Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Dịch văn học kết nối cộng đồng văn – thơ

Tạp Chí Giáo Dục

Trong cuộc giao lưu với hai nhà thơ đến từ Hungary, được tổ chức tại TPHCM vào ngày 8-2, nhà thơ Phan Hoàng đã vinh dự nhận Giải thưởng Nghệ thuật Danube cho tập thơ Chất vấn thói quen.

Chương trình được dẫn dắt và phiên dịch bởi nhà văn Kiều Bích Hậu. Từ trái qua: nhà thơ Halmosi Sándor, nhà thơ Attila F. Balázs và nhà thơ Phan Hoàng

Chương trình được dẫn dắt và phiên dịch bởi nhà văn Kiều Bích Hậu. Từ trái qua: nhà thơ Halmosi Sándor, nhà thơ Attila F. Balázs và nhà thơ Phan Hoàng

Sau Hà Nội và Cần Thơ, hai nhà thơ đến từ Hungary là Halmosi Sándor và Attila F. Balázs đã có cuộc giao lưu thân tình với các nhà văn, nhà thơ của TPHCM. Giải thưởng Nghệ thuật Danube do NXB AB Art và Hội Văn học Danube sáng lập. Trước nhà thơ Phan Hoàng, một số tác giả của Việt Nam như Bảo Ninh, Trần Quang Đạo và Kiều Bích Hậu đã nhận được giải thưởng này.

Sau Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần IV năm 2019, Hội Nhà văn Việt Nam và NXB AB Art của Hungary đã kết nối chặt chẽ trong việc dịch và xuất bản tác phẩm văn học của mỗi bên.

Đặc biệt, về phía Hungary, hai nhà thơ, dịch giả Halmosi Sándor và Attila F. Balázs đã có những hỗ trợ và đóng góp đắc lực đối với văn học Việt Nam. Trong 3 năm qua, hai tác giả kiêm dịch giả và NXB AB Art đã dịch và xuất bản cho Việt Nam 5 ấn phẩm, gồm: Hợp tuyển thơ chiến tranh Việt Nam của 6 tác giả: Huy Cận, Giang Nam, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh; tập truyện ngắn Trại bảy chú lùn của nhà văn Bảo Ninh và các tập thơ Bay trong mơ (Trần Quang Đạo) và Chất vấn thói quen (Phan Hoàng)…

Ở chiều ngược lại, tại Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam cùng sự góp sức cũng như hỗ trợ kinh phí từ một số tác giả, dịch giả đã xuất bản 4 tập thơ, văn Hungary của hai tác giả Halmosi Sándor và Attila F. Balázs. Đó là các tập thơ Mười ngày 57 (dịch giả Nguyễn Chí Hoan chuyển ngữ), Xương của nắng (Phan Anh Sơn chuyển ngữ, nhà thơ Trần Quang Đạo đầu tư in sách), Xác thịt vô cảm (Văn Minh Thiều chuyển ngữ) cùng tập truyện ngắn Sự biến hóa của Casanova (Khánh Phương chuyển ngữ, nhóm HFT đầu tư in sách).

Cũng tại chương trình giao lưu, hai nhà thơ đến từ Hungary và các tác giả của TPHCM đã có những trao đổi, thảo luận những vấn đề liên quan đến văn chương, trong đó có dịch văn học.

Theo nhà thơ Attila F. Balázs, dịch văn học là chiếc cầu nối lý tưởng để các dân tộc tiến gần đến nhau, hòa nhập tâm hồn. Nếu không có dịch văn học, sẽ không có nền thi ca thế giới, các dân tộc sẽ mãi khép vào khuôn khổ của mình và sẽ không có sự giao lưu và phát triển, kết nối thành cộng đồng thơ thế giới.

Ông cũng lưu ý: “Trong vấn đề dịch văn học, chúng ta cần quan tâm đến các dịch giả, bởi những dịch giả văn học có vai trò rất quan trọng, họ như những chú ngựa thồ để chở văn chương đến các quốc gia khác nhau. Chúng ta cần quan tâm đến chất lượng dịch. Những dịch giả tốt sẽ mang đến cho bạn đọc những bản dịch với những từ ngữ đẹp đẽ hơn và ngược lại”.

Theo Hồ Sơn/SGGPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)