Ngoài phương thức xét tuyển sớm, các trường ĐH vẫn dành phần lớn chỉ tiêu cho xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Với đề thi tốt nghiệp vừa qua, một số chuyên gia nêu dự báo về tình hình điểm chuẩn ĐH bằng phương thức xét điểm kỳ thi này.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, với đề thi có độ phân hóa như năm nay việc thí sinh (TS) đạt mức điểm trên 8 là khó, đặc biệt các môn toán, lý. Trong khi đó, tổ hợp môn xét tuyển phổ biến của các trường ĐH lại liên quan đến các môn này. Do đó, so với 2 năm trước thì điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ giảm với những ngành có điểm chuẩn cao.
Bên cạnh đó, cũng theo tiến sĩ Nhân, năm nay số lượng TS xét tuyển sớm vào các trường ĐH đều giảm đáng kể so với năm trước. Thực trạng này khiến các trường ĐH buộc phải điều chỉnh chỉ tiêu còn lại của phương thức xét tuyển sớm cho phương thức xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm điểm trúng tuyển kỳ thi tốt nghiệp.
"Xu hướng này sẽ xảy ra ở hầu hết các trường còn dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức này. Đặc biệt sẽ khó có điểm chuẩn 30 điểm cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cho năm 2023", tiến sĩ Nhân nhìn nhận.
Thí sinh kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trong hôm qua và bắt đầu chờ công bố kết quả để xét tuyển vào ĐH. NHẬT THỊNH
Cũng theo ông Nhân, tình trạng trên không ngoại lệ với Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Nếu năm trước, các ngành của trường đều dành dưới 50% chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT, thì năm nay hầu hết đều trên mức này. Một số ngành năm ngoái điểm chuẩn trên mức 25 thì năm nay khó vượt qua được ngưỡng này, như: luật, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, marketing. Điểm trúng tuyển các ngành của trường dự đoán sẽ giảm. Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển kết quả kỳ thi này dự kiến giảm 1 điểm so với năm ngoái, còn 18.
Tương tự, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết hiện nay trường còn đến 60% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trong đó có nhiều ngành chiếm tới 70 – 80% chỉ tiêu. "Căn cứ vào tình hình thực tế, nếu TS và giáo viên đánh giá đề năm nay ở mức độ khó, thì có khả năng phổ điểm sẽ không cao. Trong khi đó, chỉ tiêu cho phương thức này của đa số các trường còn rất nhiều, từ 60% trở lên, nên dự đoán điểm chuẩn sẽ tương đương năm ngoái hoặc nếu có biến động thì rất nhẹ, tùy vào từng ngành".
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thì phân tích năm nay đề thi tốt nghiệp THPT được đánh giá có độ phân hóa mạnh ở một số môn. Tuy nhiên, năm nay các trường ĐH sẽ dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển TS bằng điểm kỳ thi tốt nghiệp. Do đó, điểm trúng tuyển dự báo sẽ thấp hơn năm ngoái từ 0,5 – 1 điểm với những ngành có nhóm điểm chuẩn mức trung bình.
Các môn thi tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội được đánh giá phân hóa tốt để xét tuyển vào ĐH. NHẬT THỊNH
Ngành "hot" sẽ tăng điểm chuẩn ?
Thạc sĩ Phùng Quán, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng dựa trên đánh giá các chuyên gia về đề thi môn toán, khoa học tự nhiên và ngoại ngữ, điểm chuẩn các ngành "hot" sẽ tiếp tục cao. Điều này một phần do chỉ tiêu còn lại không nhiều, các bài thi điểm vẫn khá cao dù khó có điểm 10. Các ngành điểm từ 21 – 24 sẽ tăng nhẹ. Các ngành điểm chuẩn dưới 21 của năm trước, năm nay cũng không nhiều thay đổi do số TS quan tâm không nhiều.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn cũng cho rằng các ngành nhiều TS quan tâm, điểm chuẩn vẫn giữ mức cao như năm ngoái, trong khoảng 24 – 28 điểm. Nhưng theo thạc sĩ Sơn, các ngành thuộc nhóm xét tuyển khối C00, C04, C03… thì điểm chuẩn dự báo vẫn từ mức 25 – 29.
Riêng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ông Sơn cho rằng mức điểm trúng tuyển bằng thi tốt nghiệp THPT dự báo sẽ thấp hơn năm ngoái khoảng 0,25 – 1 điểm. Nguyên nhân do chỉ tiêu năm nay cao hơn trong khi số lượng hồ sơ xét tuyển sớm nộp vào trường chỉ bằng hơn 1/3 năm ngoái.
Trong khi đó, tiến sĩ Hạ thì cho rằng tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ngay cả những ngành "hot" thu hút nhiều TS nộp hồ sơ như báo chí, quan hệ quốc tế, tâm lý học, truyền thông đa phương tiện, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, có thể điểm chuẩn cũng sẽ không tăng nếu như đề thi khó. Những ngành còn ít TS nộp hồ sơ thì chỉ tiêu còn đến 70 – 80% cho điểm thi tốt nghiệp như địa lý học, nhân học, triết học, lưu trữ học, thông tin – thư viện, tôn giáo học, ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Ý, có khả năng điểm sẽ giảm.
"Khi biết điểm thi, TS nên tham khảo điểm chuẩn năm trước của ngành mong muốn học rồi căn cứ vào mức điểm của mình, cảm thấy phù hợp thì các em cứ đăng ký lên hệ thống", tiến sĩ Hạ khuyên.
Thí sinh trao đổi về đề thi môn toán sau giờ thi. ĐÀO NGỌC THẠCH
Cơ hội còn nhiều cho TS
Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chỉ tiêu cho phương thức điểm thi tốt nghiệp ở cả chương trình đại trà và chất lượng cao còn khoảng 2.300, trong đó chương trình đại trà là 1.900 chỉ tiêu.
"Chỉ tiêu còn nhiều, và theo nhận định đề thi năm nay khó đạt điểm cao nên điểm chuẩn các ngành tại trường có khả năng sẽ vẫn giữ nguyên so với năm trước hoặc giảm. Riêng chương trình chất lượng cao, mặt bằng điểm chuẩn thường thấp hơn đại trà từ 1 – 2 điểm. Hiện nay tất cả các ngành của trường đều có sự quan tâm tương đối đồng đều từ TS, riêng ngành ngôn ngữ Anh ít TS nộp hồ sơ hơn", tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, đánh giá.
Trong khi đó, Trường ĐH Văn Lang còn khoảng 5.100 chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp. Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng, nhận định cơ hội cho TS vẫn rất rộng mở với mức điểm chuẩn dự đoán thấp hơn hoặc bằng năm 2022. "Hiện có một số ngành còn ít TS nộp như kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật hàng không, kỹ thuật nhiệt, công nghệ kỹ thuật môi trường, công nghệ thẩm mỹ, công nghệ sinh học, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống… Những ngành này điểm chuẩn có khả năng năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái", tiến sĩ Tuấn chia sẻ.
Thạc sĩ Trần Hải Nam, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho rằng đề được đánh giá khó thì có khả năng phổ điểm của TS sẽ thấp, dẫn đến điểm chuẩn cũng không thể tăng so với năm 2022. "Trường còn khoảng 5.600 chỉ tiêu cho TS xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Tại trường, đối với những ngành có mức điểm chuẩn thường cao hơn các ngành còn lại như dược học, kỹ thuật xét nghiệm y học, công nghệ thông tin, robot và trí tuệ nhân tạo, công nghệ kỹ thuật ô tô… dự đoán năm nay sẽ tương đương năm ngoái, ở mức từ 19 – 21 điểm. Các ngành còn lại như kỹ thuật xây dựng, công nghệ dệt may, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật cơ điện tử, thiết kế đồ họa, Đông Phương học, kế toán… nhiều chỉ tiêu nhưng ít TS nộp hồ sơ, nếu phổ điểm năm nay thấp thì có khả năng điểm chuẩn sẽ giảm".
Bắt đầu chấm thi tốt nghiệp THPT từ hôm nay (30.6) Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết từ ngày 30.6 sẽ bắt đầu triển khai các công việc liên quan đến chấm thi, đáp án sẽ được giải mã và công bố trong 1 – 2 ngày tới. Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho TS và tuyển sinh ĐH. Các đoàn kiểm tra của ban chỉ đạo thi cấp quốc gia và các đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra công tác chấm thi ở các hội đồng thi suốt thời gian chấm thi. Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Tuệ Nguyễn |
Bình luận (0)