Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Điểm cao vẫn phải cân nhắc

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 1-8, tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – sáng tương lai” do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp tổ chức đã được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9 Đài Truyền hình TP.HCM.

Vẫn được cộng điểm ưu tiên như mọi năm

Do được tổ chức đúng vào ngày đầu tiên các trường ĐH, CĐ nhận hồ sơ xét tuyển nên rất đông thí sinh (TS) đã tới tham dự chương trình và đem tâm tư của mình trao đổi với các chuyên gia tư vấn. Trong số các câu hỏi được gửi lên Ban tư vấn, rất nhiều TS đã thắc mắc về việc cộng điểm ưu tiên theo khu vực vì không thấy trong phiếu đăng ký xét tuyển có mục dành cho khu vực ưu tiên như mọi năm. PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: Việc cộng điểm theo khu vực ưu tiên vẫn được áp dụng như các năm trước. Theo qui chế tuyển sinh, TS được ưu tiên theo khu vực và ưu tiên theo đối tượng sẽ được cộng điểm khi xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Dữ liệu về ưu tiên của TS (được đăng ký trong hồ sơ tham dự kỳ thi THPT quốc gia trước đây – PV) sẽ được chuyển đến các trường ĐH, CĐ khi các trường mở cổng thông tin để nhận dữ liệu của TS từ Bộ GD-ĐT. Do đó, trong phiếu đăng ký xét tuyển, các TS không cần khai khu vực ưu tiên.

Cũng đặt câu hỏi liên quan đến nộp hồ sơ xét tuyển, một TS băn khoăn: “Em thi khối A được 21,75 điểm (đã cộng điểm vùng). Giả sử em xét tuyển vào một ngành có chỉ tiêu tuyển sinh là 120 sinh viên, sau khi cập nhật trên website của trường vào 3 ngày cuối của hạn nộp hồ sơ, em xếp thứ 120 mà điểm thấp nhất trong số đó là 21 điểm thì em có nên rút hồ sơ để nộp trường khác hay không?”. PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa chia sẻ: Thông thường, khi xét tuyển các trường thường tuyển một tỷ lệ dự phòng so với chỉ tiêu để trừ hao số TS không đến làm thủ tục nhập học. Do vậy số TS trúng tuyển không nhất thiết phải bằng 120 mà có thể dao động đến 130 sinh viên. “Việc rút hồ sơ hay không, không chỉ là suy nghĩ của riêng em mà còn là suy nghĩ của nhiều TS khác, vì số lượng hồ sơ và phổ điểm thống kê của ngành đó sẽ còn biến động. Do vậy, em phải cân nhắc và quyết định sau khi tham khảo từ nhiều thông tin khác nhau. Tuy nhiên, em cần lưu ý rằng nếu rút hồ sơ vào những ngày cuối sẽ không thật sự thuận tiện vì thủ tục rút ra, nộp vào đòi hỏi phải có thời gian để các trường xử lý”, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa nói.

Nhiều thí sinh và phụ huynh gọi điện thoại về đường dây nóng để được chương trình tư vấn

Điểm cao – vẫn phải cân nhắc

Tại chương trình, TS Trần Hoàng Ân (Q.9) lo lắng: Em có ý định nộp vào ngành quản trị nhân sự và tổ hợp ba môn thi toán, văn, Anh được 19 điểm. Với mức điểm này thì nên nộp vào trường nào để được “an toàn”. Chia sẻ lo lắng với TS này, ThS. Phạm Doãn Nguyên, Phó trưởng phòng Đào tạo khảo thí Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM (UEF) cho rằng: Với điểm sàn ĐH mới được Bộ GD-ĐT công bố (15 điểm), mức điểm em đạt được sẽ có nhiều cơ hội để nộp vào các trường ĐH. “Tuy nhiên, em vẫn phải cân nhắc kỹ để không bị mất cơ hội từ nguyện vọng 1. Hiện đã có rất nhiều trường thông báo mức điểm tối thiểu để nhận hồ sơ xét tuyển. Em có thể căn cứ theo mức điểm này, đồng thời liên tục cập nhật trên các trang thông tin điện tử của trường để nắm rõ tình hình. Thông thường, mức điểm xét tuyển từng năm của các trường sẽ không có nhiều biến động nên em có thể căn cứ vào số điểm mình đạt được và mức điểm xét tuyển của trường các năm trước để có lựa chọn phù hợp”.

Trả lời thắc mắc của một TS thi khối A1 được 22 điểm và nguyện vọng xét tuyển vào ngành kinh tế ngoại thương. ThS. Nguyễn Văn Đương – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – khẳng định: Năm nay, trường lấy mức điểm xét tuyển là 1 điểm. Với số điểm đó, em hoàn toàn có thể đăng ký vào trường. Nếu trúng tuyển, em có 2 lựa chọn: Học chương trình đại trà, sau 3 học kỳ có thể đăng ký vào chuyên ngành ngoại thương nếu kết quả học tập 3 học kỳ cao và có điểm tiếng Anh tốt; hoặc chọn theo học chương trình đào tạo chất lượng cao của trường, chuyên ngành ngoại thương ngay từ khi nhận được giấy báo trúng tuyển và làm thủ tục nhập học.

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Một TS ở Q.Thủ Đức có ý định nộp đơn xét tuyển vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM thắc mắc: “Em thấy cùng một ngành nhưng trường lại xét nhiều tổ hợp môn thi khác nhau. Vậy trường có điểm chuẩn riêng cho từng tổ hợp hay chỉ có một điểm chuẩn chung?”. Vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa khẳng định: Theo qui định, mỗi ngành có thể dùng tối đa bốn tổ hợp môn thi để xét tuyển. Tuy nhiên, việc xét tuyển vẫn phải đảm bảo phải dành 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo các khối thi truyền thống nên các tổ hợp bộ môn mới sẽ không nhiều. Mỗi tổ hợp môn thi vào một ngành sẽ có một mức điểm chuẩn riêng, nhưng thường thì các trường sẽ xem xét để các mức điểm này không quá chênh lệch.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)