Trong năm nay, Sở GTVT TP.HCM sẽ thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại trung tâm thành phố, để thu hút người dân sử dụng xe buýt, giảm ùn tắc giao thông.
Mô hình thuê xe sử dụng khóa điện tử để quản lý xe |
Mô hình giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường
Theo Sở GTVT TP.HCM, trong năm 2017 sẽ thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại trung tâm thành phố. Việc thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng nhằm mục đích thu hút người dân sử dụng xe buýt. Người dân sẽ không phải đi bộ để đến trạm đón xe buýt, mà thay vào đó là lấy xe đạp di chuyển từ trạm này đến trạm khác để đón xe buýt.
Theo Sở GTVT, sở đang làm việc với đơn vị tư vấn về cách quản lý xe đạp công cộng. Theo đó, xe đạp sẽ được quản lý bằng khóa điện tử và thông tin hành khách sử dụng xe cũng sẽ được lưu lại sau khi dùng. Hành khách sử dụng xe đạp có thể trả xe ở các trạm khác nhau chứ không nhất thiết phải ở nơi lấy xe.
Mô hình cho thuê xe đạp ở các trung tâm thành phố được nhiều nước thực hiện và mang lại hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông, bảo vệ môi trường.
Trước đó, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TP.HCM), cho biết quận đang nghiên cứu, đề xuất xin phép xây dựng nhiều điểm khóa xe ở trung tâm thành phố.
Tháng 3-2017, Sở GTVT TP.HCM cũng đã phối hợp với Thành đoàn TP.HCM, vận động cán bộ công nhân viên đi làm bằng xe đạp.
Ngoài ra, đại diện Sở GTVT cũng cho biết, đơn vị này đang tổ chức lại mạng lưới và xây dựng đề án đầu tư xe buýt mới giai đoạn 2018-2020. Nghiên cứu dùng xe từ 9 chỗ ngồi để kết nối với xe buýt nhanh và tuyến metro nhằm thu hút người dân sử dụng xe buýt.
Thống kê từ Sở GTVT TP.HCM, hiện thành phố có 142 tuyến xe buýt, trong đó có 107 tuyến được trợ giá. Trong năm 2016, khối lượng vận tải hành khách công cộng tại thành phố đạt 576 triệu lượt khách (giảm 1,39% so với năm 2015). Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2017, lượng người sử dụng xe buýt tăng trở lại, đạt 137,5 triệu lượt (tăng 2,1% so với cùng kỳ).
Đà Nẵng hưởng ứng nhiệt tình
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn có buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo Công ty CHODAI (Nhật Bản) liên quan đến dự án tích hợp các phương thức GTVT là xe đạp công cộng nhằm góp phần giảm thiểu vấn đề ùn tắc giao thông, tối ưu hóa mạng lưới giao thông thành phố.
Theo Sở GTVT Đà Nẵng, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc thí điểm xe đạp công cộng tại 5 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Nẵng đã có những bước khởi đầu cho dự án này. Trong đó, thành phố đặc biệt quan tâm và tập trung phân tích các vấn đề: khảo sát nhu cầu sử dụng xe đạp công cộng tại Đà Nẵng; học tập các bài học kinh nghiệm của các thành phố khác ở Việt Nam và trên thế giới về dịch vụ xe đạp công cộng từ đó đề xuất phương án quy hoạch mạng lưới xe đạp công cộng phù hợp cho Đà Nẵng (các vị trí đặt trạm cho thuê xe đạp, vị trí bãi đỗ xe, cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp để kết nối với các trạm cho thuê).
Thành phố cũng đã có lộ trình triển khai dự kiến trong năm 2016, sẽ lập dự án khả thi; giai đoạn 2016-2020 đầu tư thí điểm 12 trạm cho thuê xe đạp tại khu vực trung tâm thành phố, dự kiến 360 xe, 12 trạm cho thuê; giai đoạn 2021-2030 đầu tư nhân rộng mô hình, đảm bảo vai trò kết nối các khu vực phát sinh và thu hút chuyến đi lớn, các điểm du lịch với hệ thống vận tải công cộng của thành phố.
Trong tháng 12-2015, Đà Nẵng cũng đã áp dụng mô hình cảnh sát khu vực sử dụng xe đạp đi tuần tra đã góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an thân thiện, gần gũi với người dân và du khách.
Chính phủ khuyến khích sử dụng xe đạp Ngày 27-1-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản số 148/TTg-KTN về việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết mục tiêu tại các thành phố lớn của Việt Nam là làm sao giảm bớt lượng xe cơ giới cá nhân, tăng tỷ lệ phương tiện công cộng. Trong đó, khuyến khích sử dụng xe đạp để kết nối đầu – cuối. Vấn đề này đã được Chính phủ giao cho 5 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ thí điểm. Mục tiêu đến năm 2020, thành phố Hà Nội và TP.HCM sẽ có lượng vận tải hành khách công cộng đảm nhận từ 20-25%; vận tải cá nhân chiếm 75-80% (trong đó đi bộ và xe đạp từ 20-30%). Tại các thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, vận tải hành khách công cộng yêu cầu ở mức 10-15%. |
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đang thực hiện dự án phát triển bền vững, trong đó có hợp phần dự án xe buýt nhanh BRT, giai đoạn 2016-2018 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng phương thức di chuyển này.
Trao đổi với đoàn Công ty CHODAI, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thành phố còn chú trọng phát triển du lịch. Du khách đến Đà Nẵng ngoài nhu cầu nghỉ dưỡng thì cũng có nhu cầu rất lớn trong việc di chuyển bằng các phương tiện thô sơ như xe xích lô, xe đạp trong khu vực trung tâm thành phố. Tuy nhiên các điểm thuê xe này do người dân tự phát, đặc biệt sử dụng phương tiện xe máy rất nguy hiểm đối với du khách nước ngoài trong điều kiện giao thông Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang triển khai đồng loạt nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trong nội đô. Do vậy, lãnh đạo thành phố rất quan tâm đến giải pháp phát triển phương tiện công cộng như xe buýt, xe đạp công cộng…
T.S
Bình luận (0)