Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Điểm chuẩn lớp 10 chuyên tăng vọt song “chấp nhận được”

Tạp Chí Giáo Dục

Thay đổi về phương thức tuyển sinh kéo theo sự thay đổi trong phương thức tính điểm xét tuyển là nguyên nhân của hiện tượng điểm chuẩn lớp 10 chuyên năm học 2021-2022 tại TP.HCM tăng vọt, thấp nhất là khoảng 10 điểm. Trong cùng một trường, cùng một môn chuyên nhưng mức điểm chuẩn giữa 2 năm có sự biến động lớn, thậm chí cách biệt lên đến trên 23 điểm.

Đặt trong bối cảnh dịch bệnh tại TP.HCM như hiện nay, nhiều nhà giáo dục cho rằng, sự chênh lệch điểm chuẩn này là dễ hiểu và chấp nhận được. Tuy nhiên, ngành giáo dục cần phải lường trước bài toán xét tuyển trong năm tới đây để kiểm soát hiện tượng này, cũng như tránh căn bệnh chạy đua để làm đẹp học bạ…

Theo thầy Phạm Phương Bình- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), sở dĩ mức điểm chuẩn chuyên năm nay tăng vọt so với mọi năm là do thay đổi về phương thức tuyển sinh nên kéo theo thay đổi về cách thức tính điểm trúng tuyển.



Sự cách biệt lớn giữa điểm chuẩn lớp 10 chuyên năm nay với năm trước

Các năm trước, khi tuyển sinh 10 được tổ chức thi tuyển, đối với 3 môn Toán, Văn, Anh phổ điểm tập trung từ 6-8 điểm, chỉ khoảng 10% thí sinh đạt trên 8. Đề thi chuyên tính trên thang điểm 20 nhưng phần lớn học sinh chỉ đạt được là điểm trung bình, cá biệt như môn Lý chuyên hầu hết điểm dưới 12 điểm. Đề thi chuyên đòi hỏi cao hơn so với đề kiểm tra học kỳ do phải khảo sát cả năng khiếu và năng lực môn chuyên.

Năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh nên việc thi tuyển được thay thế bằng hình thức xét tuyển qua điểm học bạ, điểm bài thi môn chuyên cũng được thay thế bằng điểm học bạ, do đó phổ điểm của điểm trung bình các môn ở cuối năm lớp 9 cao hơn, rất nhiều em có mức điểm trên 8.

“Việc xét tuyển bằng điểm học bạ chưa thể đáp ứng được yêu cầu lựa chọn học sinh có năng khiếu 100% vào các trường chuyên, lớp chuyên, mà chỉ đáp ứng được phần nào cho công tác xét tuyển. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, phương án xét tuyển và cộng điểm khuyến khích được xem là giải pháp đảm bảo tính công bằng cho học sinh, thoả mãn các tiêu chí xét tuyển. Việc Sở GD-ĐT TP cộng điểm HSG cũng nhằm mục đích chọn những học sinh có năng khiếu bộ môn chuyên mà các em đã tham gia kỳ thi do Sở tổ chức, việc này cũng làm hạn chế ảnh hưởng của 3 môn Văn, Toán, Anh đến kết quả xét tuyển vào những môn chuyên.

Song, quá trình giảng dạy đòi hỏi các trường chuyên, trường có lớp chuyên phải có kế hoạch bổ sung kiến thức và xây dựng chương trình chuyên phù hợp hơn. Đặc biệt khắc phục các hạn chế về kiểm tra năng khiếu môn chuyên của học sinh mà kỳ xét tuyển này chưa thể hiện được”, thầy Bình nhận định.

Cũng theo thầy Bình, để khắc phục thực tế “chênh lệch” này cũng như lường trước tình huống nếu buộc phải tính đến việc xét tuyển vào năm tới đây, Sở GD-ĐT cần chú trọng hơn nữa chỉ đạo việc dạy học, kiểm tra công tác kiểm tra đánh giá học sinh của các trường. Sở nên ra đề kiểm tra học kỳ chung toàn TP như đã từng thực hiện, đối với các môn tuyển sinh 10. Như vậy, độ lệch và kết quả xếp loại lớp 9 sẽ tiệm cận hơn. Điều này cũng sẽ giúp các trường nghiêm túc hơn trong tổ chức dạy học, hạn chế những tiêu cực từ phía giáo viên như ép học sinh học thêm, hạn chế việc làm đẹp học bạ…


Việc thay đổi phương thức tuyển sinh 10 dẫn đến thay đổi công thức tính điểm xét tuyển đã tác động mạnh đến mức điểm chuẩn lớp 10 chuyên năm nay

Đánh giá một cách tổng quan, ông Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho rằng, mức điểm chuẩn trường chuyên tăng vọt trong năm nay đã phản ánh đúng về công thức xét tuyển lớp 10 theo điểm trung bình môn cả năm, song ở mức “chấp nhận được”.

Phân tích sâu hơn, ông Ngai chỉ rõ, xét tổng thể về dữ liệu điểm xét tuyển của Sở, sự chênh lệch trong đánh giá học sinh giữa các trường, các địa phương dù vẫn còn tồn tại nhưng đã có sự thu hẹp lớn. Mặc dù vậy, nhìn vào kết quả phương thức xét tuyển, đòi hỏi công tác đánh giá học sinh, kiểm tra thường xuyên, định kỳ cần phải có sự giám sát, tính đoán để thực chất hơn.

“Từ hiện tượng xét tuyển lớp 10 trong năm nay, nếu không cẩn trọng, giáo dục có thể lại sa vào bệnh thành tích. Năm học tới đây, nhiều trường, nhiều phụ huynh có thể sẽ chạy đua, dễ dãi hơn để làm đẹp học bạ cho học sinh, tạo ưu thế trong xét tuyển nếu như dịch bệnh tiếp tục đặt ra yêu cầu về xét tuyển..”, ông Ngai lo ngại.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)