứng nguy hiểm như sốc chân tay lạnh, mạch nhẹ khó bắt, tụt huyết áp và dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không điều trị kịp thời.
BS. Mai Anh lưu ý rằng phụ huynh cần theo dõi và phát hiện sớm dấu hiệu bệnh trở nặng hay dấu hiệu cảnh báo để cho trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời (thường vào các ngày thứ 3 đến thứ 6 của bệnh, ngay cả khi trẻ đã hết sốt). Cần cho trẻ đi khám ngay nếu thấy có những biểu hiện như ói mửa nhiều lần, đau bụng, bứt rứt quấy khóc, lừ đừ, li bì, chân tay lạnh, rịn mồ hôi, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, ói ra máu, đi tiêu phân đen, bỏ ăn, bỏ bú, nằm một chỗ, không vui chơi như bình thường, than mệt.
Bài, ảnh: Bích Vân
Ý thức người dân rất quan trọng
BS. Nguyễn Trí Dũng cho biết, trong tháng 3-2014 vừa qua, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã phát hiện hơn 200 ụ chứa nước trên địa bàn phường Phú Hòa, quận Tân Phú chứa đầy muỗi. Lập tức, ngành y tế dự phòng thành phố đã yêu cầu y tế địa phương xử lý và san lấp những ụ chứa nước này. Do đó, theo ông Dũng, ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết của người dân là rất quan trọng, vì không có nước đọng sẽ không có muỗi, không có sốt xuất huyết.
|
Bình luận (0)