Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam) tại buổi tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) vừa qua.
Đại diện Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tư vấn riêng cho học sinh |
Theo TS. Nguyễn Đức Nghĩa, năm 2018, Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn, vì vậy điểm càng cao thì cơ hội xét tuyển sẽ cao. Về hình thức xét tuyển, các trường ĐH lớn hầu hết xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia. Trên 200 trường ĐH thì có 100 trường xét điểm học bạ THPT, vì vậy học sinh cần theo dõi kỹ thông tin xét tuyển chính xác của các trường. Ngoài ra còn có dạng nữa là ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh đoạt giải thưởng quốc gia và quốc tế, kết quả xét tuyển thẳng có trước khi thi THPT quốc gia. Bên cạnh đó, một số trường ĐH có tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, học sinh cũng nên tham gia để có thêm cơ hội xét tuyển.
Tại chương trình, nhiều học sinh quan tâm đến môn thi năng khiếu vào ngành thiết kế nội thất và thiết kế thời trang của Trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM. ThS. Võ Văn Tuấn (Phó Trưởng phòng Đào tạo và Công tác sinh viên, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) cho biết trường có 9/12 ngành liên quan đến năng khiếu vẽ, trong đó có 2 ngành mà các em học sinh đề cập. Chỉ tiêu của ngành thiết kế nội thất năm 2018 khoảng 100 sinh viên và môn năng khiếu không nhân hệ số 2. Riêng ngành thiết kế thời trang, chỉ tiêu thấp vì phân theo giảng viên quy đổi, khoảng 40 sinh viên cho năm 2018. Trong khi đó, em Hồ Xuân Phúc Nguyên (lớp 12A13) thắc mắc tại sao lại có kỳ thi năng lực ở Trường ĐH Luật TP.HCM? TS. Cao Vũ Minh (đại diện Trường ĐH Luật TP.HCM) trả lời: Đây là kỳ thi nhằm kiểm tra khả năng tư duy logic, tư duy pháp lý của học sinh. Theo đó, vào khoảng tháng 4, trường sẽ có bộ đề tham khảo đăng trên website của trường.
Trước lo lắng của học sinh về thị trường lao động ngành ngân hàng bị bão hòa, ThS. Nguyễn Anh Vũ (Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) khẳng định, cơ hội việc làm ngành ngân hàng vẫn còn cao, nếu các em có ý thức học tập tốt. Năm 2018, trường có 350 chỉ tiêu cho chương trình đại trà và 400 chỉ tiêu chương trình chất lượng cao. Với ngành kế toán chương trình chất lượng cao, chương trình đào tạo tiệm cận với chương trình nước ngoài, sinh viên có cơ hội chuyển tiếp sang Úc sau 2 năm. Học phí của trường giao động từ 8-29 triệu đồng, từ đại trà đến chất lượng cao. Cũng liên quan đến chương trình đào tạo, ThS. Đặng Văn Lẹ (Phó Viện trưởng Viện đào tạo quốc tế, Trường ĐH UEF) cho biết trường có 19 ngành nghề đào tạo song ngữ (50% tiếng Anh). Theo đó, khi vào trường, sinh viên có 2 tháng học tiếng Anh tăng cường, sau đó sẽ kiểm tra để vào học 6 mức độ tiếng Anh, nếu chưa đạt sẽ được học tiếp với thời lượng dày hơn mà không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào.
Học sinh đặt câu hỏi với Ban tư vấn |
Giải đáp thắc mắc của học sinh về khả năng tiếng Anh và tài chính hạn chế, liệu có theo nổi chương trình đào tạo của trường. PGS.TS Bùi Xuân An (đại diện Trường ĐH Hoa Sen) trả lời: Ngay từ năm 1, trường “đổ nền” tiếng Anh, vì vậy sinh viên một số ngành học hoàn toàn bằng tiếng Anh không phải quá lo lắng. Qua kiểm tra, nếu sinh viên chưa có chuẩn tiếng Anh sẽ được đào tạo, học phí từ 43-60 triệu đồng/năm và năm 2018, trường có 17 tỷ đồng cho các chương trình học bổng.
Cũng liên quan đến ngoại ngữ, bà Dương Diễm Tiên (Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH FPT) cho biết trường đào tạo bằng tiếng Anh ở tất cả các ngành. Riêng khối ngành CNTT, ngoại ngữ thứ 2 là tiếng Nhật và khối ngành kinh doanh, ngoại ngữ thứ 2 là tiếng Hoa – đây là lợi thế cho sinh viên khi ra trường. Từ năm 3, sinh viên đến doanh nghiệp thực tập và làm việc như một nhân viên thực thụ. Trường xét tuyển một trong 3 hình thức: điểm trung bình học kỳ cuối của lớp 11 và 12; xét điểm kỳ thi THPT quốc gia (21 điểm trở lên) hoặc tham dự kỳ thi sơ tuyển ngày 13-5 với hai môn văn và toán.
T.Anh
Bình luận (0)