Nhóm ngành công nghệ thông tin đang thiếu hụt nhân lực nên số thí sinh quan tâm đến ngành này ngày càng đông |
Cơ khí và công nghệ thông tin được xác định là 2 trong 4 nhóm ngành kinh tế chủ lực từ nay đến năm 2020 của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Hiện có nhiều trường ĐH đào tạo nhóm ngành này nhưng vẫn không thể đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Vì thế, những năm gần đây điểm chuẩn các nhóm ngành này tại nhiều trường ĐH liên tục tăng.
Ngành cơ khí: Thiếu hụt kỹ sư lành nghề
Từ năm 2007 trở về trước, nhóm ngành cơ khí như điện công nghiệp, cơ khí ô tô, chế tạo máy, kỹ thuật nhiệt, công nghệ tự động… của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có điểm chuẩn nguyện vọng 1 từ 18 trở lên; từ năm 2008 đến năm 2012, điểm chuẩn nhóm ngành này hạ khá thấp, ở mức 15-16. Tuy nhiên, kể từ khi được xác định là một trong 4 nhóm ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam, nhiều trường ĐH đã phối hợp với các trường THPT đẩy mạnh công tác hướng nghiệp nhằm thu hút các em học sinh quan tâm nhiều hơn đến nhóm ngành này. Vì vậy, điểm chuẩn của nhóm ngành này trong vài năm gần đây tăng khoảng 1-2 điểm. Cụ thể, nếu năm 2012 điểm chuẩn nguyện vọng 1 vào nhóm ngành cơ khí ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chỉ dao động ở mức 14-15 điểm, thì năm 2013 đã tăng lên 17 đến 20 điểm. Và năm 2014 điểm chuẩn nhóm ngành này ở mức 18 đến 21. Trong đó một số ngành có điểm chuẩn rất cao như công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (21 điểm), công nghệ kỹ thuật cơ điện tử (20,5 điểm), công nghệ kỹ thuật ô tô (20 điểm)…
Tương tự, nhóm ngành cơ khí của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM trong những năm gần đây cũng tăng từ 1 đến 2 điểm. Nếu năm 2012, điểm chuẩn nhiều ngành chỉ bằng mức điểm sàn như công nghệ kỹ thuật cơ khí 13 điểm, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 13 điểm, công nghệ kỹ thuật ô tô 13 điểm, công nghệ kỹ thuật nhiệt 13 điểm… thì đến năm 2013, điểm chuẩn các ngành này đều tăng 2 điểm (15 điểm). Đến năm 2014, điểm chuẩn các ngành này lấy từ 16 đến 17.
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng nằm trong tốp các trường ĐH có điểm chuẩn cao, trong đó điểm chuẩn của ngành kỹ thuật cơ khí năm 2013 và 2014 đều lấy từ 21 đến 22; trong khi những năm trước điểm chuẩn khoảng 18 điểm.
Nhận định về nhóm ngành cơ khí, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Hiện nay các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh lân cận thường ở trong tình trạng thiếu hụt đội ngũ kỹ sư lành nghề các ngành: Chế tạo máy, tiện, phay… Từ nay đến năm 2020, ngành cơ khí chế tạo chính xác – tự động hóa là một trong 4 ngành kinh tế chủ lực cần nhiều lao động. Theo đó mỗi năm ngành này cần khoảng 8.000 người.
Công nghệ thông tin: Đến năm 2020 cần 1 triệu lao động
Công nghệ thông tin không chỉ thuộc nhóm ngành chủ lực để phát triển kinh tế đất nước mà còn được các bạn trẻ yêu thích, khám phá. Bởi vậy, những năm gần đây điểm chuẩn của nhóm ngành này thường tăng và ở mức khá cao, từ 18 điểm trở lên tại các trường thuộc tốp đầu.
Năm 2012, điểm chuẩn nhóm ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) chỉ ở mức 17,5 điểm; đến năm 2013 tăng lên 20,5 điểm và năm 2014 đã ở mức 21,5 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn của nhóm ngành công nghệ thông tin tại Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) cũng tăng khá cao: Nếu năm 2012 điểm chuẩn ngành này lấy 20 (nhân hệ số 2 môn toán), đến năm 2013 tăng lên 24,5 điểm. Và năm 2014, điểm chuẩn dao động từ 26,5 đến 28,5.
Đối với các trường tốp giữa, điểm chuẩn nhóm ngành công nghệ thông tin trong những năm gần đây cũng tăng nhẹ. Chẳng hạn, điểm chuẩn nhóm ngành này ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm 2012 là 14,5 (khối A) và 14 khối A1; năm 2013 tăng lên 19 điểm ở hai khối và năm 2014 ở mức 18 điểm cho cả hai khối. Tương tự, năm 2012, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM lấy điểm chuẩn nhóm ngành công nghệ thông tin ở mức 13. Đến năm 2013 và 2014, điểm chuẩn nhóm ngành này đều tăng 3 điểm (16 điểm).
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực nhóm ngành công nghệ thông tin hiện nay khoảng 250.000 lao động/năm, nhưng hiện nay các trường đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu này. Theo hướng quy hoạch nhân lực quốc gia đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 1 triệu lao động trong lĩnh vực này.
Bài, ảnh: Minh Châu
Bình luận (0)