Không ít thí sinh có điểm thi THPT quốc gia 2018 khá cao, đủ điều kiện xét tuyển vào một trường ĐH uy tín nhưng ngay từ đầu đã chọn học CĐ-TC nghề. Qua đó cho thấy, người học cũng như phụ huynh đã nhận thức đúng đắn hơn về hệ giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Chuyên gia tư vấn về ngành nghề cho học sinh Trường THPT Nguyễn Thông (tỉnh Long An) |
Thực tế cho thấy, tư duy chọn nghề của học sinh hiện nay có nhiều thay đổi. Ghi nhận tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, chất lượng đầu vào năm nay tăng so với mọi năm. Theo đó, ngành có số điểm thấp nhất là kế toán, điểm chuẩn cũng 14,5 và ngành có điểm chuẩn cao nhất là công nghệ kỹ thuật ô tô với 17,5. Trong khi ở một số trường ĐH, điểm chuẩn lại thấp hơn nhiều. Điều đó cho thấy chất lượng tuyển sinh đầu vào ngày càng được nâng lên từ số hồ sơ nộp vào tăng mạnh. Cụ thể, theo Hội đồng tuyển sinh của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, chỉ tiêu tuyển sinh cho tất cả các ngành của trường là 3.000, trong khi số hồ sơ nộp vào lên đến 10.000.
Học sinh tự… phân luồng
Thí sinh Nguyễn Hữu Tùng (ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết nếu xét điểm thi THPT quốc gia hoặc học bạ THPT thì em đỗ vào top các ngành có điểm đầu vào cao của Trường ĐH Cần Thơ. Tuy nhiên, để sớm có việc làm với nghề yêu thích, Tùng quyết định nộp hồ sơ vào Trường CĐ Bách khoa Nam Sài Gòn để học ngành điều dưỡng. Tại Trường CĐ nghề Nguyễn Trường Tộ, số thí sinh có điểm thi THPT quốc gia cao hay điểm học bạ lên đến 7,0 nộp hồ sơ vào trường tăng so với năm học 2017-2018. Mặc dù thời điểm này các trường ĐH còn đang xét tuyển, nhưng theo đánh giá của đại diện nhiều trường CĐ-TC nghề, tỷ lệ tuyển sinh năm nay sẽ khả quan hơn. Ông Trần Ngọc Cường (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật Thủ Đức) khẳng định với chương trình đào tạo vừa học lý thuyết (30% thời lượng) vừa thực hành (70%), ra trường có việc làm ngay…, đó là những tiêu chí mà học sinh quyết định lựa chọn học nghề. Thực tế vẫn còn không ít học sinh và phụ huynh có quan niệm “bằng mọi giá phải vào ĐH”, tuy nhiên, số học sinh đã tự… phân luồng cho mình vào trường nghề cũng không ít.
Bà Huỳnh Thị Thu Trang (Trưởng phòng Đào tạo Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật Q.12, TP.HCM) nhìn nhận: Suy nghĩ học để có tấm bằng cử nhân không còn là phổ biến, học nghề hiện nay được học sinh và phụ huynh cân nhắc lựa chọn kỹ càng hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để người học phát huy năng lực, sở thích và cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, giai đoạn 2018-2020 đến 2025, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 85% tổng nhu cầu nhân lực toàn TP. Trong đó, nhân lực có trình độ TC và công nhân kỹ thuật chiếm đến 51%, trình độ CĐ chiếm 15%, trình độ ĐH chiếm 17% và trên ĐH chiếm 2%. Mặc dù số lượng việc làm gia tăng đáng kể nhưng cơ hội tìm việc làm phù hợp sẽ chỉ rộng mở cho những người có trình độ chuyên môn vững vàng và có nhiều kỹ năng thích nghi. |
Ông Huỳnh Quốc Tuấn (Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ, trước kỳ thi THPT quốc gia, trung tâm có tổ chức tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Tại đây, nhiều học sinh và phụ huynh rất quan tâm đến việc học nghề. Cụ thể, họ hỏi rất kỹ về các ngành nghề, trường đào tạo, cơ hội việc làm, chính sách liên thông, thu nhập… Bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC Nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương) cũng đánh giá cao nhận thức của người học về lĩnh vực GDNN có sự chuyển biến mạnh. Thế mạnh trong tuyển sinh GDNN hiện nay là các trường đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, tổ chức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng. “Trong bối cảnh cạnh tranh tuyển sinh gay gắt, nếu các trường không làm tốt điều này xem như khó tồn tại. Nhờ vậy mà người học sớm làm quen với môi trường thực hành ở doanh nghiệp, ra trường được họ tuyển dụng”, bà Thủy khẳng định.
Chọn nghề theo năng lực
Sớm gia nhập thị trường lao động là một trong những tiêu chí để thí sinh đăng ký học nghề thay vì vào ĐH. Thí sinh Hồ Trung Phú (học sinh Trường THPT Bắc Bình, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) cho rằng để có được việc làm trong thời buổi cạnh tranh hiện nay là không đơn giản. Và để có một công việc ổn định, thu nhập cao cùng cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp càng khó hơn nếu không tìm hiểu xu hướng của thị trường lao động. “Từ kinh nghiệm chọn ngành học của anh trai đã tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh ở một trường ĐH tại TP.HCM nhưng quá vất vả khi tìm việc làm, em quyết định chọn học nghề ngay từ năm lớp 11 theo đúng năng lực của mình”, Tùng chia sẻ.
Được biết, tháng 9 tới, Tùng chính thức nhập học nghề cơ điện tử tại Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng.
Theo ông Đặng Minh Sự (Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), hệ thống GDNN TP.HCM đang đối mặt với nhiều thách thức khi là địa phương có nhiều khu chế xuất – khu công nghiệp và khu công nghệ cao. Hiện nay TP có 517 cơ sở GDNN, gồm: 50 trường CĐ; 65 trường TC; 65 trung tâm GDNN; 278 doanh nghiệp đào tạo nghề và 59 cơ sở dạy nghề khác.
Thời gian qua, TP đã ban hành nhiều chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nâng cao chất lượng GDNN nói riêng. Qua đó đã định hướng cho các cơ sở GDNN trong công tác tuyển sinh, đào tạo các ngành nghề trọng điểm của TP, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động giúp các trường có điều kiện khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, việc tuyển sinh còn gặp không ít khó khăn. Ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho biết trong giai đoạn hội nhập và tiến tới kỷ nguyên số – trí tuê siêu nhân tạo, đòi hỏi phải có đội ngũ lao động lành nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật… Thị trường lao động TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung là thị trường mở (tự do dịch chuyển) với khoảng 300 nghề bậc CĐ và 800 nghề bậc TC. Tuy nhiên các em cần xác định năng lực mà chọn nghề phù hợp. Theo đó, các ngành nghề dự báo có việc làm tăng trong những năm tới là cơ khí chính xác, tự động hóa, chế biến tinh lương thực – thực phẩm, chăm sóc sức khỏe…
T.Anh
Bình luận (0)