Sự kiện giáo dụcTin tức

Điểm chuẩn “sát sàn” vẫn lo thiếu chỉ tiêu

Tạp Chí Giáo Dục

Điểm sàn vẫn giữ mức như năm ngoái (khối A, D: 13; B, C: 14) nhưng do kết quả thi của thí sinh (TS) thấp nên điểm chuẩn vào nhiều ngành của các trường bị tụt giảm.
Ngành sư phạm “xuống giá”
Ở khối ngành sư phạm (SP) tại các trường, điểm chuẩn giảm rõ rệt. Tại Trường ĐH SP Kỹ thuật TP.HCM, chỉ 2 trong 10 ngành đào tạo hệ SP là SP tiếng Anh và SP kỹ thuật xây dựng là vẫn giữ mức điểm chuẩn năm ngoái, lần lượt là 20 và 14. Tuy nhiên mức điểm này cũng đã giảm đi so với năm 2009. Tám ngành SP gồm: SP kỹ thuật điện tử – truyền thông, SP kỹ thuật điện – điện tử, SP kỹ thuật cơ khí, SP kỹ thuật công nghiệp, SP kỹ thuật cơ điện tử, SP kỹ thuật ô tô, SP kỹ thuật nhiệt và SP kỹ thuật công nghệ thông tin năm 2010 chỉ lấy ở mức khá thấp với 14 điểm nhưng năm nay đã hạ xuống mức “sát sàn” là 13. TS.Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH SP Kỹ thuật TP.HCM) giải thích, nguyên nhân điểm chuẩn giảm do đề thi năm nay khó hơn mọi năm, kéo theo điểm thi thấp. Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn, theo TS.Dũng do những năm trở lại đây, TS có xu hướng chuộng các khối ngành kinh tế, không còn quan tâm nhiều đến khối ngành SP. Trường ĐHSP TP.HCM, các ngành SP thuộc khối xã hội điểm thấp hẳn và chỉ ở mức ngang ngửa điểm sàn. Cụ thể, ngành SP ngữ văn 15,5 điểm; SP lịch sử 14 điểm; SP địa lý 14 điểm. Ngành SP tiếng Anh năm ngoái lấy 26 điểm thì năm nay chỉ còn 24,5 điểm. Tại ĐH địa phương, hầu như rất khó kiếm điểm chuẩn cao ở các ngành SP. Trường ĐH Đà Lạt, mức điểm khối ngành SP năm nay “thấp đều”. Ba ngành cao nhất là SP tiếng Anh, SP ngữ văn và SP lịch sử chỉ lấy 16 điểm. Các ngành SP toán học, SP tin học, SP vật lý, SP sinh học, cũng chỉ lấy ở mức 14 và 15 điểm.
Ở hệ CĐ, ngành SP mỹ thuật của Trường CĐ SP Trung ương TP.HCM có 70 chỉ tiêu nhưng mới chỉ 45 em đậu nguyện vọng 1. Ngành giáo dục đặc biệt còn thấp hơn, chỉ tuyển được 37 em trong khi chỉ tiêu lên đến 120. Đại diện nhà trường cho biết, số chỉ tiêu nguyện vọng 2 cho các ngành SP mỹ thuật, giáo dục đặc biệt, SP tiếng Anh, giáo dục công dân cũng lên đến 270.
Trường ngoài công lập: vừa lo thiếu vừa lo “ảo”
Với việc Bộ GD-ĐT giữ nguyên mức điểm sàn đã duy trì suốt ba năm nay, đồng thời cương quyết không cho phép các trường ĐH ngoài công lập (NCL) được “hưởng” một mức điểm sàn riêng, trong khi điểm thi chung của TS năm nay thấp, các đơn vị này như càng gánh thêm áp lực. Cũng do mặt bằng điểm thi thấp, năm nay, nhiều trường công lập để đảm bảo chỉ tiêu đã phải lấy mức điểm chuẩn chỉ ngang hoặc nhỉnh hơn mức sàn từ 1 đến 1,5 điểm. Điều này càng đẩy các trường NCL vào thế khó khăn hơn, vì với cùng một mức điểm xét tuyển, rõ ràng TS phải ưu tiên chọn học những trường công lập trước. Năm nào, “công thức” chung của các trường NCL cũng thường là lấy bằng mức điểm sàn của bộ, nhiều đơn vị xin vận dụng thêm điều 33 trong quy chế tuyển sinh. Tuy nhiên, kết quả chung của nhiều năm liền cũng là không tuyển đủ chỉ tiêu. ThS.Phan Nam (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Yersin Đà Lạt) dẫn chứng, hai năm nay trường đều chỉ lấy ngang mức điểm sàn cho tất cả các ngành, đồng thời xin vận dụng điều 33 quy chế tuyển sinh, song con số TS tuyển được sau 3 nguyện vọng mỗi năm chỉ dừng lại ở 50%. Năm nay, con số TS tuyển được ở nguyện vọng 1 tại trường hiện mới chỉ khoảng 600. Số chỉ tiêu cần tuyển ở nguyện vọng 2 lên đến 1.000, nhưng theo ThS.Phan Nam, việc tuyển đủ là điều rất khó, nhà trường đang rất phân vân. Việc vận dụng điều 33 trong quy chế tuyển sinh các năm qua chỉ giúp trường tăng được lượng tuyển và vẫn không đáp ứng đủ chỉ tiêu. Do đó, năm nay trường tiếp tục vận dụng quyền ưu tiên này, tuy nhiên, có kiến nghị bộ để được nâng thêm mức điểm. Cụ thể, khoảng cách giữa các khu vực khi được vận dụng điều 33 sẽ là 1 điểm, nay trường xin được nâng mức này lên thành 1,5 điểm. Khi đó, nguồn tuyển của trường sẽ rộng hơn, tuy nhiên, đây mới chỉ là kiến nghị và nếu không được bộ chấp thuận thì trường sẽ tiếp tục rơi vào thế khó. Tại Trường ĐH Lạc Hồng, Trưởng phòng Đào tạo Lâm Thành Hiển cũng nêu thực tế, dù ở nguyện vọng 1 trường gọi được 80% chỉ tiêu nhưng số thực nhập học chỉ khoảng 60%. Việc tuyển được TS ở các trường NCL đã là điều không dễ, vấn đề TS “ảo” lại càng khó tránh.
M.Tâm

Bình luận (0)