Hiện tượng chấm điểm không chính xác với học lực của học sinh khá phổ biến trong giáo viên (ảnh minh họa). Ảnh: ANH KHÔI
|
Giáo dục Việt Nam lâu nay vẫn lấy điểm số làm căn cứ để xét danh hiệu, xét việc lên lớp hay chuyển cấp của học sinh bằng thang điểm 10. Thế nhưng, càng ngày những câu chuyện về điểm 10 càng làm cho mỗi chúng ta suy nghĩ…
Điểm 10 “nở rộ”
Trước đây, học sinh cố gắng chăm chỉ học bài, nghe giảng và làm bài thật tốt, thật chỉn chu thì kết quả thi mới có thể đạt điểm 10. Điểm 10 ngày xưa, theo các “già làng” là rất khó lấy được, đạt điểm 10 phải là những học sinh ưu tú, xuất sắc của lớp và một lớp cũng chỉ được vài em là nhiều. Còn ngày nay, với cách tính điểm, cách xếp loại hoàn toàn khác với ngày xưa thì điểm 10 lại “nở rộ” trên những trang vở, trên những bài kiểm tra cuối kì của học sinh, nhất là học sinh tiểu học. Chính việc đánh giá này đã làm cho phụ huynh ngộ nhận về “chất lượng” thật của học sinh, bởi trong một quá trình học gồm 2 học kì với 9 tháng, các điểm số trong tháng không được tính mà chỉ là điểm để theo dõi, tham khảo. Chỉ đến khi học sinh thực hiện bài kiểm tra định kì cuối cùng thì điểm số đó mới làm căn cứ để xét chọn danh hiệu thi đua, lên lớp, chuyển cấp… Như vậy, cách tính điểm này có điều gì bất hợp lí và điểm 10 của kì cuối liệu đã phản ánh đúng thực tế chất lượng của học sinh chưa? Một điều bất cập nữa là điểm 10 “nở rộ” trên trang vở bài làm hàng ngày của học sinh rất nhiều, và đến kì kiểm tra cuối cùng, nếu học sinh không làm đúng yêu cầu bài kiểm tra thì chắc chắn các em sẽ không được trọn điểm, và kéo theo là các danh hiệu trong một năm học của các em cũng không được tính… Điều này sẽ rất “khó ăn, khó nói” cho giáo viên khi phải giải thích với phụ huynh! Thực tế đã có nhiều trường hợp như vậy khi ngành giáo dục bậc tiểu học triển khai phương án thực hiện tính điểm như hiện nay!
Điểm 10 “chất lượng”
Đổi mới giáo dục là việc làm cần thiết và rất hữu ích vì nó phù hợp với sự phát triển chung của xã hội, bắt nhịp kịp với xu thế thế giới. Thế nhưng, cách thực hiện giáo dục như thế nào cho thỏa đáng, cho có chất lượng, cách tính điểm cho học sinh, các phương pháp đào tạo tích – hợp để giúp các em phát triển toàn diện, đó mới là vấn đề cần quan tâm. Chúng ta hãy suy nghĩ lại việc lấy thang điểm 10 sao cho có chất lượng, phù hợp với năng lực thực tế của học sinh. Không nên chạy theo thành tích “ảo” với hàng loạt các điểm 10 đỏ chót trong vở nhưng thực tế, kiến thức mà các em tiếp nhận được chẳng là bao. Nếu giáo dục cứ tiếp tục làm như vậy, thì chúng ta đang có lỗi với chính những thế hệ học sinh thân yêu. Chúng ta đã “che cái dốt” của các em bằng điểm 10 không thực tế. Và không chỉ che mắt học sinh mà còn che mắt cả phụ huynh, vì phụ huynh cứ thấy con được điểm 10 là an tâm. Hãy xét lại những em đạt điểm 10 hàng ngày thì có bao nhiêu em nắm được kiến thức thực sự? Đó là điều băn khoăn của các thầy cô giáo khi đang phải làm một việc không nên làm!
Tóm lại, thầy cô nào cũng muốn học trò mình giỏi, nắm kiến thức vững vàng, cha mẹ nào cũng vui khi thấy con mình được điểm 10. Thế nhưng, việc đánh giá, chấm điểm và cách thức tính điểm trong một năm học như hiện nay theo tôi là không ổn bởi những lý do đã nêu ở trên. Hãy nghiêm túc xem xét lại việc đào tạo, đánh giá chất lượng của học sinh để giáo dục luôn luôn là điểm tựa phát triển nhân tài cho đất nước chứ không phải là một nền giáo dục “ảo”; và đừng làm cho phụ huynh phải ngộ nhận về chất lượng của con mình qua những điểm 10 đã được chấm!
Duy An
Điểm 10 sao nhiều thế?
Trong thực tế giảng dạy, nhiều khi tôi thấy giáo viên còn nhầm lẫn phần ghi nhận xét với xếp loại học sinh, điều này thường xảy ra ở các bài kiểm tra định kỳ, bài tập làm văn, giáo viên không ghi nhận xét (như: Bài có cách giải hay, diễn đạt mạch lạc hay bài dở dang, nhầm lẫn phép tính…) của mình vào bài làm của học sinh mà thay vào đó là ghi vỏn vẹn các từ giỏi, khá… Làm như vậy là chưa chính xác, chưa hiểu rạch ròi thế nào là lời nhận xét, thế nào là từ xếp loại. Khi giáo viên dạy trên lớp, nhất là giáo viên tiểu học thường xuyên thích áp dụng phương pháp nêu gương để động viên, kích thích học sinh trong học tập bằng hình thức tổ chức cho các em thi đua làm bài tập để ghi điểm 10, suy cho cùng đó cũng là việc làm tốt, có mặt tích cực, tạo không khí lớp học sinh động không tẻ nhạt nhàm chán. Nhưng việc làm đó của giáo viên đôi khi không lường hết cái chưa được vì thực ra nó không hiệu quả, và có cảm giác thầy và trò ít nhiều còn bệnh thành tích, thích được khen và thích điểm cao. Thí dụ thường gần cuối tiết bài dạy môn toán giáo viên có phần củng cố bài học, cô giáo chỉ đưa ra một bài toán với phép tính đơn giản và bảo: “Em nào làm xong, nộp trước, cô sẽ chấm 10 cuốn tập đầu tiên, em nào làm đúng được 10 điểm và có từ “giỏi””. Lúc đó không khí lớp sôi động, nhộn nhịp hẳn lên, em nào cũng tranh thủ cố gắng làm thật nhanh để nộp trước đạt điểm 10. Có em vì gấp gáp chạy nộp bài bị vấp té, có em cẩu thả nhưng vì ham mê điểm, chưa đọc kỹ yêu cầu của đề, làm sai cũng mang nộp… nhưng kết quả thường cao hơn như mong đợi, cả 10 tập học sinh nộp lên, cô giáo đều chấm 10 điểm và không quên “khuyến mãi” kèm theo từ “giỏi” đỏ chót kế bên. Thử hỏi giáo viên tổ chức hình thức thi đua như thế có tác dụng nâng dần học lực của học sinh lớp mình chủ nhiệm hay không, hay đó chỉ là thói quen một trong các hoạt động dạy học của giáo viên với suy nghĩ tạo cho lớp có không khí thi đua một cách tích cực? Nếu chỉ là thói quen thì giáo viên nên suy nghĩ và chấm dứt ngay, vì đặt từ “giỏi” không đúng chỗ, nó chỉ có giá trị để xếp loại học lực môn hay cuối học kì, cuối năm học mà thôi. Chẳng lẽ chuyện đánh giá bằng điểm số cho học sinh mà giáo viên cũng bị “lạm phát”, nhất là khi chấm điểm 10 mà kèm theo từ “giỏi” một cách vô tư và ban bố cho học sinh một cách đại trà như thế.
Trần Văn Tám
(Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM) |
Bình luận (0)