Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Điểm chuẩn các trường đại học tăng bao nhiêu?

Tạp Chí Giáo Dục

Dựa trên phổ điểm thi THPT quốc gia, số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào từng ngành và điểm chuẩn các năm trước, nhiều trường ĐH đã đưa ra mức điểm sàn và điểm chuẩn dự kiến.
Thí sinh xem kết quả thi THPT quốc gia 2019 	 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh xem kết quả thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Khoảng cách giữa các ngành khá xa
Ngày 16.7, nhóm cán bộ Phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đã căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia năm nay và số lượt thí sinh (TS) đăng ký đợt tháng 4 vào trường để phân tích và đưa ra điểm chuẩn dự báo của 55 chương trình đào tạo (gọi chung là ngành) đại học chính quy. Qua đó cho thấy khoảng cách điểm chuẩn giữa ngành dự báo điểm chuẩn mức cao nhất và thấp nhất cách nhau khá xa, khoảng 8 điểm.
Ngành được dự báo điểm chuẩn cao nhất là khoa học máy tính (thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin), từ 27 – 28 điểm. Trong khi đó, có 3 chương trình đào tạo được dự báo điểm chỉ khoảng 19 – 20 điểm. Mức điểm chuẩn dự báo chia thành 9 nhóm, trong đó các nhóm từ 20 – 21 điểm, 23 – 24 điểm tập hợp rất nhiều ngành/chương trình (từ 9 – 12 ngành/chương trình trong 1 nhóm). Có 7 ngành/chương trình được dự báo điểm chuẩn từ 25 điểm trở lên.
Theo PGS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, vì độ khó đề thi năm nay chỉ ở mức trung bình, không khó như năm 2018, nên kết quả làm bài thi của các TS cao hơn so với năm ngoái. Đây là một yếu tố tác động trực tiếp tới xu hướng điểm chuẩn năm nay. Một yếu tố quan trọng khác là nguyện vọng của TS dồn vào một số ngành khiến dự báo điểm chuẩn tăng vọt lên (từ 2 – 3 điểm so với năm ngoái).
Theo PGS Kiên, những nhóm ngành điểm cao hơn năm ngoái từ xưa đến nay vẫn là ngành “nóng” của trường. Có khoảng vài chục ngành điểm chuẩn dự báo tương đương như năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành “vượt ngược dòng”, năm ngoái ở nhóm điểm chuẩn bình thường thì năm nay được dự báo là sẽ ở trong nhóm ngành điểm chuẩn cao hơn, khoảng 22 – 23 điểm. Chẳng hạn, các ngành quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng năm ngoái chỉ khoảng hơn 20 điểm thì năm ngay được dự báo sẽ nằm trong nhóm ngành có điểm chuẩn 22 – 23, do số lượng TS quan tâm nhiều hẳn lên. Đặc biệt, ngành quản lý công nghiệp – logistics và quản lý chuỗi cung ứng – Đại học Northampton (Anh), năm ngoái điểm chuẩn bình thường, nhưng do nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển tăng vọt, nên nhiều khả năng điểm chuẩn ở mức 23 – 24.
Theo ông Lê Việt Thủy, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, tổng số TS đăng ký xét tuyển vào trường này là 41.000 (tăng 9.000 TS so với năm 2018), tổng số NV là 87.000, trong đó NV1 là gần 21.000 (tăng 4.000 so năm 2018). Nhưng vì số NV tăng lại tập trung vào một số ngành, nên điểm chuẩn những ngành này sẽ tăng so với năm ngoái nếu trong đợt điều chỉnh NV tới TS không có chiến thuật điều chỉnh hợp lý. Chẳng hạn, 10 ngành có số NV1 cao nhất gồm: quản trị kinh doanh, kinh tế quốc tế, marketing, kinh tế, kế toán, công nghệ thông tin, tài chính – ngân hàng, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, điểm chuẩn sẽ tăng từ 1 – 2,25 điểm. Năm ngoái những ngành nào trong số các ngành này điểm chuẩn là 24,35 thì năm nay sẽ lên khoảng 26 hoặc 26,5. Thậm chí, một số ngành năm ngoái chỉ 23,15 hoặc 23,35, năm nay vẫn có thể lên đến 25 – 26 điểm như quản trị khách sạn, kế toán.
Trong khi đó, 10 ngành có số NV1 thấp nhất, gồm định phí bảo hiểm và quản trị rủi ro, khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh, luật, quản lý công và chính sách, đầu tư tài chính, công nghệ tài chính, phân tích kinh doanh, quản trị điều hành thông minh, kinh tế tài nguyên thiên nhiên, quản trị chất lượng và đổi mới, điểm chuẩn sẽ chỉ loanh quanh mức trên 20. Thậm chí một số ngành năm ngoái điểm chuẩn là 20,75 điểm thì năm nay có thể chỉ là 20,5 như kinh tế nông nghiệp, kinh tế tài nguyên thiên nhiên.
Các trường đều tăng ở các ngành nóng
Điểm chuẩn của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng được dự báo sẽ tăng hơn năm 2018. PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết các ngành/nhóm ngành đại trà như khoa học máy tính, điện – điện tử, cơ khí – cơ điện tử, hóa – sinh – thực phẩm, quản lý công nghiệp, hệ thống công nghiệp – logistics, kỹ thuật ô tô… điểm chuẩn có thể cao hơn năm 2018 khoảng 1,5 điểm.
Nhóm các ngành có điểm chuẩn năm 2018 nằm ở mức giữa 18 – 21, như xây dựng, tàu thủy – hàng không có thể giữ nguyên hoặc chỉ tăng 0,5 điểm. Các ngành kỹ thuật vật liệu, nhóm ngành môi trường, trắc địa – bản đồ, công nghệ vật liệu xây dựng, cơ kỹ thuật, vật lý kỹ thuật, kỹ thuật nhiệt, nhóm ngành dệt – may, nhóm ngành địa chất – dầu khí, bảo dưỡng công nghiệp điểm chuẩn có khả năng không biến động nhiều.
Đặc biệt, theo ông Thắng, năm 2019 ngành kỹ thuật máy tính tuyển sinh riêng theo ngành nên điểm chuẩn có thể sẽ thấp hơn nhóm ngành này năm ngoái. Đối với ngành đào tạo chất lượng cao và tiên tiến, điểm chuẩn sẽ ít biến động.
Trong khi đó, theo tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, dựa vào phổ điểm và TS đã đăng ký, dự báo có thể điểm chuẩn ngành khai thác vận tải (chuyên ngành logistics và vận tải đa phương tiện) sẽ cao nhất nhưng tăng không nhiều so với năm trước.
Các ngành có điểm chuẩn thấp hơn sẽ gồm: kỹ thuật tàu thủy; khoa học hàng hải (các chuyên ngành: điều khiển tàu biển, vận hành khai thác máy tàu thủy, công nghệ máy tàu thủy); kỹ thuật xây dựng công trình giao thông.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng đã công bố điểm sàn xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, dựa trên số lượng NV đăng ký, phổ điểm thi và điểm chuẩn các năm trước, trường dự kiến điểm sàn (điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển) vào các ngành ĐH năm nay từ 15 – 17 điểm.
Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh – truyền thông của trường, điểm chuẩn các ngành “nóng” dự kiến sẽ tăng từ 2 – 3 điểm và ở mức khoảng 20 như: công nghệ thực phẩm, quản trị nhà hàng… Các ngành khác có thể sẽ tăng hơn 1 điểm với điểm chuẩn dự kiến từ 16 trở lên.
Còn tại Trường ĐH Luật TP.HCM, theo thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Phụ trách phòng đào tạo, trường này không đưa ra dự kiến điểm chuẩn vì kết quả trúng tuyển của trường được xác định dựa vào 3 tiêu chí (trong đó có điểm thi THPT quốc gia năm 2019). Phương thức xét tuyển của trường gồm 10% điểm học bạ, 60% điểm thi THPT quốc gia năm 2019 và 30% điểm của bài kiểm tra đánh giá năng lực trường tự tổ chức (kỳ thi này diễn ra ngày 18.7).
Theo Quý Hiên – Hà Ánh/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)