Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dịch vụ logistics hạn chế: Đồng bằng sông Cửu Long mất lợi thế cạnh tranh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội hướng tới hình thành trung tâm logistics lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm tạo tiền đề cho phát triển logistics của Cần Thơ nói riêng và vùng nói chung. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ để mục tiêu này thành hiện thực…


Cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics của vùng ĐBSCL còn rất hạn chế (Trong ảnh: Cảng quốc tế Long An)

Chi phí logistics chiếm 30-40% giá thành sản phẩm

ĐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu và 70% các loại trái cây. Tuy nhiên tính cạnh tranh của các mặt hàng bị giảm đáng kể vì chi phí logistics quá cao. Nói cách khác, tiềm năng và nhu cầu đối với dịch vụ logistics rất lớn nhưng hiện nay hạ tầng và năng lực của dịch vụ logistics tại khu vực còn nhiều hạn chế, chưa đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng.

Ông Lê Quang Trung – Chủ tịch cảng Cần Thơ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) – bức xúc, thực tế của vùng ĐBSCL là chi phí logistics chiếm tới 30% giá thành. Theo số liệu của VLA, riêng tỷ lệ hao hụt nông – thủy sản của vùng trong quá trình vận chuyển là 10%, bảo quản tại kho là 2% và xử lý là 2%. Tổng cộng tổn thất sau thu hoạch có thể dao động 20-40% vì hạ tầng logistics kém.

Về phía doanh nghiệp, TS. Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan (tỉnh Trà Vinh) – cho biết, tập đoàn có 4 công ty thành viên, sản xuất hơn 10 sản phẩm. Ngoài thị trường nội địa, các sản phẩm còn được xuất khẩu sang 72 quốc gia. Tuy nhiên phí vận chuyển hàng xuất khẩu rất cao vì phải đưa lên TP.HCM để chuyển đến cảng Cát Lái. Một số sản phẩm vận chuyển bằng đường hàng không thì đưa đến phi trường Tân Sơn Nhất.

“Nếu thay vì đưa hàng lên TP.HCM mà đi bằng cảng Trần Đề (Sóc Trăng) thì sẽ giảm từ 20 đến 25% phí vận chuyển và phí lưu kho. Bởi từ Trà Vinh đến Sóc Trăng chỉ cần 1 giờ, thời gian lưu kho cũng ít hơn vì hàng hóa xuất khẩu ở TP.HCM phải lưu kho dài ngày do các mặt hàng ở ĐBSCL dồn về. Hạ được giá vận chuyển sẽ giúp tăng tính cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu của ĐBSCL nói chung, hàng nông sản nói riêng”, TS. Mỹ nói.

Ông Phạm Hải Anh – Phó Tổng giám đốc Sowatco – nêu thực trạng, vận chuyển một container từ Cần Thơ đến cảng Cái Mép – Thị Vải tốn khoảng 8,5-9 triệu đồng bằng đường bộ, gấp đôi đường thủy với chi phí 4-5,5 triệu đồng.

Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ – tâm tư, chi phí vận tải chiếm 30-40% giá thành sản phẩm tại vùng. Điều này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Thông tin cụ thể hơn về thực trạng giao thông và hoạt động logistics ở vùng ĐBSCL, TS. Phạm Hoài Chung – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông – Vận tải) – cho biết: “Sản lượng hàng hóa vận chuyển của miền Tây hàng năm gần 140 triệu tấn, trong đó 80% vận chuyển bằng đường bộ nhưng cả vùng chỉ có 171km cao tốc. Với sông ngòi dày đặc, có đến 22.000km trên tổng chiều dài 28.000km có thể khai thác giao thông thủy nhưng hiện trạng rất hạn chế. Cả vùng có 12 cảng biển, 32 khu bến nhưng chủ yếu xếp hàng rời; chỉ 6 khu bến có khả năng bốc dỡ container với 3 khu tại Cần Thơ.

“Cảng Cái Cui (Cần Thơ) là tiềm năng nhất, còn lại (85%) nhỏ và manh mún. Cảng cạn, thu gom hàng hóa gần như chỉ dừng lại ở khâu quy hoạch. Đường bộ ọp ẹp, đường thủy hạn hẹp khiến 90% hàng hóa vận chuyển của  miền Tây phải chở lên Đông Nam bộ để xuất khẩu. Chỉ 10% hàng hóa xuất khẩu được tại chỗ. Đây là một trong những điểm nghẽn lớn nhất của vùng”, TS. Chung nhấn mạnh.

Sẽ xây dựng các khu logistics tập trung có quy mô lớn

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Hiếu – Bí thư Thành ủy Cần Thơ.

Ông Hiếu thừa nhận, Cần Thơ dù rất cố gắng nhưng hoạt động logistics vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, cụm cảng biển Cần Thơ chưa khai thác hiệu quả do hệ thống kho bãi, hậu cần logistics không được đầu tư đồng bộ. Luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu chưa đáp ứng yêu cầu khai thác của tàu tải trọng từ 10.000-20.000 tấn; Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ chưa phát huy hiệu quả khai thác, chưa xứng đáng với tiềm năng và công suất dự kiến. Phần lớn hàng hóa xuất khẩu phải chuyển bằng đường bộ về các cảng lớn ở TP.HCM và cảng Cái Mép khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10-40%; Chưa có nhiều doanh nghiệp lớn chuyên về dịch vụ logistics trên địa bàn; khả năng cung ứng chuỗi dịch vụ logistics còn yếu…

“Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra mục tiêu phát triển Cần Thơ đến năm 2030 là “TP sinh thái, văn minh, hiện đại; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; là đô thị hạt nhân của vùng…”. Đây là mục tiêu, đồng thời là nhiệm vụ rất lớn đặt ra cho Cần Thơ. Để đạt được nhiệm vụ trên, TP đã đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực logistics, hải quan. Thực hiện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch tích hợp kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, gắn với quy hoạch phát triển đô thị trên cơ sở phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của TP và khu vực. Quy hoạch xây dựng các khu logistics tập trung có quy mô lớn gắn với khu công nghiệp, cảng biển, Sân bay quốc tế Cần Thơ có kết cấu hạ tầng đồng bộ. Cụ thể, dự án Trung tâm Logistics hạng II gắn với cảng Cái Cui, Trung tâm Logistics hàng không gắn với Sân bay quốc tế Cần Thơ và cụm cảng, logistics hậu cần Thốt Nốt nhằm hỗ trợ các cụm công nghiệp Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, Ô Môn. Triển khai dự án xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ và dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An để tàu trọng tải 10.000-20.000 tấn vào cảng Cần Thơ…”, ông Hiếu thông tin.

Với đường thủy, ông Trung cho rằng, vùng ĐBSCL cần mở thêm tuyến kết nối với nước bạn Campuchia và khu vực Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) để tạo thuận lợi lớn cho xuất khẩu thủy hải sản, nông sản đến châu Âu, Mỹ.

Để logistics không còn là rào cản đối với hoạt động xuất khẩu nông – thủy sản ở vùng ĐBSCL nói riêng và hàng hóa của cả nước nói chung, ông Trần Tuấn Anh – Trưởng ban Kinh tế Trung ương – đề nghị, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ “Đề án xây dựng chiến lược phát triển logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó lưu ý lồng ghép các nội dung liên quan đến chuyển đổi số ngành logistics.

Về phía các địa phương, ông Tuấn Anh đề nghị, các tỉnh trong vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung cần phối hợp với bộ, ngành triển khai nhiệm vụ được giao để phát triển hệ thống logistics đồng bộ. Đồng thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu kinh tế tại địa phương; triển khai xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ dịch vụ logistics hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội của tỉnh…

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)