Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Điểm chuẩn sẽ có nhiều biến động

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM làm bài thi tại kỳ thi ĐH, CĐ 2012. Ảnh: L.H

Đến thời điểm này, các trường ĐH và CĐ đã hoàn tất công việc công bố điểm thi. Nhìn vào bức tranh tổng thể có thể thấy, giữa các trường, có sự phân định rất rõ ràng về thương hiệu.
Khối B: Điểm cao vẫn khó đỗ nguyện vọng 1
Kết quả tuyển sinh năm nay cho thấy có hai thủ khoa đạt 30 điểm đều thi khối B và đều thuộc khối ngành y dược. Không những thế, điểm thi khối B năm nay của thí sinh (TS) khá cao do đó, điểm chuẩn cũng khó thấp hơn năm 2011. ĐH Y Hà Nội dự kiến điểm chuẩn sẽ tương đương năm trước. Năm 2011, hai ngành lấy điểm cao nhất là bác sĩ đa khoa và bác sĩ răng hàm mặt lấy 25,5 điểm. Những ngành còn lại lấy điểm từ 20 điểm trở lên. Như vậy, những TS đăng ký vào ngành bác sĩ đa khoa hay răng hàm mặt thì từ 25 điểm trở xuống sẽ bị trượt nguyện vọng (NV) 1. Ở ĐH Y Hải Phòng, thống kê của trường cho thấy, có hơn 900 TS đạt điểm từ 21 trở lên nhưng chỉ tiêu của trường chỉ có 720. Rất có thể, dù đạt đến 21 điểm thì những TS dự thi vào ĐH Y Hải Phòng vẫn phải nói lời chia tay với trường. Đối với các trường không thuộc khối y dược mà khối ngành khác tuyển khối B cũng có điểm chuẩn cao hơn điểm sàn từ 1-2 điểm. ĐH Nông nghiệp dự kiến điểm chuẩn khối B sẽ cao hơn khối A.
Không những thế, các trường, các ngành tuyển sinh khối B đều rất đặc thù, chủ yếu rơi vào khối ngành y dược và môi trường. Những trường đào tạo lĩnh vực này lại rất ít, không “nhà nhà, trường trường” đào tạo như ngành kinh tế. Do đó, cơ hội để vào học NV2 của TS không nhiều.
Khối A: TS nhiều lựa chọn
Khác với những TS thi khối B, TS thi khối A có rất nhiều lựa chọn. Chỉ tính riêng các trường thi đợt 1 (khối A và A1, V) đã cao hơn các trường thi đợt hai gồm tất cả những khối còn lại. Những TS dự thi đợt 1, nếu không đỗ NV1 còn có rất nhiều lựa chọn nhất là khối ngành kinh tế – kế toán. Hiện nay, nhóm ngành này gần như phủ kín các trường, từ ĐH công lập đến ĐH ngoài công lập. Muốn học tài chính ngân hàng, không nhất thiết TS phải đỗ tới 24-25 điểm để vào ngoại thương hay 22-23 điểm để vào Học viện Ngân hàng. Chỉ cần 18-19 điểm là có thể đỗ vào ngành này tại Học viện Hành chính quốc gia. Với ngành kế toán, các trường từ nông nghiệp đến ngoại thương đều đào tạo. Hệ dân sự của các trường quân đội cũng có. Năm nay, TS lại không bị khống chế NV. Do đó, chỉ cần trên điểm sàn, TS khối A sẽ có khả năng trúng tuyển rất cao dù không đỗ NV1.
Khối C và khối năng khiếu: Khó khăn
Cũng giống như khối B, các TS lựa chọn thi khối C đã biết trước được sự lựa chọn của mình sẽ khó khăn như thế nào. Ở khu vực phía Bắc, các trường tuyển khối C chỉ đếm trên đầu ngón tay như ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Văn hóa, ĐH Công đoàn, ĐH Sư phạm Hà Nội, Học viện Báo chí tuyên truyền, Học viện Hành chính quốc gia, ĐH Luật… Những trường này lại rất hiếm khi lấy NV2. Hơn nữa, ĐH KHXH&NV vốn là một trường chuyên về khối xã hội nhưng giờ cũng đã tuyển cả khối A. Do đó, cơ hội của các TS nếu trượt NV1 là rất ít, thậm chí là hầu như không có. Đồng cảnh ngộ với TS khối C là TS thi các ngành năng khiếu. Khối ngành này còn khắc nghiệt hơn vì không có cơ hội để xét tuyển NV2. Mỗi trường thi một nội dung năng khiếu riêng, lại thi cùng đợt, các TS chỉ có hai môn văn hóa chung. Nếu không thi đợt khác, TS không có nhiều cơ hội để bước chân vào ĐH. 
Các trường đều dự kiến công bố điểm chuẩn sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn. Theo quy định, bộ sẽ công bố điểm sàn trước 10-8. Các trường sẽ được xét tuyển đến khi đủ chỉ tiêu.
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)