Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Điểm bán hàng bình ổn thị trường ở TP.HCM tăng mạnh

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, tổng số điểm bán hàng của 4 chương trình bình ổn thị trường là 7.579 điểm, tăng 646 điểm so với thời điểm tháng 4/2013 khi bắt đầu chương trình năm 2013-2014.

Trong đó, chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có 3.281 điểm bán, tăng 219 điểm bán so với thời điểm tháng 4/2013. Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng có 769 điểm bán, tăng 41 điểm. Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng sữa có 1.193 điểm, tăng 74 điểm và chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu có 2.336 điểm bán, tăng 312 điểm.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Từ năm 2013, 4 chương trình bình ổn thị trường đã được triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô lớn hơn các năm trước, đi vào chiều sâu và không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Theo đó, chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có 31 doanh nghiệp tham gia, tập trung bình ổn 9 nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản).

Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng có 13 doanh nghiệp tham gia, tập trung bình ổn 3 nhóm mặt hàng: vở học sinh, đồng phục học sinh, cặp-ba lô-túi xách.

Riêng chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng sữa có 2 doanh nghiệp tham gia, tập trung bình ổn 6 nhóm mặt hàng sữa bột dành cho trẻ; sữa bột dành cho người cao tuổi, người bệnh; sữa bột dành cho bà mẹ mang thai; sữa bột dành cho gia đình; sữa bột chức năng; sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất. Còn chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu có 13 doanh nghiệp tham gia, tập trung bình ổn 21 nhóm thuốc sản xuất trong nước với 80 hoạt chất, 400 mặt hàng.

Ngoài 4 chương trình bình ổn giá nêu trên, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã triển khai chương trình hành động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần tăng tỷ lệ hàng Việt Nam từ 80% đến 90% tại một số hệ thống siêu thị lớn. Để hỗ trợ triển khai chương trình này ngày một tốt hơn, thành phố dự kiến sẽ tập trung thông tin, tuyên truyền, vận động; kết nối doanh nghiệp với thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; triển khai chương trình khuyến khích sử dụng hàng Việt; kiểm tra, kiểm soát và quản lý thị trường./.

Liên Phương (TTXVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)