Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dịch sốt xuất huyết và virus Zika: Mối nguy từ muỗi!

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 29-11, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP đã có buổi làm việc với các bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, Từ Dũ và Nhiệt đới về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) và bệnh do virus Zika.

Đoàn HĐND TP.HCM giám sát công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết và virus Zika tại BV Nhi đồng 1 ngày 29-11. Ảnh: Q.Huy

Các BV ứng phó tốt với virus Zika 

Báo cáo cùng đoàn, BS Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc BV Nhi đồng 1 cho biết, BV đã chuẩn bị trang thiết bị, phòng ốc và triển khai phòng khám lọc bệnh do virus Zika (C1) tại Khoa Khám bệnh nhi có yêu cầu; triển khai khu cách ly Khoa Nhiễm khi có bệnh nhân nhiễm virus Zika cần điều trị nội trú. Riêng trẻ sơ sinh có tật đầu nhỏ, nghi ngờ biến chứng do mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai sẽ được nằm theo dõi tại Khoa Sơ sinh; khi có dịch xảy ra, các đội cơ động điều trị nhiễm virus Zika sẽ được thành lập để hỗ trợ phòng chống bệnh”.

BS Hùng cho biết thêm, từ khi dịch bùng phát tại TP.HCM, qua khám và sàng lọc tại BV chưa phát hiện ca nhiễm virus Zika nào. Đối với bệnh SXH, tính đến hết ngày 20-11, BV đã khám, tầm soát cho trên 7.500 ca, có 3.142 bệnh nhi nhập viện điều trị (TP có 1.558 cháu còn lại là ở các tỉnh).

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Giám đốc BV Nhiệt đới – cũng cho biết: BV đã thực hiện khám sàng lọc, điều trị ngoại trú cho 55 trường hợp nghi ngờ, giám sát lấy mẫu gửi Viện Pasteur theo quy định của Bộ Y tế; BV cũng đã tiếp nhận 12 bệnh nhân có chỉ định nhập viện theo quy định, cho vào cách ly tại Khoa Nhiễm D. Từ ngày 22-10, Khoa Xét nghiệm đã thực hiện được 22 mẫu xét nghiệm, trong đó 13 thai phụ; 1 nữ; 2 nam; 6 trẻ em được gửi RT – PCR virus Zika.

Đại diện Bệnh viện Từ Dũ báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh tại buổi giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP. Ảnh: Q.Huy

BS Trương Hữu Khanh (BV Nhi đồng 1) khuyến cáo: “Người dân không nên quá hoang mang về căn bệnh Zika, bởi đây là căn bệnh đã ghi nhận từ lâu và biểu hiện bệnh rất nhẹ với người bình thường. Chỉ riêng với phụ nữ mang thai là có nguy cơ cho thai nhi, nhưng không phải tất cả các trường hợp nhiễm virus Zika đều gây hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Đặc biệt, căn bệnh này lây qua muỗi Aedes đốt nên hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách ngăn ngừa muỗi đốt. Theo đó, để phòng bệnh, mọi người cần diệt muỗi, diệt lăng quăng, mặc quần, áo dài, mặc vải màu sáng, ngủ màn, diệt, đuổi muỗi bằng các phương pháp dân gian. Riêng ở trẻ em, biểu hiện bệnh khi nhiễm virus Zika đa số nhẹ hơn so với người lớn. Hiện trên thế giới chưa có ghi nhận trường hợp trẻ tử vong hay ảnh hưởng thần kinh sau khi nhiễm virus Zika”.

Tại BV Từ Dũ, TS.BS Lê Quang Thanh – Giám đốc BV – cho biết: BV đã ban hành quy trình quản lý, điều trị cho bệnh nhân vì thai phụ khi đến thăm khám tại BV đều có nhu cầu tầm soát về virus Zika. Qua đó, phát hiện có 9 thai phụ nhiễm virus Zika/26.240 thai phụ. Trong 9 thai phụ bị nhiễm có 1 trường hợp sẩy thai tự nhiên và 1 trường hợp tự nguyện bỏ thai nhi do mang thai ngoài ý muốn, 1 trường hợp vừa sinh con tối qua (đêm 28-11) không phát hiện thai nhi có biểu hiện đầu nhỏ, 6 trường hợp thai phụ còn lại đang theo dõi, điều trị.

Không ai miễn nhiễm với virus Zika

BS Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1 – cảnh báo: “Trứng muỗi có thể tồn tại trong điều kiện khô, hanh… từ 3-4 tháng. Chỉ cần có mưa nhỏ hoặc ẩm ướt trứng sẽ nở thành muỗi và nam giới cũng không “miễn nhiễm” với virus Zika…”.

Trong khi đó, BS Hùng tỏ ra lo lắng khi người dân còn “thờ ơ” với dịch bệnh do virus Zika; công tác tuyên truyền chưa “quyết liệt”.

Giải thích về việc truyền bệnh từ muỗi, TS.BS Châu khuyến cáo người dân không nên hoang mang rằng con muỗi bệnh sau khi chích và truyền bệnh sẽ tiếp tục chích và truyền bệnh ngay cho người khác. Vì phải sau 10 ngày khi nó chích, người khác mới có thể bị bệnh. Và người dân cần lưu ý, nếu trong gia đình có người nghi ngờ bị SXH hoặc bị virus Zika thì phải đi khám bệnh ngay và vệ sinh nhà cửa, phát quang cây cối…

Bà Thi Thị Tuyết Nhung – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP – cho rằng: Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền của các cấp chính quyền và tại các BV tới người dân của TP được làm rất tốt. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số điểm cần phải khắc phục, đó là một bộ phận chính quyền cơ sở, người dân nhất là nam giới còn chủ quan vì cho rằng mình không thể nhiễm virus Zika; nhiều khu chung cư cao cấp khi đoàn đi giám sát rất sạch sẽ, nhưng lại có bệnh nhân nhiễm virus Zika. Vì vậy, công tác tuyên truyền tới xã hội và người dân phải được làm tốt hơn nữa, chính quyền cấp cơ sở phải có phương cách quyết liệt để các cán bộ, nhân viên làm công tác phòng chống dịch tiếp cận được những khu chung cư đang xây dựng để tuyên truyền, vận động kỹ sư, công nhân cùng giữ gìn vê sinh chung và tham gia phòng chống dịch virus Zika, nhất là diệt lăng quăng. Vì khi không có muỗi sẽ không có SXH và Zika”.

Lê Quang Huy

Bình luận (0)