Kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ sư phạm năm nay chứng kiến sự gia tăng ngoạn mục của điểm trúng tuyển. Không chỉ ở trường công, nhiều ngành tại các trường ngoài công lập bất ngờ tăng vọt 5-6 điểm.
Điểm chuẩn tăng kỷ lục, nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt ngành yêu thích |
Có thí sinh dù đã “trừ hao” khi đăng ký lựa chọn nhưng cuối cùng vẫn phải “chia tay” ngành học yêu thích ở mức điểm không hề thấp.
Trường ngoài công lập điểm tăng đột biến
Nhìn vào điểm chuẩn của các trường ĐH ngoài công lập năm nay, có thể thấy sự biến động rõ rệt. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ngành có điểm trúng tuyển cao nhất tăng đến 6 điểm. Các trường: ĐH Văn Hiến, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM… cũng tăng 5 đến 5,5 điểm. Ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ngành quản trị khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống có điểm chuẩn cao nhất là 21, tăng tới 6 điểm. Kế đó, ngành y học dự phòng lấy 18 điểm; ngành Việt Nam học và kỹ thuật ô tô lấy 17,5 điểm, tăng 2,5 điểm. Ngành quản trị kinh doanh cũng tăng 2 điểm…Tương tự, điểm trúng tuyển ngành cao nhất của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm nay là 21, thuộc về ngành marketing, tăng 5,5 điểm so với năm 2016. Tất cả các ngành còn lại đều có mức điểm chuẩn cao hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT từ 0,5 – 5,5 điểm, tăng đáng kể so với điểm chuẩn năm 2016. Trong đó, điểm chuẩn của ngành ngôn ngữ Anh tăng 5 điểm; các ngành công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn tăng 4 điểm. Các ngành ngôn ngữ Nhật, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống tăng 2,5 – 3 điểm. Ngành công nghệ kỹ thuật ô tô tăng 3 điểm… Trường ĐH Văn Hiến, điểm chuẩn các ngành cũng tăng từ 1-5 điểm so với năm 2016. Trường ĐH Văn Lang có ngành tăng tới 3 điểm. Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, điểm chuẩn trúng tuyển các ngành quản trị khách sạn, kinh doanh quốc tế cao nhất, tăng 5 điểm so với năm 2016. Hai ngành luật kinh tế và quản trị kinh tăng 3,5 – 4 điểm. Ngành marketing có điểm trúng tuyển tăng 4 điểm. Các ngành tài chính ngân hàng, kế toán, quản trị nhân lực tăng 1 điểm…
Điểm cao vẫn “chia tay” ngành yêu thích
Ở nhiều trường công lập, những ngành vốn có điểm trúng tuyển cao nay không chỉ lấy điểm cao mà còn ràng buộc thêm tiêu chí phụ nên không ít thí sinh trượt ngành yêu thích dù nắm trong tay mức điểm không-phải-vừa.
Với 27 điểm khối C, thí sinh N.H.D (ở Đăk Lắk) vừa “chia tay” ngành học yêu thích là quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Cùng với báo chí, ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành ở trường này năm nay đạt mức điểm cao kỷ lục: 27,25 cho khối C (văn, sử, địa). Chỉ thiếu 0,25 điểm và mặc dù sở hữu mức điểm rất cao, thí sinh D. đã phải ngậm ngùi ngóng trông cơ hội ở ngành khác.
Tiếp tục xét bổ sung Hiện nay có trường tiếp tục xét bổ sung tất cả các ngành nhưng cũng có nơi chỉ xét một số ngành vì đã tuyển đủ ở đợt thứ nhất. ThS. Nguyễn Bá Anh (Phó Trưởng phòng Tổng hợp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết, với 4.900 chỉ tiêu đào tạo bậc ĐH năm nay, trong đó 50% xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia, trường sẽ tiếp tục xét tuyển bổ sung cho tất cả các ngành từ mức điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1. Tương tự, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Phó Trưởng phòng tuyển sinh – truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, trường sẽ xét tuyển bổ sung đối với 3 ngành mới là thú y, an toàn thông tin và kinh doanh quốc tế với cùng mức điểm 15,5. Năm nay, Trường ĐH Kinh tế – Luật không tuyển bổ sung đối với các chương trình đào tạo tại TP.HCM. Tuy nhiên, Phân hiệu của ĐH Quốc gia TP.HCM ở Bến Tre có tuyển bổ sung cho 2 ngành tài chính – ngân hàng và kinh tế học với 40 chỉ tiêu mỗi ngành. Thí sinh ở khu vực Tây Nam Bộ có điểm thi từ 23 trở lên đối với ngành kinh tế học và 22,75 đối với ngành tài chính – ngân hàng có thể nộp hồ sơ đăng ký. Tương tự, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM sẽ xét tuyển bổ sung đối với 3 ngành mới là quan hệ quốc tế, luật quốc tế và ngôn ngữ Nhật với mức điểm từ 16 trở lên. Ngoài ra, trường cũng sẽ xét tuyển bổ sung những ngành thiếu chỉ tiêu (nếu có) sau ngày 7-8. |
Trong khi đó, ở Trường ĐH Y dược TP.HCM, năm nay ngành y đa khoa lấy mức điểm chuẩn là 29,25, tuy nhiên trường còn ràng buộc thêm 2 tiêu chí phụ. Những năm gần đây, tiêu chí phụ được trường dùng để tuyển chọn trong trường hợp có quá nhiều thí sinh trùng điểm nhau. Cụ thể, tiêu chí phụ 1 dựa vào điểm môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT; tiêu chí phụ 2 dùng điểm môn hóa học áp dụng cho ngành dược học, điểm môn sinh học áp dụng cho các ngành còn lại. Kế đến, ngành răng hàm mặt cũng lấy mức 29 điểm cùng các tiêu chí phụ. Ngành thấp nhất cũng đã lấy trên 22 điểm. Điều này đồng nghĩa, ở một số ngành học hấp dẫn như y đa khoa, răng hàm mặt, thí sinh dù đạt ngưỡng điểm rất cao, từ 29 trở lên nhưng không đáp ứng các tiêu chí phụ vẫn tuột mất cơ hội.
Tại nhiều trường ĐH công lập khác, mức điểm trúng tuyển cũng tăng đáng kể. Nhiều thí sinh có điểm cao hơn mức điểm trúng tuyển ngành lựa chọn của năm trước 2 điểm nghĩ rằng nắm chắc cơ hội khi đăng ký xét tuyển hoàn toàn có thể bị trượt do mức điểm chuẩn tăng đến 3,5 điểm. Theo TS. Lê Chí Thông (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM), điểm trúng tuyển tại trường năm nay tăng từ 0,5 – 3,5 điểm so với năm trước. Trong đó, điểm trúng tuyển cao nhất thuộc về nhóm ngành hoa học máy tính, kỹ thuật máy tính với 28 điểm, tăng 2,5 điểm so với năm 2016. Ngành địa chất – dầu khí cũng tăng tới 3,5 điểm…
M.Tâm
Bình luận (0)