Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Dịch tay – chân – miệng bùng phát

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh tay-chân-miệng (TCM) đang bùng phát mạnh tại TP.HCM, đúng thời điểm bước vào năm học mới.

Bệnh tay-chân-miệng (TCM) đang bùng phát mạnh tại TP.HCM, đúng thời điểm bước vào năm học mới. Các bác sĩ (BS) cảnh báo, nếu không ý thức việc phòng bệnh, nhiều trẻ sẽ trở bệnh nặng vì phát hiện trễ.

Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM đã thành lập các đoàn kiểm tra, đồng thời đẩy mạnh công tác vệ sinh khử khuẩn ở các cơ sở giáo dục.

Dich tay - chan - mieng bung phat
Dịch chân – tay – miệng bùng phát mạnh tại TP. Hồ Chí Minh

Tăng 55%

Sáng 17/9, Khoa Nhiễm – thần kinh, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 có gần 90 trẻ mắc TCM nhập viện điều trị nội trú, trong đó có ba ca biến chứng nặng đang được cấp cứu. Ba trẻ này có biểu hiện khó thở, cao huyết áp, giật mình nhiều.

Tại hai phòng cuối hành lang của khoa dành cho trẻ mắc TCM nhẹ và đang theo dõi, đông nghẹt trẻ dưới ba tuổi. Mỗi phòng có chín giường nhưng mỗi giường phải nằm ghép đến ba bé.

Nhiều phụ huynh không chịu được cảnh tù túng đã trải chiếu, đưa con ra nằm dọc hành lang. Nhiều người còn lấy thêm chiếu che nắng, phân thành từng lô cho cả gia đình “trú ẩn”.

Chị Lan – mẹ bé gái N.Đ.H.O. (43 tháng tuổi, nhà ở tỉnh Bình Dương) lo âu: “Cháu đang học lớp mầm, không hiểu lây bệnh từ đâu mà cách đây ba-bốn ngày, cháu bị nóng, sốt. Khi tôi đưa cháu đến BV địa phương thì BS nghi mắc sốt xuất huyết. Sợ quá, tôi ôm con lên BV Nhi Đồng 1 khám thì mới biết bé bị TCM. BS đề nghị nhập viện để theo dõi”.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh, BV Nhi Đồng 1 cảnh báo: Bệnh TCM thường có hai đợt chính trong năm, đợt dịch đầu năm nay có ít trẻ mắc, nhưng đợt này bệnh lại tăng mạnh.

Bệnh bắt đầu tăng vào giữa tháng Tám và tăng nhanh khi mùa tựu trường bắt đầu. Nếu trước đó mỗi ngày có từ 30-40 ca nội trú thì hiện nay đã tăng gấp đôi. Trẻ mắc bệnh chủ yếu dưới ba tuổi, nhưng cũng có nhiều trẻ mẫu giáo mắc bệnh.

Tại Khoa Nhiễm – BV Nhi Đồng 2 mỗi ngày có 50 ca TCM điều trị nội trú. BS Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm cho biết, bệnh TCM nhập viện tăng trong khoảng một-hai tuần gần đây, trước đó chỉ có 10-20 ca nội trú.

60-70% ca bệnh TCM dưới ba tuổi, số còn lại là những trẻ đang đi học mẫu giáo nhưng không rõ nguồn lây. Cha của bé trai H.S.D. (ba tuổi, nhà ở Q.Bình Thạnh) kể:

“Lúc đầu bé bị lở miệng nhưng gia đình nghĩ trầy hoặc nổi nhọt do nóng nên không đưa đi khám mà cho bé uống nước cam, vitamin… Sau đó, bé nóng sốt, xuất hiện bóng nước ở lòng bàn chân…”.

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP.HCM cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn TP có khoảng 5.000 ca TCM, thấp hơn khoảng 27% so với cùng kỳ năm 2014 nhưng riêng hai tuần gần đây, số ca TCM lại tăng mạnh.

Mỗi tuần có khoảng 250 ca nhập viện, tăng 55% so với số ca bệnh trung bình của bốn tuần trước đó. Những quận/huyện có số ca bệnh tăng mạnh gồm: Q.10, Q.Gò Vấp, Q.Tân Bình, H.Hóc Môn.

BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc TTYTDP cho biết: nhân năm học mới, TTYTDP đã chỉ đạo các quận/huyện triển khai vệ sinh khử khuẩn môi trường ở các trường mầm non và nhóm trẻ trên địa bàn để kịp thời giám sát phát hiện ngăn chặn sự lây lan.

Thực tế, số trẻ đi học mắc TCM vẫn có nhưng đến nay TP chưa ghi nhận xuất hiện ổ dịch TCM nào từ trường học, nhóm trẻ.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo: Bệnh TCM xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Tại VN, số ca bệnh thường có xu hướng tăng từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12.

Riêng tháng Chín là thời gian trẻ tập trung học tại trường, nguy cơ lây lan bệnh rất cao nếu các trường học, đặc biệt là cơ sở mầm non, nhóm trẻ không thực hiện triệt để các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ như phải bố trí đủ bồn rửa tay có vòi nước và xà phòng ở những vị trí thuận lợi cho học sinh rửa tay, rửa phải đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…

Theo PNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)