Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Dịch vụ hậu cần nghề cá Lý Sơn cần được đầu tư tương xứng

Tạp Chí Giáo Dục

Lý Sơn – địa phương chiếm 30% tổng sản lượng đánh bắt thủy hải sản của Quảng Ngãi, sở hữu đội tàu gần 450 chiếc, trong đó tàu xa bờ gần 200 chiếc với gần 2.000 lao động chuyên đánh bắt ngư trường truyền thống Hoàng Sa – Trường Sa; trên 50% cư dân huyện thu nhập chủ yếu từ biển… Vậy nhưng, tại huyện đảo này, “trạm bờ” với dịch vụ hậu cần lại rất thiếu và yếu.

Dở dang vũng neo đậu tàu thuyền

Dù đã hoàn thành việc xây dựng giai đoạn 1, nhưng do luồng vào vũng neo đậu cạn, các bến neo lại chật chội nên trong cơn bão số 10 và 11-2013, Lý Sơn có hơn 60 thuyền bị vỡ hỏng do va đập vào nhau, thiệt hại này ước tính đến 11 tỷ đồng.

Để khắc phục, giai đoạn 2 nâng cấp, mở rộng và nạo vét luồng lạch ra vào vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn với kinh phí hơn 400 tỷ đồng tiếp tục được đầu tư. Theo kế hoạch sẽ xong trước mùa mưa bão năm nay để đảm bảo an toàn cho khoảng 700 tàu thuyền công suất từ 400CV của Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung tránh trú. Vậy nhưng, những ngày cuối tháng 6, khi thực địa tại Lý Sơn, công trường giai đoạn 2 vũng neo đậu tàu thuyền được xây dựng tại xã An Hải vắng lặng. Hàng chục phương tiện, thiết bị máy móc của Công ty Xây dựng Phú Xuân (đơn vị trực tiếp đảm nhận thi công dự án) nằm bất động. Máy móc, thiết bị bị nước biển xâm nhập ăn mòn đã bắt đầu có dấu hiệu hoen gỉ. Công nhân cũng đã rời khỏi công trường để tìm công việc khác.

Theo lãnh đạo Công ty Phú Xuân lý giải là do đã hết tiền vì chủ đầu tư (Sở NN-PTNT Quảng Ngãi) ngừng giải ngân. “Dù mới nhận được hơn 60 tỷ đồng, nhưng chúng tôi đã nỗ lực thực hiện khoảng 60% khối lượng công việc. Muốn đẩy nhanh xong trước mùa mưa bão năm nay nhưng Sở NN-PTNT phải trả hết số nợ trước và bố trí thêm kinh phí”, lãnh đạo công ty này nói thêm.

Dự án dừng, mùa mưa bão lại đang đến gần, việc ưu tiên vốn để hoàn thiện bến neo đậu tàu thuyền Lý Sơn đủ lớn là đòi hỏi cấp thiết lúc này. Không chỉ là trách nhiệm, điều đó còn thể hiện sự quan tâm chia sẻ của chính quyền các cấp với những ngư dân dũng cảm vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thừa nhận nhiều khả năng dự án không hoàn thành kịp tiến độ. Bởi theo bà Hương, chỉ cần biển động cấp 6, 7 là các phương tiện không thể chuyển vật liệu từ đất liền ra thi công. Hơn nữa, biển động, nước biển dâng, mặt bằng dự án cũng sẽ bị ngập, máy móc không thể di chuyển. Huyện cũng đã có các văn bản kiến nghị tỉnh đề nghị tiếp tục bố trí vốn.

Trong khi đó, ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho rằng vì là dự án trọng điểm thuộc nguồn kinh phí của Trung ương cấp nên để tiếp tục triển khai, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT đã kiến nghị lên trên khẩn trương bố trí kinh phí để sớm hoàn thành dự án theo kế hoạch đề ra.

Nghèo nàn dịch vụ, èo uột sửa chữa tàu

Dù sở hữu đội tàu đánh bắt hùng hậu nhưng cả huyện đảo Lý Sơn hiện chỉ có một cơ sở sửa chữa tàu quy mô nhỏ nên chỉ sửa chữa lặt vặt, mỗi khi cần sửa chữa lớn, tàu thuyền của ngư dân đều phải vào các xưởng trong đất liền. Ngư dân Phan Phước Lộc, chủ đôi tàu cá QNg 66489 ở thôn Tây, xã An Vĩnh bảo, dù chỉ thay nước sơn vỏ tàu thôi nhưng hầu như phải vào đất liền, lên đà tại các HTX để làm, tốn thêm trên 20 triệu đồng. Còn ngư dân Lê Dư, chủ tàu cá QNg 96164 cũng ở An Vĩnh thì cho biết có lần tàu bị hỏng máy, đưa vào sửa ở cơ sở tại Lý Sơn nhưng do cơ sở nhỏ, nhiều tàu chờ đợi vậy là mất cả nửa tháng mới xong.

Không chỉ có dịch vụ sửa chữa tàu èo uột mà từ viên đá lạnh đến muối ướp cá hay những nhu yếu phẩm khác cho đánh bắt cá xa bờ đều phải vào tận đất liền để mua. Theo thống kê của Phòng Kinh tế – Hạ tầng Lý Sơn thì hiện nay toàn huyện Lý Sơn có 241 cơ sở sản xuất đá lạnh, sơ chế hải sản, khai thác đá xây dựng, may mặc, mộc dân dụng, chế biến nước mắm… nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ mang tính chất hộ gia đình, chưa có cơ sở sản xuất nào có quy mô do thiếu nguồn điện, thiếu cơ sở hạ tầng để phát huy thế mạnh của ngành. Do đặc thù của huyện đảo cách xa đất liền, hoạt động thương mại chủ yếu lưu thông bằng đường thủy, vào mùa biển động đảo bị chia cắt thì việc cung ứng hàng hóa từ đất liền ra đảo và ngược lại hết sức khó khăn. Hơn nữa, hệ thống thương mại, dịch vụ của huyện hầu như chưa phát triển, chủ yếu là các chợ nhỏ và các điểm buôn bán nhỏ lẻ.

Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, Lý Sơn cho rằng: “Muốn giúp ngư dân và địa phương có thêm nguồn doanh thu thì cần phải tổ chức một dịch vụ hậu cần nghề cá để cung ứng vật tư cho ngư dân, tạo điều kiện cho ngư dân khỏi phải tốn phí đi lại các nơi khác bán”.

HÀ MINH (SGGP)

Bình luận (0)