Trong hai ngày đầu xét nguyện vọng (NV) bổ sung (26 và 27-8), nhiều trường ĐH ngoài công lập đã đón lượng khá lớn thí sinh, trong đó có những em điểm cao nhưng từng trượt NV1 vào giờ chót.
Cuộc đua xét NV bổ sung đến thời điểm này hầu như chỉ còn ở các trường ĐH ngoài công lập và CĐ. Hai ngày đầu xét tuyển, có trường ĐH đã nhận được cả ngàn hồ sơ. ThS. Nguyễn Quốc Anh – Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – cho biết, qua hai ngày đầu xét tuyển NV bổ sung đã nhận được khoảng 1.100 hồ sơ. Mức điểm của các thí sinh nộp vào khá cao, nằm trong khoảng từ 17-20, trong đó có nhiều em đã từng bị “đánh bật” khỏi NV1 vào giờ chót.
Thí sinh Nguyễn Quốc Duy (Tiền Giang) xét tuyển NV bổ sung vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM ngày 26-8 ở 4 ngành, trong đó, mong mỏi đậu nhất vào ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông. Cũng ngành này ở NV1, em bị trượt khỏi Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Duy cho biết, mức điểm 19 của em an toàn trong suốt thời gian xét tuyển NV1 nhưng lại bất ngờ bị đẩy cao lên vào giờ chót khiến em không “trở tay” kịp. Trong quá trình xét tuyển NV bổ sung, thí sinh không được rút hồ sơ đổi ngành, trường nên nếu không đậu ngành yêu thích, Duy cho biết em đành phải học một trong số ngành còn lại vì không muốn trượt ĐH thêm lần nữa.
Thí sinh nộp hồ sơ xét NV bổ sung vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM trong ngày đầu tiên, 26-8 |
Tại nhiều trường khác, dù khởi điểm xét tuyển NV bổ sung từ ngưỡng sàn nhưng điểm thực tế các em nộp vào cũng cao hơn nhiều. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành 2 ngày đầu nhận được gần 500 hồ sơ, mức điểm chủ yếu nằm trong khoảng từ 15-18. Bên cạnh đó, còn có một bộ phận thí sinh trên 20 điểm.
Trường ĐH Văn Hiến nhận được 550 hồ sơ trong hai ngày đầu tiên. Đa số thí sinh đạt mức điểm cao hơn sàn từ 1,5 đến 2 điểm.
ThS. Trần Kim Phước – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định – cho biết, trong số thí sinh nộp vào trường có em điểm cao tới 22. Còn lại phần lớn điểm nằm trong khoảng từ 17-19. Trường nhận được gần 100 hồ sơ.
Tại Trường ĐH Hoa Sen, lượng đăng ký xét bổ sung trong 2 ngày đầu cũng rải rác, chỉ khoảng 300 hồ sơ.
Ở NV bổ sung, thí sinh có 3 giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển, mỗi giấy được đăng ký tối đa 4 ngành. Hầu hết các em đều muốn tận dụng mọi cơ hội để trúng tuyển nên vừa nộp vào trường ĐH tại TP.HCM vừa nộp trường địa phương. Chính điều này khiến các trường lo “ảo” lớn, khó gọi nhập học. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nơi có số lượng hồ sơ “khấm khá” tính đến thời điểm này với hơn 1.100 nhưng vẫn sợ không tuyển đủ. ThS. Nguyễn Quốc Anh dự đoán, với độ ảo cao, tỷ lệ thí sinh nhập học nhiều nhất có thể không quá 50%. Để tuyển được 2.100 chỉ tiêu NV bổ sung, có khả năng trường phải xét trừ hao đến… 4.000 hồ sơ mới mong đủ.
Nhiều trường phía Bắc thiếu hàng ngàn chỉ tiêu
Bộ GD-ĐT đã có báo cáo tổng hợp về tình hình tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ trong đợt 1 vừa qua. Theo đó, có 38 trường ĐH, CĐ vẫn còn tuyển thiếu chỉ tiêu nên cần tuyển bổ sung trong đợt II với tổng số khoảng 31.000 chỉ tiêu ĐH, 8.200 chỉ tiêu CĐ. Có nhiều trường còn thiếu tới hàng ngàn chỉ tiêu. Như ĐH Mỏ địa chất còn thiếu hơn 1.400 chỉ tiêu, ĐH Hải Phòng tuyển bổ sung trên 1.300 chỉ tiêu, ĐH Kinh doanh và công nghệ thiếu 3.850 chỉ tiêu. ĐH Y Hải Phòng cũng thiếu 20 chỉ tiêu.
Còn 88 trường nữa tuy đã gửi báo cáo nhưng hiện Bộ GD-ĐT vẫn chưa tách được số liệu còn tuyển thiếu cho riêng từng bậc ĐH, CĐ. Như vậy, trên thực tế ngoài số gần 40.000 chỉ tiêu còn thiếu của 38 trường trên sẽ còn hàng chục ngàn chỉ tiêu ĐH, CĐ nữa được tuyển bổ sung trong đợt II này.
Cũng theo kết quả tổng hợp này, trong số 127 trường ĐH, CĐ đã gửi báo cáo về kết quả xét tuyển đợt I cho bộ thì mới có 41 trường đã tuyển đủ 100% hoặc vượt chỉ tiêu.
M.Tâm – N.Huê
3.800 chỉ tiêu xét bổ sung vào ĐH Nguyễn Tất Thành Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, trường tiếp tục xét 3.800 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung từ nay đến ngày 7-9. Thí sinh có thể nộp hồ sơ trực tiếp, qua bưu điện hoặc đăng ký trực tuyến. Cụ thể, 3.800 chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung cho 23 ngành bậc ĐH với mức điểm từ 15 trở lên và 22 ngành bậc CĐ điểm từ 12. Trong đó, 3 ngành mới gồm Luật Kinh tế, quản trị nguồn nhân lực và kiến trúc vừa được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo xét bổ sung 250 chỉ tiêu với mức điểm từ 15 điểm trở lên. Riêng ngành dược học bậc ĐH xét tuyển với mức điểm cao nhất, từ 18,75 trở lên. Nhiều ngành khác cùng lấy 150 chỉ tiêu ở mức điểm từ 15, gồm: Thiết kế đồ họa, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, kỹ thuật điện – điện tử, công nghệ thực phẩm, kỹ thuật xây dựng. Bên cạnh đó, các ngành cùng xét 100 chỉ tiêu như: Việt Nam học, quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, tài chính – ngân hàng, kế toán, công nghệ kỹ thuật cơ – điện tử, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật hóa học, điều dưỡng. Ngành quản lý tài nguyên và môi trường xét nhiều nhất với 200 chỉ tiêu. 22 ngành bậc CĐ đều tuyển 50 chỉ tiêu mỗi ngành, cùng mức điểm 12. Bên cạnh xét kết quả thi THPT quốc gia 2015, trường còn xét học bạ phổ thông của thí sinh với ngưỡng tối thiểu từ 6 trở lên cho bậc ĐH và 5,5 bậc CĐ. Khối ngành năng khiếu kết hợp xét kết quả học tập THPT và thi tuyển 2 môn hình họa và trang trí vào ngày 7 và 8-9 sắp tới. Ngành dược ngoài xét điểm học bạ phổ thông còn xét điểm trung bình lớp 12 môn hóa với ngưỡng tối thiểu 6,5 trở lên bậc ĐH và 5,5 bậc CĐ. Tương tự, ngành điều dưỡng xét điểm học bạ phổ thông kèm theo xét điểm môn sinh, tối thiểu từ 6 trở lên với bậc ĐH và 5 với bậc CĐ. Hiện, ngoài lượng hồ sơ nộp trực tiếp, số hồ sơ đăng ký trực tuyến vào trường cũng khá đông. Đợt xét tuyển bằng học bạ THPT tiếp theo tại trường sẽ bắt đầu từ ngày 3-9, kết thúc 25-9. Thục Trân |
Bình luận (0)