Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Dịch sốt xuất huyết gia tăng – Đủng đỉnh phòng ngừa

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù đã được khuyến cáo dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) có thể bùng phát khi mùa mưa đang tới nhưng nhiều địa phương vẫn “đủng đỉnh” trong phòng ngừa! Thậm chí, một số nơi viện lý do “hụt” ngân sách hoặc tiền quá ít không đủ trang trải phòng dịch… Với thái độ thụ động như vậy, Bộ Y tế đang khuyến cáo bùng phát dịch SXH trong năm 2015 nếu không tăng cường các biện pháp phòng ngừa.
Nguy cơ bùng phát mạnh
TPHCM ghi nhận năm 2014 có số ca mắc SXH và tử vong giảm so với năm 2013. Tuy nhiên, bước qua năm 2015, dịch bệnh đã bắt đầu có chiều hướng gia tăng trở lại. Nhiều ca bệnh phải nhập viện và đã có ít nhất 2 trường hợp tử vong.
Điển hình như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị B. (32 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng xuất huyết chân răng, đi cầu phân đen, chảy máu mũi… Qua các kết quả thăm khám và xét nghiệm, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới kết luận bệnh nhân bị SXH, suy đa tạng rất nặng. Tuy các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhân vẫn rơi vào hôn mê sâu, lệ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Sau hơn 1 tháng nằm viện, bệnh nhân đã tử vong hồi giữa tháng 2-2015…

Trong buổi giao ban y tế quận, huyện tháng 4 vừa qua, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, năm 2014 đỉnh dịch SXH kết thúc muộn nên đã kéo sang cả những tháng đầu năm 2015. Ở tháng đầu của năm, số ca bệnh có tuần lên tới hơn 400 ca, nhưng từ tuần thứ 9 trở đi bệnh đã bắt đầu giảm, đến tuần thứ 13, toàn thành phố chỉ còn 150 ca bệnh SXH nhập viện. Tuy số ca bệnh có giảm, nhưng so với cùng kỳ năm 2014, SXH đang ở mức cao hơn và thống kê cho thấy đã tăng 41% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, ổ bệnh SXH đang tồn lưu tại nhiều quận, huyện, tiềm ẩn nguy cơ lây lan và bùng phát trên diện rộng khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Chỉ tính riêng trong tháng 3, toàn thành phố có tới 19 phường, xã có ca bệnh nhập viện liên tiếp. Tính riêng tại huyện Củ Chi, số ca bệnh tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, nhiều quận, huyện khác như Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Tân Phú… SXH cũng đang diễn biến phức tạp. “Có những quận, huyện năm nào cũng dẫn đầu bảng về dịch SXH mà công tác phòng ngừa vẫn chưa hiệu quả”, ông Hưng cho biết.

Nhiều ca sốt xuất huyết nặng ở các tỉnh được chuyển đến điều trị tại nhiều bệnh viện lớn ở TPHCM. Ảnh: Hải Thụy

Cùng với TPHCM, các tỉnh, thành khác cũng được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu “điển hình” về dịch SXH hoành hành như Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ, Long An… Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, các tỉnh Đông Nam bộ và ĐBSCL luôn tiềm ẩn dịch SXH, nhất là khi mùa mưa đến. Ông cảnh báo số ca mắc và tử vong do SXH ở khu vực phía Nam trong 14 tuần đầu năm 2015 tăng mạnh so với cùng kỳ 2014, có xu hướng bùng phát dịch trên toàn khu vực phía Nam vì tỷ lệ lưu hành virus Dengue trong cộng đồng cao, do mưa nắng thất thường.
Phòng chống: ầu ơ ví dầu!
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), băn khoăn vì năm 2014 số ca mắc và tử vong do SXH thấp nhất trong 10 năm qua (giảm 51,8% ca mắc, giảm 52% ca tử vong so với năm 2013), nhưng không hiểu lý do gì mới 3 tháng đầu năm 2015 đã tăng vọt.
“Một số tỉnh gần như có thái độ chủ quan, thiếu trách nhiệm”, ông Phu thẳng thắn nói tại Hội nghị tăng cường phòng chống dịch bệnh SXH năm 2015 vừa tổ chức ngày 14-4 tại TPHCM. Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng không khỏi lo lắng vì nhiều địa phương vẫn chưa quyết liệt phòng chống dịch SXH, thậm chí quá thụ động, trông chờ vào nhiều thứ. Thứ trưởng đã phê bình một số địa phương là đô thị lớn nhưng không dám cam kết kiểm soát loại dịch bệnh nguy hiểm này, trong đó có TPHCM. Trong khi đó, đại diện Sở Y tế TP Cần Thơ cho rằng số ca mắc SXH vẫn nhiều và đã tiến hành các chiến dịch vệ sinh, tuyên truyền nhưng hiệu quả chưa cao. Lý do là kinh phí quá “hẻo” nên làm chưa tới! Đại diện sở y tế một số tỉnh, thành Đông Nam bộ cũng nêu những khó khăn về nhân lực, vật lực khiến công tác phòng chống dịch SXH chưa đến nơi đến chốn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, năm 2015 dự báo dịch SXH sẽ diễn biến phức tạp, khó kiểm soát do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ông yêu cầu nêu cao trách nhiệm của chính quyền các địa phương cũng như ngành y tế các tỉnh, thành trong việc quan tâm chỉ đạo công tác phòng chống SXH, huy động vai trò tham gia của cộng đồng.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, trong 3 tháng đầu năm 2015, cả nước ghi nhận 8.320 trường hợp mắc SXH tại 40 tỉnh, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, có 6 ca tử vong tập trung ở các tỉnh khu vực phía Nam như TPHCM, Đồng Nai, Long An và Đồng Tháp. Số ca mắc SXH ở khu vực phía Nam đã cao hơn so với cùng kỳ năm 2014, số ca mắc SXH do virus Dengue cũng được phát hiện với tỷ lệ cao.

TƯỜNG LÂM

(SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)