30% số ca tập trung ở trường học
Các bé đang điều trị bệnh tay chân miệng tại BV Nhi đồng 1 chiều 16-8. Ảnh: Q.Huy |
Sáng 15-8, tại Viện Pasteur TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì Hội nghị tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng (TCM) khu vực phía Nam.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước có khoảng 32 ngàn ca TCM, trong đó có 81 ca tử vong. Điều đáng báo động là bệnh TCM không chỉ xuất hiện ở các tỉnh phía Nam mà lan ra các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Bà Kim Tiến khẳng định: “51 tỉnh, thành phố có ca bệnh, như vậy là dịch đã bùng phát chứ không còn là có nguy cơ bùng phát nữa”…
Mắc TCM, có thể tử vong nhanh
PGS.TS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết: “Tính đến tuần thứ 32 của năm 2011, 20 tỉnh, thành phía Nam có 25.723 trường hợp mắc TCM, trong đó có 74 ca tử vong. Số ca mắc tăng 394% và số tử vong tăng 1.116,6% so với cùng kỳ năm 2010. Tình hình bệnh TCM bắt đầu tăng từ tuần 13 và tăng nhanh từ tuần 17, đặc biệt từ tuần 20. Các kết quả xét nghiệm cho thấy, 36,7% là do virus EV71, 66% bệnh nhân nhiễm virus này tử vong”…
TP.HCM tiếp tục là địa phương dẫn đầu về số ca mắc TCM: 7.352 ca với 22 trường hợp tử vong. Số ca bệnh bắt đầu tăng cao từ cuối tháng 3, hai tuần trở lại đây có chiều hướng giảm nhưng không đáng kể. “Khoảng 90% ca bệnh từ 3 tuổi trở xuống; 70% số ca mắc tập trung ở gia đình, chỉ còn 30% là ở trường học. Thường thì các bé nhiễm ở nhà và đem bệnh vào trường”, bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, từ đầu năm đến nay có 7.181 ca TCM đến khám và điều trị, trong đó TP.HCM chiếm 44,6%. Tổng số ca tử vong là 33 ca, trong đó TP.HCM là 11 ca. Qua các trường hợp tử vong cho thấy, từ lúc phát bệnh đến khi tử vong chưa tới 4 ngày. Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Từ khi bệnh TCM bùng phát, bệnh viện vốn quá tải lại càng quá tải. Hiện nay trung bình mỗi ngày có hơn 7 ngàn bệnh nhân nội, ngoại trú, trong đó nội trú là 1.888 ca với 1/3 ca nặng. Riêng bệnh TCM, mỗi ngày có từ 80-100 ca nhập viện, với 3-5 ca rất nặng. Theo đó, chúng tôi phải dành nguyên Khoa Nhiễm để tiếp nhận bệnh. Những ca độ 2b nằm ở phòng cấp cứu của Khoa Nhiễm, các ca độ 3 và độ 4 nằm ở Khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện”.
Rửa tay để nói không với bệnh TCM
|
Trước diễn tiến của dịch bệnh TCM, TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh: “Việt Nam có số ca TCM tử vong cao thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc. Hiện TCM có số trường hợp tử vong đứng đầu trong các bệnh truyền nhiễm ở nước ta. Tháng 9, tháng 10 và tháng 11 sẽ có số ca mắc nhiều hơn các tháng khác trong năm”…
Vậy làm sao để có thể giảm được số ca mắc cũng như ca tử vong trong thời gian tới? Đây là một vấn đề mà cả xã hội đang đòi hỏi ngành y tế phải nhanh chóng giải quyết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn bức xúc: “Hiệu quả của công tác phòng chống dịch còn thấp, chúng ta chưa phổ biến được tới tận người dân, vẫn chưa tìm đúng chỗ cần dập dịch”.
Theo báo cáo của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy, số trẻ mắc TCM nhiều nhất là 1 tuổi (chiếm 34,93%), 2 tuổi (31,88%). Trẻ ở lứa tuổi này thường ở nhà, nếu đi học phần lớn là học tại các nhóm trẻ gia đình, bởi trường mầm non công lập chủ yếu nhận trẻ từ 3 tuổi trở lên. Chính vì vậy công tác truyền thông tới hộ gia đình là hết sức quan trọng.
Ông Đặng Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương đưa ra thông điệp truyền thông phòng chống bệnh TCM là: “Phải rửa tay cho trẻ nhiều lần/ngày, không cho trẻ mút tay và ngậm đồ chơi. Người lớn chăm sóc trẻ cũng phải rửa tay trước khi chăm sóc trẻ và sau khi đi vệ sinh”.
Lâu nay các địa phương vẫn cho rằng bột cloramin B là “vũ khí sắc bén nhất” để phòng chống dịch bệnh TCM. Theo đó nhiều địa phương đã phát thuốc này cho hộ gia đình. Tuy nhiên lại quên tập huấn việc pha chế dung dịch. Theo đó đã xảy ra tình trạng pha cloramin B cho trẻ uống như đã xảy ra ở tỉnh Bình Dương.
“Biện pháp phòng bệnh tiện lợi nhất và dễ dàng nhất vẫn là rửa tay. Sở Y tế phải phối hợp với trung tâm y tế dự phòng, trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe địa phương để truyền thông tới các bà mẹ, cô giáo nhà trẻ. Thay vì phát cloramin B như trước đây, chúng ta sẽ phát xà bông cho các bà mẹ, các cô giáo để thực hành rửa tay cho trẻ và cho chính họ”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo.
Bài, ảnh: Hòa Triều
“Các hoạt động phòng chống dịch bệnh TCM từ nay đến cuối năm là duy trì các hoạt động giám sát dịch tễ và xử lý sớm ca bệnh tại phường, xã. Đặc biệt tăng cường phòng bệnh trong trường học: gồm tập huấn cho ban giám hiệu và giáo viên về các biện pháp phòng chống TCM; thực hiện rửa tay thường xuyên đối với trẻ và cô giáo; thực hiện vệ sinh khử khuẩn đúng cách; thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm trong trường học. |
Bình luận (0)