Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dịch tay chân miệng: Nước đã đến chân

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ bệnh TCM điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 chiều 24-9. Ảnh: Q.Huy

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 52 ngàn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó có 109 trường hợp tử vong. Điều đáng lo ngại hơn là hiện nay đang bắt đầu bước vào đỉnh điểm của dịch bệnh…

TP.HCM: Điểm nóng là trường học
TP.HCM là địa phương có số ca mắc TCM nhiều nhất cả nước, khoảng 10.000 ca. Hiện nay, trung bình thành phố có khoảng 450-500 ca mắc TCM, trong khi cả nước là trên 2.000 ca. Và TP.HCM cũng là địa phương có nhiều trường hợp mắc TCM tử vong nhất so với cả nước: 26/109 ca.
Từ thực tế cho thấy, các trường hợp mắc và tử vong do TCM tập trung chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Đây là lứa tuổi đang học mầm non.
Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM đã thành lập 12 đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch bệnh TCM tại 24 quận, huyện. Nội dung kiểm tra xoay quanh các vấn đề như công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh, đánh giá kiến thức và hành vi của cán bộ nhân viên trường học, kiểm tra công tác tổ chức rửa tay trẻ, vệ sinh, khử khuẩn trường học, kiểm tra việc tổ chức theo dõi những trẻ đang học tại trường và những trẻ nghỉ học không có lý do để phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh, kiểm tra quy trình xử lý khi phát hiện ca bệnh…
Về phía ngành giáo dục, Sở GD-ĐT TP cũng đã yêu cầu các đơn vị trường học khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng chống dịch bệnh. Các trường phảinâng cao nhận thức và kỹ năng phòng chống dịch bệnh cho học sinh, cán bộ, giáo viên và công nhân viên trong trường, sẵn sàng ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Và xác định công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng…
Ngày 24-9, bác sĩ Nguyễn Tài Dũng, Phó phòng HSSV, Sở GD-ĐT TP cho biết: “Trong tuần này, Sở GD-ĐT sẽ thành lập 3 đoàn xuống các trường kiểm tra công tác, trong đó có công tác phòng chống dịch bệnh”.
Cô Nguyễn Thị Tám, Hiệu trưởng Trường MG Sơn Ca 3, Q.11 cho biết: “Trước dịch TCM diễn biến phức tạp hiện nay, hàng ngày, giáo viên và nhân viên vệ sinh đều làm vệ sinh trường lớp, thông thoáng lớp học. Chiều thứ sáu mỗi tuần, tất cả đồ chơi của trẻ, sàn nhà đều được ngâm và tẩy rửa bằng dung dịch khử khuẩn. Các dụng cụ phục vụ ăn uống của cháu như chén muỗng, khăn hàng ngày đều được trụng nước sôi và phơi nắng hoặc sấy khô…”.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Dũng thì có nhiều trường hợp trẻ mang bệnh từ ở nhà vào trường. Vì vậy, công tác sàng lọc bệnh ngay từ ban đầu là rất quan trọng.
Hà Nội: Đã có ca tử vong
Trường MN số 5 (P.Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội), sau khi bé H.T.B.N (học sinh của trường) tử vong vì TCM, sĩ số học sinh đến trường đã giảm đến 90%. Cô Đỗ Thị Bích Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có tổng số 488HS. Sáng thứ ba (20-9), HS đến trường vẫn đạt con số 412/488 trẻ. Cùng chiều thứ ba, ngay sau khi bé H.T.B.N tử vong, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã cử người đến để phun khử khuẩn, vệ sinh toàn bộ lớp học, đồ chơi, đồ dùng của các bé… Ngay lập tức sáng hôm sau đã có tác động. Sáng thứ tư chỉ còn 280 em đến trường, sáng thứ năm còn 126 em tới lớp và sáng nay (23-9), con số này chỉ có 52 bé. Theo cô Vân, phụ huynh lo lắng, hoảng sợ sau ca tử vong của một em HS trong trường là khó tránh khỏi, nhất là thời điểm này, những thông tin về TCM trong cả nước khiến nhiều người lo sợ. Nhưng cô cũng cho biết, phụ huynh lo lắng nhiều bởi có rất nhiều tin đồn thất thiệt xung quanh việc bé B.N tử vong. “Trường ở ngay giữa làng Ngọc Hà, ngay sau khi thấy y tế về phun khử khuẩn, rất nhiều tin đồn đã làm sai lệch sự việc. Có tin nói, bé B.N chết ngay trên tay cô giáo, rồi lại có tin, hiện một cháu cùng lớp B.N cũng đang bị TCM rất nguy kịch… Chính những tin đồn này đã làm phụ huynh ngại đưa con tới lớp, dù trường lớp, phòng học, đồ dùng, đồ chơi đã được cơ quan y tế khử trùng bằng cloramin B sạch sẽ.
Tại Trường Mẫu giáo Bách Khoa (Hà Nội) trong 4 ngày (từ ngày 15 đến 19-9) đã ghi nhận 6 trẻ mắc bệnh TCM. Cô Phạm Thu Hoài, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngày 15-9 trường phát hiện bé đầu tiên mắc TCM, đến ngày 19-9 thì có thêm 5 trẻ nữa bị bệnh, trong đó có 4 bé ở cùng một lớp học.
“Khi phát hiện 4 cháu cùng một lớp bị TCM, nhà trường đã cho cả lớp nghỉ học, theo dõi sức khỏe tại nhà, đồng thời thông báo đến toàn bộ phụ huynh các lớp được biết. Toàn bộ trường, đồ dùng, đồ chơi của các bé đều được khử khuẩn bằng cloramin B liên tục ngày 1 lần trong 1 tuần”, cô Hoài nói.
ĐBSCL: Hàng loạt trường đóng cửa
Có thể nói, công tác phòng chống dịch bệnh TCM được ngành giáo dục các tỉnh, thành ĐBSCL đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, tỉ lệ tăng gấp nhiều lần so với cùng kì ở hầu hết các tỉnh, thành…
Ngày 22-9, các cháu Trường MN Phong Lan (Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) phải nghỉ học do trường có 8 cháu bị bệnh TCM. Trong thời gian các cháu nghỉ học, giáo viên vẫn vào trường cùng với cán bộ trung tâm y tế dự phòng quận, thành phố tiến hành tổng vệ sinh toàn trường. Trước đó, cũng tại Q.Bình Thủy, Trường MN Long Tuyền cũng có 4 trẻ bị bệnh TCM. Lớp học có trẻ bị bệnh đã phải nghỉ 10 ngày. Hiện Trường MN Long Tuyền đã khống chế thành công dịch bệnh và trở lại học bình thường. Đối với Trường MN Phong Lan, ông Nguyễn Văn Xuân, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Thủy, cho biết: “Trường sẽ trở lại học bình thường vào thứ hai (26-9), đối với lớp có học sinh bị bệnh sẽ tiếp tục nghỉ cho đến hết tuần và sẽ vào học vào thứ hai tuần kế tiếp”.
Ngoài Q.Bình Thủy, Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ cũng đã xảy ra dịch bệnh TCM ở các trường: MN Lê Bình, MN Thường Thạnh và MN Ba Láng. Các trường cũng đã tiến hành khử trùng và cho học sinh tiếp tục học. Ông Nguyễn Quí Đôn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, nói: “Do chủ động phòng chống bệnh TCM từ trong hè 2011 nên ngay khi trẻ có biểu hiện bệnh là giáo viên phát hiện ngay và báo cho phụ huynh rước trẻ về”. Tại Trường MN Phong Lan mặc dù có số ca bệnh nhiều nhưng theo ông Xuân, hầu hết các ca đều ở thể nhẹ do phát hiện kịp thời, các cháu đang điều trị tại nhà.
Tại tỉnh An Giang, hiện nay Trường MN Tuổi Thơ (TP.Long Xuyên) đã cho một lớp nghỉ học 10 ngày vì có 2 ca bệnh. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, cho biết: “Chúng tôi đang phối hợp cùng ngành y tế rà soát nắm số liệu ca bệnh”. Theo ông Bình, lớp nào có từ 2 ca bệnh trở lên sẽ phải nghỉ học 10 ngày đến khi hết hoàn toàn bệnh mới bắt đầu vào học lại. Trường nào có từ 7-8 học sinh bị bệnh sẽ đóng cửa trường để tiến hành tổng vệ sinh toàn trường.
Tại tỉnh Hậu Giang, bệnh TCM ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là dịch bệnh đã xuất hiện tại nhiều trường MN, MG ở các huyện, thị xã trong tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có gần 320 ca mắc bệnh TCM, so với cách nay gần 10 ngày, số trường hợp mắc bệnh đã tăng lên gần 100 ca, trong đó có 2 ca tử vong. Điều đáng lo ngại là dịch bệnh đã xuất hiện tại nhiều trường MN, MG ở các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Châu Thành A, thị xã Ngã Bảy và TP.Vị Thanh. Tỉnh Hậu Giang đã phải tạm đóng cửa 10 trường cho học sinh nghỉ học để tiến hành vệ sinh, khử khuẩn theo quy định của Bộ Y tế.
Đà Nẵng: Một trường MN đóng cửa
Ngày 24-9, cô Phan Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường MN Việt – Nhật xác nhận, vào ngày 22-9, nhà trường đã nhận được báo cáo của một phụ huynh về trường hợp cháu bé đang theo học tại trường mắc bệnh TCM. Ngay sau đó, nhà trường đã quyết định cho tất cả các HS nghỉ học hai ngày (ngày 23 và 24-9), riêng lớp học có cháu bị bệnh được nghỉ học một tuần để báo cáo ngành y tế tiến hành khử trùng tại trường, tránh lây lan dịch bệnh sang các cháu khác.
Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng: Từ đầu tháng 4-2011 đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng đã ghi nhận có gần 400 ca bệnh nhi mắc TCM. Đặc biệt, trong một tháng qua diễn biến dịch bệnh diễn ra khá phức tạp, có khoảng gần 90 ca bệnh TCM. Do ngành y tế chủ động phòng dịch ở mức cao nên không có trường hợp tử vong. Đối với trường hợp mắc TCM ở Trường MN Việt – Nhật, ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên lo lắng thái quá, mà cần chủ động tuân thủ các yếu tố vệ sinh cần thiết để phòng bệnh cho con em.
Bà Phan Thuận Nhi, Trưởng phòng Mầm non Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết: Hiện có 44 trường tiểu học được giám sát phòng chống dịch chặt chẽ; 300 nhà trẻ, mầm non được tiến hành phun thuốc khử trùng môi trường Cloramin B.
Nhóm PV

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cảnh báo: “Tình hình dịch bệnh TCM hiện nay đang rất phức tạp. Và đỉnh dịch thứ 2 trong năm đã cận kề – tháng 10 và đầu tháng 11”. Còn bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM thì khẳng định: “Điểm nóng của dịch bệnh TCM vẫn là trường học”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)