Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã mở rộng các dịch vụ tiện ích, đa năng, mọi lúc mọi nơi với mục tiêu làm hài lòng khách hàng. Thế nhưng, phí còn cao, chất lượng dịch vụ còn thấp đã làm không ít khách hàng của các ngân hàng bức xúc.
“Bấn loạn” với phí
Nhằm thu hút thêm khách hàng và góp phần tăng doanh thu, hàng loạt các dịch vụ hiện đại đã được các ngân hàng phát triển trên nền tảng công nghệ thông tin, mạng internet và thiết bị di động như ATM, Internet Banking, Mobile Banking, SMS Banking, Email Banking, Telephone Banking, Autobanking… Khách quan mà nói, với những tiện ích này, khách hàng có thể tiết kiệm được rất nhiều chi phí cũng như thời gian thực hiện các dịch vụ tại ngân hàng.
Thế nhưng, để có các tiện ích này, khách hàng sẽ phải đối mặt với một “ma trận” phí của ngân hàng. Cụ thể, một khách hàng sử dụng thẻ trả trước và thẻ ghi nợ nội địa (hay còn gọi là thẻ ATM) phải chịu hàng loạt loại phí như: phí phát hành thẻ (50.000 đồng); phí phát hành lại thẻ (50.000 đồng – 70.000 đồng), phí thường niên (tối thiểu 50.000 đồng hoặc phải giữ tối thiểu 50.000 đồng trong tài khoản để duy trì); phí cấp lại mã PIN (10.000 đồng); phí trả lại thẻ ATM khi bị nuốt thẻ (do lỗi khách hàng – tối thiểu 30.000 đồng); phí xử lý khiếu nại (khi khách hàng khiếu nại sai – 10.000 đồng); phí giao dịch vấn tin, tra cứu số dư (ngoại mạng 550 đồng); phí in sao kê rút gọn (110 – 550 đồng tùy theo nội mạng hay ngoại mạng); phí rút tiền; phí chuyển khoản; phí đổi mã PIN; phí giao dịch trên máy POS (vấn tin, mua hàng, hủy mua hàng…); phí SMS báo về điện thoại khi thay đổi số dư (9.900 đồng/tháng); phí sử dụng Internet Banking (9.900 đồng/tháng)…
Sử dụng ATM Vietcombank trong KCX Tân Thuận. Ảnh: CAO THĂNG
Còn đối với thẻ tín dụng (nội địa và quốc tế), ngoài những mức phí trên, khách hàng còn phải trả thêm một số loại phí khác cao hơn, như: Phí thường niên (từ 220.000 đồng đến vài chục triệu đồng/năm – đối với loại tín dụng thương gia), phí nâng cấp hạng thẻ (50.000 – 100.000 đồng), phí không thanh toán số tiền tối thiểu (khoảng 100.000 đồng), lãi suất quá hạn…
Nhìn biểu phí, lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại TPHCM khuyên rằng: “Mức phí của các ngân hàng khác nhau, khách hàng nên lựa chọn ngân hàng nào có mức phí cạnh tranh hơn để sử dụng”.
Thiệt đơn, thiệt kép
Dù bị “bao vây” bởi “ma trận” phí dịch vụ ngân hàng nhưng nhiều người sử dụng vẫn chưa nhận được các dịch vụ phục vụ thỏa đáng. Chuyện khách hàng bực mình nhiều nhất là khi cần rút tiền gấp mà cây ATM lại báo “không hoạt động vì lỗi kỹ thuật”. Anh Khắc Hào (ngụ tại quận 6) cho biết, mới đây, anh cần mua vé máy bay gấp nên khoảng 22 giờ 35 phút anh chạy ra cây ATM của Ngân hàng BIDV gần nhà, để chuyển tiền thanh toán mua vé máy bay qua mạng bán vé máy bay. Thế nhưng, ra đến nơi, khi thực hiện giao dịch thì được thông báo chỉ giao dịch trước 22 giờ. Do không chuyển được tiền nên đến sáng hôm sau vé máy bay anh đặt qua mạng bị hủy và anh Hào phải mua vé gấp cho chuyến bay với giá mắc hơn cả triệu đồng. “Khi mời khách hàng mở thẻ, ngân hàng cho biết có thể sử dụng dịch vụ 24/7. Rõ ràng, ngân hàng nói vậy nhưng không phải vậy”, anh Hào cho biết.
* Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, nếu người tiêu dùng quay lại dùng tiền mặt để tiết kiệm phí thì không những ảnh hưởng đến nền kinh tế và chủ trương chính sách quản lý tài chính của Nhà nước, mà các ngân hàng cũng bị thiệt. Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thu phí dịch vụ là điều bình thường, nhưng nếu quá nhiều loại phí, người sử dụng dịch vụ sẽ không mặn mà với các dịch vụ nữa. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, các cơ quan chức năng phải rà soát lại các loại phí mà ngân hàng đang áp dụng và có biện pháp chế tài những ngân hàng thu phí quá cao hoặc ngoài quy định |
Tương tự, chị Hạ Nguyên (ngụ tại quận 3) cho hay, chị thường phải trả nợ thẻ tín dụng vào trước ngày 8 mỗi tháng. Tuy nhiên, do ngày 7 và ngày 8 rơi vào hai ngày cuối tuần nên chị phải chuyển khoản để trả cho ngân hàng vào chiều ngày 6. Chị thực hiện giao dịch e-banking của Ngân hàng BIDV để thực hiện chuyển khoản cho ngân hàng vay nợ, sau nhiều lần bị báo lỗi sai mật khẩu và hệ thống tự động đăng xuất khỏi tài khoản, chị cũng đã thực hiện chuyển khoản thành công vào lúc 16 giờ 50 phút. Tuy nhiên, sau đó chị được Ngân hàng BIDV thông báo thời điểm chuyển khoản của chị đã trễ 5 phút so với quy định nên giao dịch sẽ được chuyển qua thực hiện vào ngày làm việc kế tiếp. “Chuyển trễ 5 phút vì hệ thống e-banking liên tục bị lỗi. Số tiền được chuyển từ Ngân hàng BIDV đến ngân hàng kia qua đến thứ hai tuần sau mới tới nên tôi đã phải chịu phí phạt trả chậm và tính lãi suất của ngân hàng kia”, chị Nguyên bức xúc nói.
Không chỉ các dịch vụ Internet Banking có vấn đề về chất lượng phục vụ, chị Uyển Nhi (ngụ tại Bình Thạnh) cho biết, tuần qua, chị đến ATM của Ngân hàng Techcombank rút 2 triệu đồng. Sau khi máy trả lại thẻ và báo rút tiền không thành công, chị bất ngờ nhận được tin nhắn trên máy điện thoại báo đã bị trừ 2 triệu đồng trong tài khoản. Chưa kịp gọi đến tổng đài của ngân hàng để khiếu nại thì chị tiếp tục nhận thêm tin nhắn thứ 2 báo trừ thêm 2 triệu đồng nữa. Chị gọi lên tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng này với cước phí điện thoại 1.200 đồng/phút để báo tình hình thì được nhân viên của ngân hàng xác nhận: do lỗi của hệ thống tin nhắn. Ngân hàng này sau đó đã trả lại tiền vào tài khoản cho chị nhưng vẫn “nhồi” lại tin nhắn cũ là trừ thêm 2 triệu đồng (?!). “Tôi tốn gần 10 phút gọi điện thoại để cung cấp các thông tin và trình bày vụ việc cho ngân hàng dù đó không phải lỗi của tôi. Tôi đóng các loại phí liên quan như phí quản lý tài khoản, phí SMS, phí duy trì thẻ… mà còn phải trả thêm cước gọi điện thoại để báo cho ngân hàng khi có sự cố. Như vậy chẳng phải khách hàng thiệt đơn thiệt kép đó sao?”, chị Như nói. Chị Như cho rằng, ngân hàng thu rất nhiều phí dịch vụ và thu không thiếu tháng nào nhưng khi khách hàng gặp các sự cố do dịch vụ chưa tương xứng thì ngân hàng lại không có động thái gì để đền bù thiệt hại cho khách hàng.
NHUNG NGUYỄN/SGGP
Bình luận (0)