Rửa tay là biện pháp phòng bệnh TCM hiệu quả nhất (trong ảnh bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT (giữa) cùng với lãnh đạo các sở, ngành và các em học sinh tại buổi lễ phát động phòng chống bệnh TCM do UBND TP tổ chức mới đây) |
90% bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng (TCM) điều trị tại nhà. Trong đó có rất nhiều trường hợp vẫn được phụ huynh cho đi học. Còn giáo viên, vì cả nể nên đã vô tình rước mầm bệnh vào trường. Kết quả, dù trường học đã rất tích cực phòng chống nhưng dịch bệnh vẫn cứ xuất hiện và lây lan…
Đây là một thực trạng đã được lãnh đạo ngành y tế TP.HCM đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống bệnh TCM tại trường học 3 tháng đầu năm 2012 do Sở Y tế TP.HCM tổ chức sáng 4-4.
Ca bệnh sẽ gia tăng ở trường học
Tính đến ngày 2-4, toàn TP có 1.942 trường hợp mắc TCM nhập viện, trong đó chỉ riêng ngày 2-4 là 17 trường hợp. Dịch bệnh đã xảy ra tại 65% xã, phường thuộc 24/24 quận, huyện.
Điều đáng báo động là dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng tại khu vực trường học. Nếu trong tháng 1 chỉ có 3 trường có học sinh mắc bệnh, mỗi trường chỉ có 1 ca thì tháng 2 đã tăng lên 13 trường, trong đó có 10 trường có 1 ca/trường và 3 trường có từ 2 ca/trường trở lên. Còn tháng 3, số trường có từ 2 ca bệnh trở lên đã tăng lên 7 trường, ngoài ra còn 3 trường có 1 ca/trường. Trong số 10 trường có từ 2 ca bệnh trở lên, phải kể đến Trường Mầm non 14B (Q.5) với 8 ca bệnh trong vòng 6 ngày, Trường Mầm non Bông Sen (Q.8) và Trường Mầm non 19-5 (Q.7) đều có 5 ca bệnh… Điển hình là Trường Mầm non 9 (cơ sở 3, Q.3), chỉ trong 4 ngày đã phát hiện 3 ca bệnh, trong đó có 2 ca phải nhập viện và 1 trong 2 ca đó đã tử vong.
Sở dĩ ra nông nỗi này, một phần không nhỏ là do: “Rất nhiều ca mắc bệnh biểu hiện nhẹ như chỉ loét miệng đơn thuần, hoặc bóng nước rất ít xen kẽ với hồng ban, hoặc chỉ có hồng ban, không có bóng nước, hoặc chấm nhỏ ẩn dưới mặt trong ngón tay vẫn được phụ huynh cho đi học. Còn giáo viên thì không phát hiện được nên đã nhận, từ đó nguồn bệnh lây lan cho các trẻ khác trong trường”, bác sĩ Lê Minh Hùng, Phó phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM cho biết.
Bác sĩ Lê Hồng Nga (Trung tâm Y tế dự phòng – TTYTDP) TP đưa ra một trường hợp cụ thể: “Một học sinh, chiều hôm trước bị sốt và lở miệng được phụ huynh đưa đi khám bác sĩ tư. Sáng hôm sau vẫn đi học bình thường. Cùng ngày, y tế địa phương xuống trường tầm soát thì mới phát hiện ra trường hợp này và yêu cầu cho về nhà”…
Nỗ lực vì trường học không có dịch bệnh
Các bé điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1
|
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc TTYTDP TP thì: “Chỉ có 10% ca bệnh nhập viện, còn lại 90% là bệnh nhẹ điều trị tại nhà. Trong số những trường hợp điều trị tại nhà thì có tới 70% vẫn đi học bình thường. Vì vậy khi nhận trẻ, giáo viên phải tầm soát bệnh của cháu. Chẳng hạn như sờ trán coi có nóng không, bảo trẻ xòe tay ra coi có nổi bóng nước không, hả họng coi có lở miệng không. Nếu an toàn thì nhận, còn ngược lại thì cương quyết yêu cầu phụ huynh đem cháu về nhà”…
Song trên thực tế, kêu phụ huynh đem trẻ về nhà thật không dễ chút nào. Phụ huynh đưa ra trăm ngàn lý do nào là cháu chỉ ho, sốt, viêm họng sơ sơ không lây cho ai, hay không thể nghỉ làm… Cá biệt cũng có phụ huynh cự lại cô giáo, tại sao đóng tiền rồi mà không chịu giữ trẻ.
Bác sĩ Hồng Nga cho rằng: “Cần phải tạo sự đồng thuận của phụ huynh để họ chủ động thông báo nguyên nhân trẻ nghỉ học cho giáo viên, chủ động cho trẻ bị bệnh nghỉ học và đi khám cũng như tuân thủ thời gian nghỉ, cách ly theo đúng quy định”.
Vậy làm sao để tạo sự đồng thuận cho phụ huynh đây? Bởi, “Giáo viên mà phải đi giải thích cho từng phụ huynh là không khả thi”, ông Lê Xuân Tân, Trưởng phòng GD-ĐT Q.2 tâm tư.
Về vấn đế này, ông Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP cho rằng: “Trường học sẽ tổ chức họp phụ huynh, việc tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM là do TTYTDP quận, huyện đảm trách. Giáo dục và y tế phối hợp chặt chẽ với nhau để đảm bảo môi trường học an toàn, không lây lan dịch bệnh”.
Một vấn đề khó khăn hiện nay của các trường học khi dịch bệnh TCM ngày càng diễn biến phức tạp là việc vệ sinh, khử khuẩn đồ chơi, phòng học thường phải làm ngoài giờ (sau khi cháu đã về hết). Tuy nhiên, “Ngành y tế dập dịch thì có kinh phí, còn trường học thì không. Cần phải có một khoản bồi dưỡng ngoài chế độ chính sách thông thường đối với các giáo viên tham gia chống dịch”, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.3 đề xuất.
Ông Triệu Tuấn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.8 cũng bày tỏ những băn khoăn khi trường học phải “oằn lưng” chống dịch mà kinh phí chỉ vỏn vẹn có 5.000 đồng/học sinh/tháng.
Trả lời những câu hỏi này, ông Thanh khẳng định: “Giáo viên tham gia phòng chống dịch cũng được hỗ trợ kinh phí như cán bộ y tế dự phòng. Còn vệ sinh phí nếu chỉ có 5.000 đồng thì thật sự là không đủ, vì vậy các phòng GD-ĐT cần đề xuất với UBND quận, huyện mức thu đủ là bao nhiêu để thu thêm của phụ huynh. Vì nhà trường chống dịch là để bảo vệ sức khỏe của con em họ…”.
Bài, ảnh: Hòa Triều
PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó giám đốc Sở Y tế TP nhấn mạnh: “Lứa tuổi mắc bệnh TCM đang lớn dần, trước đây tập trung chủ yếu ở nhóm dưới 3 tuổi thì nay lại tập trung nhiều ở nhóm từ 3-5 tuổi. Đây là nhóm tuổi đang học tại các trường mầm non. Do vậy, vai trò của nhà trường trong công tác phòng chống dịch TCM là rất quan trọng. Trong tình hình khẩn trương như hiện nay (dịch bệnh vào cao điểm sớm hơn 7 tuần so với năm 2011), giáo viên phải biết và thực hành thường xuyên, định kỳ các biện pháp phòng chống dịch bệnh”. |
Bình luận (0)